Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong đầu tư công

Ngày 10/9, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi). Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì phiên thẩm định.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì phiên thẩm định Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi).

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì phiên thẩm định Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 (Luật Đầu tư công năm 2019) đã quy định nhiều nội dung mới, cải cách, đột phá về tư tưởng và quan điểm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sự chủ động, linh hoạt và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đầu tư công. Luật đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, đường cao tốc, liên vùng, ven biển... Qua đó, tạo kết quả rõ nét trong thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy đầu tư tư nhân, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, các ngành, lĩnh vực, các vùng và địa phương.

Tuy nhiên, sau gần 05 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế cụ thể như quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, cần nghiên cứu tháo gỡ, thể chế hóa ở tầm Luật như: (i) Chất lượng của công tác chuẩn bị đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, một số chương trình, dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần; (ii) Quy định về điều chỉnh kế hoạch hằng năm giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa thực sự linh hoạt, tạo sự chủ động trong điều hành, trong khi việc điều chỉnh kế hoạch hằng năm giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã được phân cấp triệt để; (iii) Việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ giải ngân thấp…

Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân phát biểu tại buổi thẩm định

Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân phát biểu tại buổi thẩm định

Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao sự linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý, thực hiện kế hoạch đầu tư công, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; cắt giảm, đơn giản hóa một số trình tự, thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác; huy động năng lực quản lý, nguồn lực của các thành phần kinh tế trong thực hiện dự án đầu tư công; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; tạo sự chủ động, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án…

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư, ông Trần Minh Phú, Bộ Xây dựng cho biết hiện Luật Đầu tư công mới chỉ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư mà không quy định về các trường hợp được điều chỉnh chủ trương đầu tư; đồng thời không có quy định về dừng chủ trương đầu tư như thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các trường hợp dừng… do đó, đề nghị bổ sung thêm quy định về các trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm rõ về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong trường hợp làm thay đổi quy mô nhóm dự án; bổ sung quy định về dừng chủ trương đầu tư làm cơ sở cho việc điều chỉnh dự án.

Về đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp, ông Trần Minh Phú cho biết Luật Đầu tư công hiện hành quy định đối tượng dự án/công trình khẩn cấp hẹp hơn và chưa bao quát so với quy định tại Luật Xây dựng; chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện, nội dung báo cáo đề xuất dự án, nội dung thẩm định dự án; trong khi đó Luật Xây dựng đã có quy định khá rõ và chi tiết các nội dung này. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc quy định theo hướng dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án/công trình khẩn cấp.

Liên quan đến đầu tư dự án ODA, hiện dự thảo Luật vẫn quy định chủ trương đầu tư vẫn gồm 2 bước. Để rút ngắn thời gian hơn nữa, ông Nguyễn Văn Việt, Bộ Giao thông vận tải đề xuất lược bỏ bước đề xuất chủ trương dự án ODA và ghép vào bước chủ trương đầu tư dự án như dự án đầu tư trong nước. Các nội dung liên quan đến đánh giá về đảm bảo an toàn nợ công, đánh giá khoản vay cũng sẽ ghép vào bước chủ trương đầu tư.

Một số thành viên hội đồng phát biểu góp ý.

Một số thành viên hội đồng phát biểu góp ý.

Cùng với đó, đại diện Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết dự thảo Luật có quy định giải thích định nghĩa về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tuy nhiên Luật Xây dựng cũng có định nghĩa về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng. Do đó cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm này để các doanh nghiệp nhà nước dễ dàng áp dụng triển khai. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi có quy định về thẩm quyền của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc công ty, Tổng Giám đốc công ty của doanh nghiệp nhà nước trong việc quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, sử dụng vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đang chủ trì xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vì vậy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, đồng bộ các nội dung có liên quan.

Tại buổi góp ý, các thành viên Hội đồng thẩm định cho ý kiến nhiều nội dung cụ thể về trình tự, thủ tục; việc lập báo cáo tiền khả thi của dự án; gắn trách nhiệm trong các nội dung phân cấp, phân quyền; làm rõ tiêu chí xác định dự án đầu tư công khẩn cấp; quy định cụ thể trình tự, thủ tục dừng dự án đầu tư công…

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa đổi Luật Đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời đánh giá dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp... để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận.

Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và tăng cường hơn nữa việc phân cấp, phân quyền trong thủ tục hành chính, thẩm định dự án đầu tư…; nghiên cứu việc vay lại theo cơ chế dân sự; thể chế hóa đầy đủ các khái niệm đầu tư; trong đó lưu ý các quy định liên quan đến kế hoạch đầu tư công.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến về việc phân loại dự án theo ngành, lĩnh vực; nội dung liên quan đến đất rừng phòng hộ; các trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư; quy định giao Chính phủ hướng dẫn các trường hợp dừng chủ trương đối với các dự án đầu tư công; điều khoản chuyển tiếp…

M.Tâm

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/day-manh-phan-cap-phan-quyen-phat-huy-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-trong-dau-tu-cong-post524846.html