Dấu hiệu trên da tưởng bình thường nhưng có thể cảnh báo 4 bệnh nguy hiểm
Ngứa da là một tình trạng phổ biến nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số căn bệnh nguy hiểm.
Ngứa da là tình trạng phổ biến và thường không gây hại nhiều cho sức khỏe. Chúng thường xuất hiện do những vấn đề tạm thời như dị ứng hoặc do côn trùng cắn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngứa có thể là triệu chứng của các vấn đề về thần kinh, thận, tuyến giáp hoặc gan.
Tiểu đường
Trên da tồn tại nhiều dây thần kinh và mạch máu cho phép chúng ta cảm nhận được nhiệt độ, cơn đau và áp lực. Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh và mạch máu trong cơ thể, bao gồm cả những dây thần kinh trên da.
Ngứa da là một trong những dấu hiệu phổ biến với những người mắc bệnh tiểu đường. dễ xảy ra khi bạn mắc bệnh tiểu đường.
Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng đường trong máu tăng cao khiến máu lưu thông kém, đồng thời cơ thể phải liên tục hoạt động để đào thải lượng đường dư thừa ra bên ngoài, từ đó khiến da bị khô và ngứa.
Khi mắc tiểu đường, ngoài tình trạng ngứa thì da còn dễ bị khô, bong vảy bất thường, kèm theo triệu chứng mệt mỏi, giảm thị lực,...
Tiểu đường loại là một trong những căn bệnh mạn tính phổ biến hiện nay, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, làm tổn thương đến chức năng của hệ thần kinh, mắt, tim, thận…
Bệnh thận
Ngứa da có thể cảnh báo bệnh thận mạn tính. Một số chuyên gia giải thích rằng tình trạng ngứa da xảy ra do thận gặp vấn đề, gây ảnh hưởng tới chức năng lọc các chất độc hại ra khỏi cơ thể, làm tăng urê máu.
Giống như các triệu chứng khác, ngứa da và phát ban có thể không xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh thận. Thay vào đó, chúng có thể xuất hiện khi các khoáng chất trong máu trở nên mất cân bằng do khả năng lọc của thận bị suy giảm.
Theo một đánh giá năm 2019, có tới 84% những người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối bị ngứa da. Do đó, khi thấy da bị ngứa không rõ nguyên nhân, mọi người nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.
Bệnh gan
Các bệnh lý về gan như xơ gan và viêm gan có thể gây ngứa da. Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh gan có thể làm tăng nồng độ muối mật, sau đó tích tụ dưới da, dẫn đến tình trạng ngứa da. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng chức năng gan bị ảnh hưởng dẫn tới nồng độ bilirubin tăng bất thường, từ đó kích thích các tế bào thần kinh và gây ra cảm giác ngứa.
Tình trạng ngứa có xu hướng xuất hiện ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Ngoài ra, vào mùa hè, khi tiếp xúc với nhiệt độ cao tình trạng ngứa có thể trở nên trầm trọng hơn.
Ung thư da
Ung thư da không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể xuất hiện tình trạng ngứa da như một dấu hiệu cảnh báo ban đầu.
Bác sĩ Brian Gastman giải thích: “Các tế bào ung thư da có thể chứa thành phần gây viêm, dẫn đến ngứa da và khiến người bệnh khó chịu”.
Tình trạng ngứa da có thể đi kèm với các triệu chứng như các mảng da bị viêm; xuất hiện đốm đỏ trên da; xuất hiện các vết loét hở kéo dài chảy máu, chảy dịch hoặc đóng vảy; xuất hiện nốt ruồi có màu sẫm hơn hoặc nốt ruồi bị thay đổi kết cấu hoặc kích thước; xuất hiện các cơn đau dữ dội từ chỗ bị ngứa.
Ngứa da có thể là dấu hiệu cảnh báo một số căn bệnh nguy hiểm. Do đó nếu nhận thấy tình trạng ngứa da kéo dài mà không rõ nguyên nhân, mọi người cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân.