Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và giải pháp thanh toán số

Đây là một trong những chương trình Sở Công Thương chủ trì thực hiện theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh trong năm nay, giúp tiểu thương, người dân tiếp cận, phát triển hoạt động thương mại theo hướng hiện đại.

Tiểu thương chợ Tuy Hòa được hướng dẫn các bước cài đặt ứng dụng và thanh toán số. Ảnh: VÕ PHÊ

Tiểu thương chợ Tuy Hòa được hướng dẫn các bước cài đặt ứng dụng và thanh toán số. Ảnh: VÕ PHÊ

Xây dựng kênh bán hàng online

Nhằm hỗ trợ tiểu thương chợ Tuy Hòa tiếp cận phương thức bán hàng mới kết hợp với bán hàng truyền thống, Sở Công Thương đã phối hợp với Ban Quản lý chợ Tuy Hòa và Công ty CP Vietnamtrade (TP Đà Nẵng) tổ chức chương trình ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) và giải pháp thanh toán số. Chương trình sẽ được thực hiện thí điểm trong tháng 6 với sự tham gia của các tiểu thương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh buôn bán tại chợ.

Chương trình được triển khai theo các bước: Tổ chức khảo sát, xây dựng dữ liệu thương nhân, tạo tài khoản thanh toán số, tổ chức hướng dẫn cách làm; kích hoạt chương trình, thực hiện trình diễn livestream, hướng dẫn về quy trình đóng gói, vận chuyển hàng hóa. Theo đó, tiểu thương đăng ký tham gia sẽ được hỗ trợ tạo tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt, lập hồ sơ năng lực trực tuyến và vận dụng tích hợp tài khoản thanh toán bằng mã QR; xây dựng và quảng bá hình ảnh sản phẩm, địa điểm kinh doanh (ki ốt) trên môi trường mạng; được hướng dẫn cụ thể kỹ năng, cách thức bán hàng livestream…

Ông Võ Văn Khanh, đại diện Công ty CP Vietnamtrade cho biết: Công ty đã và đang tiến hành khảo sát nhu cầu, năng lực, nguồn lực, sản phẩm để xây dựng chính sách bán hàng, cơ sở dữ Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và giải pháp thanh toán số liệu và ứng dụng giải pháp thanh toán số cho các hộ tiểu thương. Sau khảo sát, chúng tôi sẽ lựa chọn một số tiểu thương tham gia và phát động triển khai mô hình. Để mô hình đạt hiệu quả, các đơn vị TikTok Shop, đơn vị chịu trách nhiệm về thanh toán, vận chuyển, đóng gói… cũng sẽ đồng hành tạo lập kênh hỗ trợ tiểu thương ngay tại chợ.

“Trước mắt, các hộ tiểu thương còn hạn chế về nhân sự, nền tảng TMĐT… nên chúng tôi sẽ triển khai tích hợp, hướng dẫn từng bước theo hình thức phù hợp với nhu cầu, năng lực của từng tiểu thương”, ông Khanh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc Sở Công Thương, việc thực hiện chương trình ứng dụng TMĐT và giải pháp thanh toán số tại chợ Tuy Hòa sẽ giúp các doanh nghiệp, tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ truyền thống có cơ hội tiếp cận kênh bán hàng mới thông qua ứng dụng TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt, quảng bá, thu hút nhiều khách đến mua sắm tại chợ. Đồng thời tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, chính sách bán hàng và các kỹ năng liên quan đến TMĐT, từ đó thúc đẩy hoạt động bán hàng phát triển theo hướng hiện đại và gia tăng hiệu quả kinh doanh tại chợ truyền thống.

Bán hàng online sẽ là kênh thương mại hiệu quả, bổ sung vào hoạt động bán hàng của tiểu thương và thêm kênh trải nghiệm, mua sắm sản phẩm cho người dân. Song, việc kết hợp hai hình thức bán hàng trực tiếp và trực tuyến hiệu quả, phụ thuộc nhiều vào sản phẩm và chính sách bán hàng.

Ông Võ Văn Khanh, đại diện Công ty CP Vietnamtrade

Thúc đẩy hoạt động bán hàng

Theo nhiều tiểu thương, TMĐT phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, không ít người dân quan tâm kênh mua bán hàng trực tuyến, nên hiệu quả bán hàng tại chợ truyền thống giảm rất nhiều. Tình trạng chợ ế ẩm, tiểu thương tạm nghỉ, bán cầm chừng hoặc sang sạp cũng phổ biến.

Bà Nguyễn Thị Thoa, tiểu thương bán hàng quần áo chợ Tuy Hòa nói: Số lượng người dân vào chợ mua hàng không nhiều, mỗi ngày chỉ vài người vào chợ xem hàng.

Còn ông Hồ Gia Truyền, chủ cửa hàng đồ chơi Long Giàu (chợ Tuy Hòa) cho hay: Những năm gần đây, hoạt động mua bán của tiểu thương ở mức cầm chừng, ai có mối bán sỉ thì còn tiêu thụ được hàng. Mặc dù giá hàng hóa bán tại chợ rẻ hơn các cơ sở kinh doanh khác nhưng vẫn ít người mua. Theo tôi, nếu các đơn vị hỗ trợ xây dựng kênh bán hàng online hiệu quả thì chắc chắn nhiều tiểu thương sẽ tham gia để mở rộng kênh bán hàng song song với hình thức bán hàng truyền thống, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa, đại diện Ban Quản lý chợ Tuy Hòa, gần 20% tiểu thương đã nghỉ kinh doanh. Để giúp tiểu thương phát triển thêm kênh bán hàng trực tuyến, ban quản lý chợ đã thông tin, vận động tiểu thương tham gia chương trình ứng dụng TMĐT và giải pháp thanh toán số. Đến nay có khoảng 30 hộ đăng ký.

Các hộ này đã có kho hàng, đủ điều kiện để xây dựng cơ sở dữ liệu bán hàng online. Mong muốn của tiểu thương cũng như ban quản lý là sau khi kích hoạt chương trình bán hàng online, hiệu quả bán hàng của tiểu thương sẽ tăng và mô hình này sẽ được nhiều người dân biết đến.

Ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm, sở đã chỉ đạo, phân công bộ phận chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đảm bảo những nội dung của chương trình ứng dụng TMĐT và giải pháp thanh toán số tại chợ Tuy Hòa; tuyên truyền rộng rãi để thu hút tiểu thương, hộ kinh doanh tham gia.

Sở Công Thương và các đơn vị, chính quyền địa phương cũng phối hợp chặt chẽ, cùng hướng dẫn thương nhân xây dựng mô hình kinh doanh hiện đại, văn minh phù hợp với xu hướng phát triển của TMĐT.

VÕ PHÊ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/316736/day-manh-ung-dung-thuong-mai-dien-tu-va-giai-phap-thanh-toan-so.html