Đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện

Quang cảnh tọa đàm khoa học bàn giải pháp để phát triển tự chủ đại học vừa được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức tại Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG

Chính sách tự chủ đại học đang được các cơ sở đào tạo quan tâm và bắt đầu có những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến việc ban hành văn bản triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này còn bộc lộ một số hạn chế, cần có giải pháp đồng bộ để giúp các trường không e dè khi thực hiện tự chủ.

Còn nhiều hạn chế

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông vừa tổ chức Tọa đàm khoa học Giải pháp để phát triển tự chủ đại học. Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của gần 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các trường, các bộ, ban ngành bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại chương trình tọa đàm, TS Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay: Hiện nay, ngoài 23 trường đại học công lập thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ giai đoạn 2014-2017, có thêm nhiều trường đại học chuyển sang cơ chế tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 (Luật 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật 34. Việc tự chủ đại học bắt đầu có những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến việc ban hành văn bản triển khai, thực hiện ở các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập; việc triển khai tự chủ đại học còn chậm, có nơi còn lúng túng.

Theo các đại biểu, sự lúng túng khi triển khai tự chủ đại học xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là từ quan điểm và tư duy về tự chủ đại học vẫn còn chưa thống nhất. Bản thân các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn những cách hiểu khác nhau về tự chủ, về hệ thống và phương pháp quản lý. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, vẫn nặng về cách tiếp cận từ góc độ phân bổ tài chính thông qua mức độ tự đảm bảo kinh phí hoạt động mà chưa quản lý theo định hướng kết quả, có căn cứ, nguyên tắc chung để trao quyền tự chủ cũng như trao tự chủ ở mức độ khác nhau phù hợp với năng lực của từng đơn vị. Cụ thể như về tự chủ tổ chức, hiện nay chưa có sự độc lập dân chủ lựa chọn, bổ nhiệm và bãi nhiệm người đứng đầu chịu trách nhiệm điều hành. Về tự chủ tài chính, còn nhiều rào cản do thiếu đồng bộ trong các quy định, còn có sự nhầm lẫn tự chủ đồng nghĩa với tự lo. Đặc biệt là về tự chủ học thuật, theo quy định của luật, việc tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng thuộc trách nhiệm của cơ sở đào tạo, song quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành (như quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo…) liên quan đến hoạt động này chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời theo tinh thần đổi mới của Luật 34… Bên cạnh đó, các vấn đề về hội đồng trường và hiệu trưởng trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu cũng được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến và kiến nghị. Đây sẽ là cơ sở để hiệp hội có các báo cáo kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT và Chính phủ trong thời gian sắp tới.

Sinh viên ngành Kiến trúc Trường đại học Xây dựng Miền Trung trao đổi kỹ năng thiết kế đồ án. Ảnh: THÚY HẰNG

Sinh viên ngành Kiến trúc Trường đại học Xây dựng Miền Trung trao đổi kỹ năng thiết kế đồ án. Ảnh: THÚY HẰNG

Cần sự đồng bộ

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm và cũng là năm đầu toàn ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kế hoạch, nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Do đó, năm 2022 được Bộ GD-ĐT xác định cần tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện, đúng hướng, đầy đủ, có chiều sâu và hiệu quả. “Triển khai tự chủ đại học là chủ trương lớn. Để tự chủ đại học đi vào thực chất, thật sự tạo nên đột phá thì cần thực hiện tự chủ có lộ trình, có sơ kết, đánh giá từng nội dung tự chủ để có các quyết sách kịp thời và không bị vướng. Hiện nay vẫn còn sự chồng chéo của một số văn bản và cách hiểu khác nhau giữa một số bộ, ngành liên quan dẫn tới khó khăn cho việc thực hiện tự chủ đại học. Do đó, Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành liên quan có thể thống nhất để điều chỉnh cho phù hợp với Luật 34 nhằm tháo gỡ những vướng mắc, dần đồng bộ hóa hệ thống văn bản để thống nhất thực hiện”, GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD-ĐT nói.

Khẳng định tự chủ được xem là hệ giải pháp có cấu trúc chặt chẽ hướng đến việc cải thiện môi trường giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ: Tự chủ đại học đã được đặt ra mười mấy năm nay, nhưng tiến triển rất chậm, rất nhiều vướng mắc. Hiện vẫn còn nhầm lẫn giữa việc Nhà nước trao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ với việc phân quyền quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học, nhầm lẫn giữa tự chủ với tự túc tài chính. Theo TS Lê Viết Khuyến, không thể hiểu tự chủ đại học là tự túc tài chính, đề nghị không cắt đầu tư cho các trường tự chủ, ngược lại cần tăng cường đầu tư phát triển cho các cơ sở tự chủ thành công để giúp cơ sở giáo dục đại học đó phát triển. Để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học công lập, TS Lê Viết Khuyến cho rằng cần kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản đã được đặt ra từ năm 2005 tại Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Bỏ cơ quan chủ quản không hề làm giảm vai trò quản lý nhà nước, mà là xóa bỏ một hình thức “giấy phép con”. Đồng thời, khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học, Nhà nước phải trao quyền tự chủ cho một tập thể có vai trò, quyền lực cao nhất trong trường, chính là hội đồng trường, không trao quyền cho cá nhân.

Tại Phú Yên, hai trường đại học Phú Yên, đại học Xây dựng Miền Trung hiện đã thành lập được hội đồng trường. Dẫu vậy, để thực hiện được tự chủ đại học là không dễ, nhất là tự chủ tài chính. Đây cũng là áp lực lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Tự chủ chỉ có giá trị khi nó đem lại sức mạnh để phát triển toàn diện các trường đại học. Nếu tự chủ không đem lại điều đó, thì cơ chế, chính sách phải điều chỉnh. Theo các trường, thời gian tới, Bộ GD-ĐT cần phải tập trung nhiều vấn đề nữa để thực hiện tự chủ được đầy đủ, đúng hướng. Trong đó, phải thực hiện cho được định hướng lớn: tự chủ để đại học được năng động hơn, giải phóng được các nguồn lực và sức sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), năm 2022, giáo dục đại học sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ. Bộ GD-ĐT sẽ tập trung rà soát về phương diện thể chế, từng bước đồng bộ, tạo cơ chế chính sách đầy đủ để tạo điều kiện cho tự chủ. Hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực thuộc các bộ, ngành khác nhau có liên quan, cũng như một số quy định của chính Bộ GD-ĐT cũng cần phải hoàn thiện. Trong đó, các vấn đề về bộ máy, tài chính, nhân sự sẽ được chú ý trong thời gian tới để góp phần đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/270820/day-manh-tu-chu-dai-hoc-theo-huong-toan-dien.html