Đẩy mạnh phổ biến kiến thức PCCC, kỹ năng thoát nạn cho người dân
Ngày 15-4-2021, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối từ Thủ đô Hà Nội đến với các tỉnh, thành nhằm triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng – Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo Công an 63 tỉnh, thành tham dự hội nghị.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 3 năm gần đây (2018-2020), cả nước đã xảy ra 10.930 vụ cháy, làm chết 235 người, bị thương 508 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng gần 5 ngàn tỷ đồng và khoảng 20.901 ha rừng. Trong đó, xảy ra 118 vụ cháy lớn, làm chết 30 người, bị thương 72 người, gây thiệt hại về tài sản hơn 4 ngàn tỷ đồng và 193 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, làm chết 205 người, bị thương 436 người.
Trong những năm qua, mặc dù chịu sự tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh nhưng tình hình kinh tế, xã hội của nước ta vẫn giữ vững được sự ổn định tăng trưởng và phát triển. Nhờ vậy, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu sử dụng năng lượng (chủ yếu điện năng) phục vụ sản xuất và sinh hoạt ngày càng cao đã kéo theo nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn về cháy, nổ càng lớn.
Nhiều vụ cháy tại khu công nghiệp, khu dân cư tập trung nhiều nhà ở riêng lẻ, nhà liền kề, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cao tầng, công trình ngầm, cơ sở tập trung đông người,… không chỉ mang theo thương vong về người và tài sản mà còn là hồi chuông cảnh báo thiếu an toàn cháy, nổ.
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Minh Khương – Phó Cục Trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã đưa ra nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót của các vụ cháy, nổ trong thời gian qua. Bên cạnh nguyên nhân khách quan (sự phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa tăng nhanh, biến đổi khí hậu,…) thì vẫn còn tồn đọng 9 nguyên nhân chủ quan trong quản lý, chế tài của Nhà nước và ý thức trách nhiệm của người dân đã “dẫn” lửa đến từng nhà, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Chính vì vậy, Bộ Công an đã triển khai các giải pháp trọng tâm đến từng đơn vị trực thuộc Bộ Công an và công an các địa phương nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trong trong giai đoạn 2021-2025.
Tính đến thời điểm hiện nay, cơ quan điều tra đã làm rõ nguyên nhân của 96/118 vụ cháy lớn. Trong đó chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 65,2%; sự cố kỹ thuật thiết bị, máy móc chiếm 4,2%; bất cẩn trong hàn cắt chiếm 2,5%; tự cháy chiếm 1,7%; vi phạm quy định về PCCC trong sử dụng điện chiếm 1,7%, do đốt chiếm 0,85%. Ngoài ra, còn 22 vụ chưa rõ nguyên nhân đang được cơ quan chức năng tích cực điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Minh Khương đã triển khai hướng dẫn của Bộ Công an về việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp khi vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý.
Hướng dẫn nêu rõ các trường hợp, trình tự, thủ tục huy động phương tiện lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy, CNCH. Đồng thời, hướng dẫn nhiệm vụ của các đơn vị địa phương trong tổ chức chữa cháy, CNCH và nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc Bộ Công an. Từ đó, tổ chức thực hiện việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản phục vụ mục đích chữa cháy, CNCH hiệu quả hơn.
Thông qua đường truyền trực tuyến, lãnh đạo 3 tỉnh, thành (Hà Nội, Bình Dương và TPHCM) đã báo cáo tham luận về tình hình cháy, nổ, CNCH cũng như những nguyên nhân, giải pháp, tồn đọng và kinh nghiệm tại địa phương. Từ đó, đóng góp chung cho công tác phòng ngừa cháy nổ, CNCH trên địa bàn cả nước được hoàn thiện, chặt chẽ hơn.
Từ ngày 15-4 đến 15-10, Bộ Công an thành lập các đoàn liên ngành (gồm: Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Cảnh sát khu vực, đại diện UBND cấp xã, đơn vị quản lý trật tự xây dựng đô thị, điện lực) tổ chức kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, đoàn liên ngành sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, kỹ năng thoát nạn, kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy đến từng hộ dân. Bên cạnh đó, đoàn liên ngành còn tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất về điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng – Thứ trưởng Bộ Công an ghi nhận nỗ lực của lực lượng công an đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, kịp thời cứu nhiều nhân mạng và tài sản của Nhà nước, của nhân dân.
Đồng chí Thứ trưởng đánh giá cao khi hội nghị đã vẽ bức tranh tổng thể trên phạm vi toàn quốc về những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm về an toàn PCCC trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị công an các tỉnh, thành và Cục Cảnh sát PCCC&CNCH rà soát, căn cứ theo 14 nguyên nhân, hạn chế (3 khách quan và 9 chủ quan) để khắc phục, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng yêu cầu Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chủ trì phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Viện Khoa học hình sự xây dựng quy trình về khám nghiệm, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám nghiệm, điều tra, xử lý các vụ cháy, nổ. Đẩy mạnh các công tác nghiệp vụ chuyên ngành của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH; triển khai hiệu quả đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh…