Dấu ấn Trường Sơn
Đêm tháng ba, ngoài trời mưa tí tách, hơi se lạnh nhưng ông trằn trọc không sao ngủ được. Ngoài kia mưa mỗi lúc dày hạt hơn, nằm vắt tay lên trán, ông bỗng nhớ núi rừng Tây Nguyên, nhớ những người đồng đội của mình đã ngã xuống dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Đó là vào đầu năm 1974, năm ấy ông mới hai mươi tuổi được biên chế K 33, Tiểu đoàn Pháo binh Độc Lập trực thuộc B 3. Ở rừng núi Tây Nguyên ( đơn vị đóng quân trên địa phận tỉnh Gia Lai thuộc phía bắc Tây Nguyên) do lúc đó không có đường xe, không thể sử dụng pháo xe kéo, bộ đội ta phải sử dụng pháo vác vai, gọi là dân hỏa tiễn Đ K Z 6 6. Cũng do không có đường xe nên mọi loại nhu yếu phẩm, pháo đạn đều vác trên vai; có lúc phải vận chuyển cả tháng trên đường rừng Trường Sơn mới đủ đạn và các yếu tố hậu cần cho một trận đánh. Mỗi chuyến gùi hàng cho đơn vị phải luân phiên cử một người đi đầu và một người đi thứ hai: người đi đầu cách người thứ hai khoảng 10 mét, người thứ hai cách đội hình khoảng 5 mét (đề phòng sự cố trên đường đi, nếu gặp rắn hay địch cài mìn thì chỉ người đi đầu gặp nguy hiểm). Người đi đầu và người đi thứ hai luôn bảo vệ an toàn cho đội hình. Cánh lính trẻ thường tếu táo: “Hôm nay đến phiên khua sương, đuổi rắn, chắn mìn”. Vắt, muỗi rừng thì nhiều vô kể, anh em có sáng kiến lấy dù khâu thành bọc võng để tránh muỗi khi ngủ.
Ông nhớ nhất trong một lần vận chuyển cuối năm 1974, đồng chí Triệu Tiến Cây được cử đi đầu, ông đi ở vị trí thứ hai. Khi gùi hàng trở về qua hai trạm đầu an toàn nhưng sau khi nghỉ giải lao mười lăm phút đồng chí Cây có triệu chứng sốt rét. Cần có người xung phong đi đầu, không ngần ngại đồng chí Vũ Ngọc Chu (quê Hải Dương) nói ngay:
- Chú Cây mệt rồi, từ trạm này anh sẽ đi đầu thay cho Cây!
Xuất phát được khoảng ba mươi phút, không gian yên ắng đến kì lạ. Mọi người bước đi thận trọng, mặc dù lo lắng sẽ vấp phải loại mìn Claymore; loại này nổ nhanh, mỗi quả mìn nặng khoảng 1,5 đến 2 ki lôgam tùy loại, trong đó chứa khoảng 700 viên bi kim loại khi nổ tất cả bi bắn về nhiều hướng với một góc 60 độ nên còn gọi là mìn định hướng. Nhưng nhiệm vụ cấp bách không thể chậm trễ, cả đơn vị cứ tiến lên phía trước. Bỗng một tiếng nổ đinh tai, nhức óc. Tai ông ù đi, đất đá bắn tung tóe, một vạt đất đỏ loang lổ máu. Cả đoàn dừng lại.
-Anh Chu đã vấp phải mìn rồi!
Cậu lính trẻ phía sau ông kêu lên khẽ đủ cho mấy đồng chí đi gần nghe thấy:
- Anh Chu hy sính rồi các đồng chí ơi!
Cả đơn vị chưa kịp định thần thì khoảng ba phút sau pháo và máy bay địch dồn dập bắn vào đội hình quân ta. Đồng chí chỉ huy ra lệnh:
- Các đồng chí giãn cách đội hình, đưa chiến sĩ hy sinh về phía sau.
