Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng, cơ khí
Định hướng trong phát triển công nghiệp của tỉnh thời gian qua và những năm tiếp theo là tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm dần công nghiệp khai khoáng. Theo Sở Công thương, do trữ lượng khoáng sản ngày càng cạn kiệt, một số điểm mỏ nhỏ nằm rải rác không đủ trữ lượng để mời gọi các dự án thực hiện chế biến sâu. Do vậy, để phát triển bền vững cần hướng đến dịch chuyển sang chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Công ty cổ phần Công nghiệp Tân Hà đầu tư thêm trạm trộn bê tông công suất 120 m3/giờ. Ảnh: D.L
Từ định hướng của tỉnh, những năm qua, Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, bước đầu đạt những kết quả quan trọng. Giai đoạn 2015 - 2019 tỉnh đã thu hút 10 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực chế biến trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó đã hoàn thành đi vào hoạt động 4 dự án gồm: Nhà máy chế biến gỗ tại cụm công nghiệp Thắng Quân của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang; Nhà máy sản xuất viên gỗ nén tại Hoàng Khai (Yên Sơn) của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Võ Thuận Phát; Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc tại cụm công nghiệp Phúc Ứng của Công ty TNHH Trường Thọ; Nhà máy chế biến các sản phẩm chè Kia Tăng (Na Hang).
Cùng với thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biên nông lâm sản, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Số dự án trong 4 năm qua tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước. Đã thu hút đầu tư 6 dự án sản xuất gạch không nung, trong đó 5 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy gạch Thái Sơn (Hàm Yên); Nhà máy gạch không nung Công ty TNHH Tiến Hằng (Yên Sơn); Nhà máy gạch không nung của HTX Sửu Hùng (Chiêm Hóa); Nhà máy gạch không nung của Công ty TNHH Tuấn Hưng (Sơn Dương); Nhà máy gạch không nung của HTX vật liệu xây dựng Hải Đức, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).
Với việc thực hiện hiệu quả chính sách khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian qua, tỉnh đã thu hút 15 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, luyện kim. Trong đó nhiều nhà máy đã hoàn thành đi vào hoạt động như Nhà máy cơ khí đúc của Công ty TNHH Tam Cửu; Nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu tại Trung Môn (Yên Sơn) của Công ty TNHH sản xuất giày chung JYE…
Các dự án trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, cơ khí đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang trở thành điểm sáng trong ngành công nghiệp chế biến nông lâm nghiệp của tỉnh với nhiều sản phẩm nội thất gia đình được xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ, Nhật. Đến nay, các nhà máy đã đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy chế biến gỗ Yên Sơn 75.000 m³/năm, Nhà máy ván dăm 100.000 m³/năm; Nhà máy ván dán 150.000 m³/năm; Nhà máy chế biến gỗ Thái Bình 50.000 m³/năm. Hiện nay, công ty tạo việc làm cho 2.000 lao động, mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh ưu tiên các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng. Hiện, Sở Công thương đã tích cực triển khai các chương trình khuyến công Trung ương và địa phương khuyến khích các chủ đầu tư dự án cải tiến quy trình quản lý, đổi mới dây chuyền thiết bị sang công nghệ cao, sạch hơn, khuyến khích đầu tư tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, trước yêu cầu phát triển mới, được sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh, công ty đã tiến hành lựa chọn công nghệ tiến tiến của châu Âu thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng hóa chất trong chế biến sản phẩm để đầu tư dây chuyền xây dựng nhà máy mới công suất 150.000 tấn bột giấy/năm. Lãnh đạo công ty đã đi tham quan, nghiên cứu công nghệ mới tại Thụy Điển, Na Uy. Dự kiến sẽ khởi công xây dựng nhà máy vào quý II-2020.
Chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp hỗ trợ, giảm sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, khoáng sản là xu hướng tất yếu, bảo đảm phát triển bền vững. Với cơ chế, chính sách của tỉnh đã được triển khai thực hiện sẽ thu hút nhiều dự án mới trong lĩnh vực này trong thời gian tới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.