Đầu năm mới, nói chuyện đổi mới trong kỷ nguyên AI

Được ra mắt trong những ngày đầu năm 2024, 'Canh bạc AI - Chat GPT và tương lai loài người' (do NXB Trẻ ấn hành) là tác phẩm đầu tiên của tác giả Việt Nam mang tham vọng 'đốt đuốc' đi tìm đáp án cho câu hỏi loài người sẽ đi về đâu trong kỷ nguyên AI.

"Canh bạc AI - Chat GPT và tương lai loài người" là tác phẩm thứ hai của Tiến sĩ Ngô Di Lân. Nội dung cuốn sách là một công trình nghiên cứu khoa học mang tính dự báo về tương lai của nhân loại. Nó cho thấy tầm nhìn thông suốt của anh về trí thông minh nhân tạo - một lĩnh vực còn khá mới mẻ với đa số người Việt nhưng đã tạo ra những thay đổi chóng mặt trong mọi khía cạnh của đời sống. Nhân dịp đầu năm, Tiến sĩ Ngô Di Lân đã có những chia sẻ cùng độc giả.

Ngô Di Lân (30 tuổi, Hà Nội) là Tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Brandeis (Mỹ). Anh đang công tác tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao (DAV).

Tiến sĩ Ngô Di Lân chia sẻ về "Canh bạc AI - Chat GPT và tương lai loài người".

* Canh bạc AI có thể xem là một trong những cuốn sách đầu tiên của tác giả Việt Nam về ChatGPT và AI. Mời anh chia sẻ quá trình viết cuốn sách này?

Theo khảo sát của tôi thì hiện đã có một vài cuốn sách viết về chủ đề này, nhưng chưa có cuốn sách nào viết theo cấu trúc chia làm hai nửa như tôi đã làm trong cuốn sách này. Thú thực là ban đầu tôi chỉ có ý định viết một cuốn sách nhằm đánh giá sức mạnh cũng như giới hạn của ChatGPT (đó là nửa đầu tiên của cuốn sách).

Tuy nhiên càng viết tôi càng nhận ra rằng chủ đề này quá hẹp và thế giới ứng dụng AI đang phát triển quá nhanh, quá mạnh. Đó là lý do vì sao cần có phần thứ hai của cuốn sách, để thảo luận về những tác động tiềm tàng của AI trong những lĩnh vực mà tôi cho là trọng yếu nhất: giáo dục, việc làm, sáng tạo, an ninh quốc gia. Tôi viết cuốn sách này vì tôi tin rằng những người “ngoại đạo" như tôi, một người chưa từng viết một dòng code vi tính nào, cũng cần hiểu đủ sâu và đủ toàn diện về công nghệ này để có thể thích nghi và “sống tốt".

* Anh có cái nhìn lạc quan về tương lai “chung sống hòa bình” giữa con người và AI dù rất nhiều ý kiến quan ngại và cảnh báo, điều gì khiến anh có thể lạc quan như vậy?

Cần đính chính lại là tôi có lạc quan, nhưng một cách hết sức thận trọng. Lạc quan là bởi tôi hiểu rằng về lý thuyết, không có lý do gì để buộc AI phải tìm cách thao túng, đàn áp, thống trị, hay xóa sổ loài người. Tất cả những điều đó là nguy cơ nhưng nguy cơ không có nghĩa là tất yếu. Những viễn cảnh tốt đẹp hoàn toàn khả thi.

Cuốn sách "Canh bạc AI - Chat GPT và tương lai loài người" mang tham vọng “đốt đuốc” đi tìm đáp án cho câu hỏi loài người sẽ đi về đâu trong kỷ nguyên AI.

Hơn nữa, theo đánh giá của tôi, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn tương đối sơ khởi của kỷ nguyên AI. Giờ vẫn còn chưa quá muộn để chúng ta, với tư cách là những thành viên của loài người, cùng nhau tìm cách kiểm soát và định hướng cách sử dụng AI theo những cách phục vụ những giá trị cao đẹp nhất của con người.

