Dấu thời gian

Những năm còn đi làm, căn phòng nhỏ ở nhà mà anh vẫn hài hước gọi là thư phòng cho sang, đồ đạc chất đống như cái kho vì lười dọn dẹp. Cứ tự chống chế đi làm bận rộn nên từ từ dọn, chỉ cần cái bàn nhỏ đủ chỗ để cái máy tính có gì cần phải làm việc ở nhà là đủ. Nay thời gian rảnh rang anh mới sắp xếp lại phòng cho gọn, chợt ngỡ ngàng nhận ra bao nhiêu thứ từng không thể thiếu khi còn làm việc, giờ nằm phủ bụi ở đây, trở thành chứng nhân của một thời chưa xa…

Này đây, cái hộp ở xó trong cùng là cái máy điện thoại bàn. Nhớ những năm 1990, ai có điện thoại nhà riêng là ghê gớm lắm. Khi ấy, cơ quan phải làm công văn qua Bưu điện, đề nghị do công việc đặc thù cần thông tin tức thời, xin được lắp điện thoại cho một số người trong cơ quan mới được ưu tiên. Ngày lắp xong, cái hẻm nhỏ nhà anh vui như hội, bao nhiêu người qua nhà điện thoại nhờ. Có những đêm khuya, anh còn phải lò dò đi gọi hàng xóm vì có điện thoại ở quê báo người nhà cấp cứu… Lối xóm xích lại gần nhau hơn qua cái điện thoại.

Trong ngăn kéo bàn có chồng đĩa CD cao ngất, lạc vào đó còn có mấy cái đĩa mềm. Nhớ cái thời mới vô cơ quan, anh em phải đi học máy tính vào buổi tối. Thời ấy, máy tính là thứ quá hiếm hoi, còn chạy phần mềm MS-Dos, khởi động bằng đĩa mềm. Mỗi khi ngồi vào máy làm việc chỉ lo nơm nớp lỡ có chuyện gì lấy đâu tiền đền cho cơ quan. Rồi một thời mọi tư liệu quan trọng, anh và đồng nghiệp đều sao vào đĩa CD để bảo quản lâu dài cho an toàn, có ai ngờ đâu chỉ một thời gian ngắn, chả máy tính nào còn ổ đĩa CD. Cả khối tư liệu, hình ảnh lưu trữ trong đó thôi cứ để đó làm kỷ niệm, chả nỡ vất đi.

Trên giá sách còn mấy tập album để lưu danh thiếp (card visite). Anh vẫn giữ thói quen lưu giữ lại tất cả những tấm danh thiếp được trao. Suốt bao nhiêu năm trước, tấm giấy nhỏ hình chữ nhật ghi những thông tin cơ bản của chủ sở hữu dùng để trao nhau khi gặp gỡ, làm việc… đã trở thành một nét văn hóa giao tiếp. Khi gặp nhau bàn công việc, động tác đầu tiên là trang trọng trao nhau danh thiếp. Người đơn giản thì in trên giấy trơn, người cẩn thận chăm chút hình ảnh cá nhân thì in bằng giấy thơm. Tấm danh thiếp cũng thể hiện tính cách con người. Có người chỉ ghi cô đọng những thông tin cơ bản nhất, có người lại liệt kê đầy đủ chức danh, từ tham gia hội nọ đoàn thể kia… Bây giờ, hình như tấm danh thiếp ít được người dùng, có chăng chỉ còn những cơ sở kinh doanh, dịch vụ muốn khách nhớ địa chỉ, số điện thoại của mình. Tần ngần lướt qua những tấm danh thiếp, những gương mặt xưa, những cái tên lẫn trong ký ức, có người hình dung mãi mà không nhớ gặp nhau khi nào. Chợt nhớ câu thơ của Bùi Minh Quốc: “Có khi nào trên đường đời tấp nập/Ta vô tình đi lướt qua nhau/Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất…”.

Còn nhiều thứ lắm, thứ nào cũng bám bụi thời gian, cũng nhắc nhở mình về ngày đã qua. Cái máy ảnh cơ chụp phim, đống băng cassette khi đi phỏng vấn… Thời gian cứ thản nhiên như dòng sông trôi về phía trước, để trong dòng nước ôm bao nhiêu thứ chẳng ngờ. Có những thứ là phổ biến, thiết yếu của một thời, mới đó thôi mà hôm sau đã bị những thứ tân tiến hơn, tiện lợi hơn thay thế. Mỗi đồ vật có cuộc sống riêng của mình, để khi chợt gặp gợi nên những hoài niệm về một thời.

Có như vậy, trong cuộc sống mới có những người nặng lòng với quá khứ, thích quay trở về với những hoài niệm xưa. Và mới có những quán cà phê trang trí bằng những đồ dùng từ thời bao cấp, có những nhà hàng sang trọng nhưng trưng bày toàn đồ làm nông xưa…

Cuộc sống có hiện đại đến đâu, vẫn có phút giây lòng mình dùng dằng trước những dấu thời gian.

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202405/dau-thoi-gian-b4b451d/