ĐBQH BỐ THỊ XUÂN LINH: CẦN NÂNG CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ TRÌNH ĐỘ DÂN TRÍ VÙNG MIỀN NÚI, DÂN TỘC THIỂU SỐ

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 31/5.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 31/5.

Thẳng thắn nhìn nhận khó khăn để gỡ khó cho nền kinh tế

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cơ bản tán thành với nội dung báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023 mà Chính phủ đã trình Quốc hội.

Theo đại biểu, năm 2022, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về tình hình thế giới, tình hình trong nước, song tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta vẫn ổn định. Kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 8,02%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thu ngân sách nhà nước tăng gần 14% so với năm 2021; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2% so với năm trước; tạo cơ sở quan trọng cho việc mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thành công đó là thành quả của sự quyết liệt, sự chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành chủ động và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất sâu sát, quyết liệt, linh hoạt, tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương và các doanh nghiệp; sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại phiên họp.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại phiên họp.

Đối với những tháng đầu năm 2023, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh được bảo đảm; ...

Tuy nhiên, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận về kinh tế xã hội trong những tháng đầu năm 2023, đó là: Tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%). Nhiều tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng ở mức âm. Số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao. Rủi ro dịch bệnh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn; tình trạng cắt giảm lao động của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp… tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đưa ra rất đúng về đổi mới giáo dục và phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa xã hội. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện chưa tương xứng và chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.

Điều này thể hiện rất rõ qua Giám sát Nghị quyết 88 và Nghị quyết 55 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở các địa phương đã chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, đối với các trường trung học cơ sở và tiểu học đều chưa được đáp ứng để phục vụ nhu cầu dạy và học; trang thiết bị, dụng cụ còn thiếu thốn như môn Hóa, Vật lý để thực hiện các thiết bị thí nghiệm còn rất hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến việc tiếp thu của học sinh. Đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại càng khó khăn hơn.

Theo đại biểu, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1436 về đề án đảm bảo cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, tuy nhiên đề án này hoàn toàn không có nguồn kinh phí để triển khai thực hiện. Nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ rất lâu, có diện tích phòng nhỏ, không đảm bảo các quy định về quy chuẩn diện tích phòng học nhưng vẫn không có điều kiện để tu sửa, mở rộng kết cấu, trong khi số học sinh lại ngày một tăng thêm.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục tại nhiều địa phương còn đối mặt với trình trạng thừa, thiếu giáo viên các cấp từ mầm non đến Trung học phổ thông, tập trung nhiều nhất là giáo viên bộ môn Tin học, Tiếng Anh, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Đồng thời có phương án bổ sung nguồn giáo viên thiếu so với định mức, phối hợp Bộ Nội vụ giao biên chế giáo viên đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình. Xem xét sửa đổi tăng định mức giáo viên tiếng Anh cấp Tiểu học, THCS và THPT cho phù hợp. Phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung quy định chuẩn về diện tích phòng học và định mức học sinh/lớp học cho phù hợp với từng cấp học và từng vùng miền vì hiện nay quy định cũ không còn phù hợp; cần thống nhất dạy một bộ sách giáo khoa.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng bày tỏ nỗi lo về vấn nạn bạo lực học đường.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng bày tỏ nỗi lo về vấn nạn bạo lực học đường.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng cho rằng vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại cũng đang ngày càng tăng lên. Số liệu qua báo cáo của các ngành cho thấy số lượng này tăng khá cao, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 tăng so với năm 2022, trong số 9.601 ca hỗ trợ can thiệp trong đó có 4.194 ca bạo lực trẻ em, chiếm trên 43%.

Mặc dù Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều văn bản; cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các ngành, các địa phương tăng cường các biện pháp, phối hợp thực hiện, nhưng trong những năm qua số vụ việc xâm hại trẻ em, số trẻ em bị xâm hại vẫn không giảm, diễn biến phức tạp, trẻ em thậm chí bị xâm hại, tước đoạt quyền sống ngay trong gia đình, ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.

Đại biểu đề nghị Chính phủ và các Bộ, Ngành cần có chính sách và tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em. Đặc biệt trong tháng hành động của trẻ em hàng năm và năm 2023 này, đại biểu đề nghị các cấp, các ngành phải có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể và tổ chức rộng khắp, thiết thực hướng về trẻ em nhằm ngăn chặn được thực trạng trên./.

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76461