Mọi người nhanh chóng khai triển đội hình ra khỏi tọa độ nguy hiểm. Anh em đưa anh Chu về nơi an táng. Tất cả đều xúc động nghẹn ngào. Riêng ông, cảm giác đau xót cứ dâng lên ứ nghẹn cổ như muốn khóc. Ông chắp tay, vái lạy anh, thầm thì:
- Anh Chu ơi, em Tòng đây!
Nếu không có người đồng đội ấy thì ông đã hy sinh rồi. Cảm xúc rưng rưng trong lòng. Kính cẩn nghiêng mình trước người anh lần cuối mà không nói nên lời.
Cả đơn vị ai cũng biết anh Chu là chàng trai quê đồng bằng Bắc bộ, nơi có con sông Kinh Thầy, con sông Lục Đầu nổi tiếng với nét văn hóa truyền thống đã dũng cảm, hy sinh vì đồng chí, đồng đội; phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng như lời bài ca truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Hồi ấy, chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu từ 4/3/1975 (mật danh là chiến dịch 2 7 5) do Đại tướng Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo.
Ngày 16/3/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ thị cho Bộ Tư lệnh chiến dịch: “Địch đã rút chạy theo đướng số 7, tổ chức truy kích ngay”. Bộ Tư lệnh chiến dịch nhanh chóng điều động sư đoàn 3 2 0, trung đoàn 9 5, Tiểu đoàn xe tăng, Trung đoàn cao xạ, Trung đoàn pháo binh, và lực lượng bộ đội, dân quân du kích địa phương, dọc đường số 7 của Nam Gia Lai (trong đó có đơn vị Pháo binh của ông). Sự hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị của quân ta đã dẫn đến thắng lợi to lớn. Ngày 25-3-1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng.
Ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức được bắt đầu.
Với quân lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận Giải phóng miền Nam” đã truyền lửa Cách mạng cho quân và dân khắp chiến trường ào ào nổi dậy.
Riêng đơn vị của ông, sau Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã được lệnh chôn giấu pháo đạn chỉ còn mang súng bộ binh hòa vào đoàn quân đông đảo của nhiều lực lượng. Lúc đó, K 3 3 sát nhập vào Lữ đoàn 40 - Quân đoàn 3 được trang bị pháo xe kéo, cả xe và pháo đều là chiến lợi phẩm vừa thu được của địch vừa hành tiến vừa huấn luyện vừa chiến đấu.
Ngày 28/4/1975, Lữ đoàn đã áp sát Sài Gòn được lệnh pháo kích vào căn cứ tử thủ của địch ở Long Thành, dọn đường cho xe tăng và bộ binh vào nội đô. Ngày 29/4/1975, đơn vị của ông ém quân ở phía bắc sông Sài Gòn với nhiệm vụ phải sẵn sàng pháo kích vào nội đô. Nhờ sức mạnh áp đảo về tinh thần, khí thế tiến công của các Binh chủng hợp thành trận chiến cuối cùng khá thuận lợi; lúc này địch chỉ biết tháo chạy, vứt bỏ quân tư trang để thoát thân.
Đêm 29 rạng sáng ngày 30/4/1975 là cuộc vây ráp, truy kích ác liệt nhất …Mặc dù không được vào Dinh Độc lập nhưng tiếng hô: “Thắng lợi rồi anh em ơi!” cứ truyền nhau vang lên. Mọi người ôm chầm lấy nhau miệng hô vang mà nước mắt tuôn rơi, nước mắt mừng vui của người chiến thắng! Nhưng cũng không khỏi nghẹn ngào khi được chứng kiến đồng đội của mình đã hy sinh, có đồng chí hy sinh ngay cửa ngõ Sài Gòn trước ngày chiến thắng.
Mấy chục năm đã trôi qua, kí ức về Trường Sơn, dấu ấn về một thời “ Hoa đỏ”, kí ức về những người đồng đội đã hy sinh để làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975 luôn là động lực thôi thúc ông phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, luôn là tấm gương cho thế hệ sau noi theo.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dau-an-truong-son-a24259.html