Dầu trượt hơn 1,5% do những bất ổn về tăng trưởng của Trung Quốc
Giá dầu toàn cầu đã giảm hơn 1 đô la vào thứ Hai (19/6), đẩy lùi mức tăng của tuần trước, do những nghi ngờ về nền kinh tế Trung Quốc lấn át việc cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent mất 1,15 USD, tương đương 1,5%, giao dịch ở mức 75,46 USD/thùng. Trong khi dầu thô WTI của Hoa Kỳ giảm 1,09 USD, tương đương 1,5%, xuống 70,69 USD. Tuần trước, dầu Brent tăng 2,4% và dầu WTI tăng 2,3%.
Tina Teng, nhà phân tích tại CMC Markets, cho biết: “Những bất ổn về kinh tế của Trung Quốc có thể đã gây ra tình trạng bán tháo sau khi thị trường dầu mỏ phục hồi hai ngày trước khi có quyết định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) về lãi suất cho vay cơ bản trong tuần này”.
Một số ngân hàng lớn đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc sau khi dữ liệu kinh tế tháng 5 được công bố vào tuần trước cho thấy sự phục hồi sau Covid của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chững lại.
PBOC dự kiến sẽ hạ lãi suất cho vay cơ bản vào thứ Ba, sau khi giảm tương tự đối với các khoản vay chính sách trung hạn vào tuần trước để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng Trung Quốc sẽ tung ra nhiều biện pháp hỗ trợ kích thích hơn cho nền kinh tế đang chững lại của nước này trong năm nay, nhưng những lo ngại về nợ và dòng vốn sẽ khiến các biện pháp nhằm mục tiêu hỗ trợ nhu cầu suy yếu trong lĩnh vực tiêu dùng và tư nhân.
Tuy nhiên, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng lên mức cao thứ hai trong lịch sử, giúp thúc đẩy mức tăng giá dầu trong tuần trước và các công ty năng lượng của Hoa Kỳ đã giảm số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên đang hoạt động trong tuần thứ 7 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 7/2020.
Cụ thể, số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm 8 giàn xuống còn 687 giàn trong tuần tính đến ngày 16/6, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao tại OANDA, cho biết, giá dầu hôm thứ Hai cũng giảm do kỳ vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi là OPEC+, sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ hạn ngạch sản xuất.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế vào thứ Bảy, Igor Sechin, người đứng đầu tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga cho hay, việc OPEC+ giám sát khối lượng xuất khẩu dầu cũng như hạn ngạch sản xuất là phù hợp do quy mô thị trường nội địa của mỗi quốc gia là khác nhau.
Đầu tháng này, OPEC+ đã đồng ý về một thỏa thuận sản lượng dầu mới. Nhà sản xuất lớn nhất của tổ chức là Saudi Arabia cũng cam kết cắt giảm sâu sản lượng vào tháng Bảy.