* Xin anh cho biết đối tượng bạn đọc phù hợp nhất mà anh hướng đến?

Tôi cho là cuốn sách này khó cung cấp được nhiều thông tin hay góc nhìn mới cho các chuyên gia về AI, đặc biệt là các kỹ sư phát triển phần mềm. Còn tôi tin rằng mọi độc giả chưa hoặc mới có ít kiến thức nền về AI nói chung hay ChatGPT nói riêng, muốn chủ động tìm cách thích ứng với một tương lai tràn ngập AI sẽ thấy cuốn sách này hữu ích.

* Anh có lời khuyên nào cho thế hệ trẻ đang sắp và bắt đầu bước vào thị trường lao động với nỗi lo AI “thay thế” mình, trong khi mặt khác, họ gần như không biết gì về AI và quá trình chuyển đổi số?

Lời khuyên của tôi là hãy đọc và hãy học thật nhanh, thật nhiều về AI trước khi quá muộn. Hãy tìm hiểu về AI bằng bất kỳ cách nào thuận tiện và phù hợp cho bạn nhất: xem YouTube, xem TikTok, nghe podcast, học online, đọc sách, v.v. Hơn hết, cần thử nghiệm và tìm cách tích hợp các công cụ AI vào trong cuộc sống thường nhật của mình. Bởi lẽ trước khi chúng ta bị AI thay thế, chúng ta sẽ bị “một người nào đó biết sử dụng AI thay thế". Ngồi yên một chỗ và lo lắng không bao giờ là giải pháp.

Tiến sĩ Ngô Di Lân khuyên giới trẻ hãy đọc và hãy học thật nhanh, thật nhiều về AI trước khi quá muộn.

* Ý kiến của anh về vấn đề tác quyền khi sử dụng sản phẩm con người tạo ra để làm nguồn dạy học cho AI, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật?

Tôi nghĩ tác quyền là một vấn đề nan giải mà hiện chúng ta chưa tìm được ra giải pháp thỏa đáng. Một mặt, tôi cho rằng các tác giả khó có thể vì lý do bảo vệ tác quyền mà cấm cản được sự phát triển không ngừng của AI. Đơn giản là bởi các công ty Big Tech quá mạnh và đang di chuyển quá nhanh.

Mặt khác, tôi nghĩ cần phải có cách nào đó để trả công xứng đáng cho chất xám của các tác giả, đồng thời cho họ sự ghi nhận phù hợp trong mọi câu trả lời của AI. Các nhà phát triển AI chắc chắn hiểu rằng nếu không liên tục có thêm nguồn dữ liệu chất lượng, do con người tạo ra, để nâng cao khả năng tư duy, trả lời và “sáng tạo", AI sẽ khó có thể tiến xa được.

* Mời anh chia sẻ sâu hơn về ý rằng: “Kỹ năng viết prompt (câu lệnh) là kỹ năng quan trọng trong tương lai, và nó phụ thuộc vào tư duy phản biện và khả năng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên của người dùng”. Vì sao không nên học thuộc các prompt sẵn có?

Tôi nghĩ có nhiều lý do nhưng lý do lớn nhất là vì bộ não không sinh ra để học thuộc lòng một khối lượng kiến thức “nhàm chán" nhiều như vậy. Bao giờ não chúng ta vận hành theo kiểu ổ cứng: nạp dữ liệu - tìm kiếm - dùng dữ liệu, lúc đó việc học thuộc một số lượng prompt khổng lồ sẽ hợp lý. Cho đến khi đó, cách tối ưu hơn là học cách phân biệt đâu là prompt tốt, đâu là prompt kém, nắm vững các nguyên lý soạn prompt căn bản để thích ứng tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu sử dụng.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dau-nam-moi-noi-chuyen-doi-moi-trong-ky-nguyen-ai-165988.html