Dấu ấn Phật giáo TP.HCM năm 2024: Nhìn lại để bước tiếp, đồng hành cùng Thành phố và đất nước

Năm 2024 khép lại với những tín hiệu đổi mới của TP.HCM và đất nước, trong đó nổi bật là việc tinh giản bộ máy hành chánh để quê hương vươn mình mạnh mẽ đón vận hội mới, mừng năm mới 2025.

Với Phật giáo, tôn giáo đồng hành cùng dân tộc hai ngàn năm qua, chắc chắn sẽ phải có sự vận động trong tổ chức hệ thống Giáo hội, đồng thời để xứng đáng với tinh thần không giáo điều, “trí tuệ là sự nghiệp” của mình, phù hợp với thời đại, lấy thực chất và hiệu quả làm thước đo cho việc cơ cấu hệ thống tổ chức. Trong tinh thần nhìn lại để bước tiếp, xin điểm một số sự kiện nổi bật của Phật giáo năm qua, để tự tin bước vào năm 2025 với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, TP.HCM và Phật giáo.

***

Trong những ngày cuối năm 2024, Phật giáo TP.HCM đã có một ngày hội hoan hỷ, khi hàng ngàn Phật tử các lứa tuổi trở về Việt Nam Quốc Tự tham dự Hội thi giáo lý cấp thành phố.

Niềm hoan hỷ cuối năm

Hội thi diễn ra trong không khí hoan hỷ không phải bởi các giải thưởng, điểm số, mà hơn cả là tinh thần học Phật của Phật tử, mọi lứa tuổi, thành phần, có cả sự tham dự của các Phật tử đồng bào dân tộc K’Ho, cộng đồng Phật tử người Hoa…, tất cả đều cùng hân hoan vì được học Phật, tùy hỷ với những phần thưởng của đồng tu đầy đạo tình.

Đại chúng đồng hoan hỷ bởi, như đạo từ của Hòa thượng Thích Lệ Trang, vị giáo phẩm đứng đầu Giáo hội Phật giáo TP.HCM trong lễ bế mạc chiều 22-12-2024: “Nếu người Phật tử không học và hiểu giáo lý thì sẽ không thương Phật; không có chánh tín. Từ đó, khó để kiên định bền chí trong việc giữ đạo và có sự thăng bằng giữa phong ba, bão táp của thông tin thế sự nhiễu nhương. Hội thi này không phải là lần đầu, mà chỉ là sự tiếp nối sau thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19, phong trào này nếu được duy trì thì Giáo hội sẽ có đông đảo Phật tử thuần thành và có lập trường vững vàng, cân bằng Bi-Trí-Dũng, để hộ trì Đạo pháp, Phật hóa gia đình một cách thiết thực”.

Hòa thượng mong mỏi, sau những hân hoan của cuộc thi, khi trở về với gia đình, các Phật tử sẽ lan tỏa tinh thần chánh tín, đem sự hiểu biết của mình để Phật pháp không chỉ ở trên mặt giấy thi, hay đọng lại trong điểm số, mà sinh động trong đời sống của mỗi người, thể hiện đạo vị qua từng suy nghĩ, lời nói và hành động có thương yêu, cảm thông, kiên nhẫn… như lời Phật dạy.

Các hoạt động tâm linh truyền thống

Hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025), để có độc lập, thống nhất, hòa bình và ổn định, nhiều thế hệ tiền nhân chúng ta đã hy sinh, trong đó hàng triệu người ngã xuống tô bồi cho vẻ đẹp của non sông khi tuổi còn thanh xuân.

Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, biết tri ân và báo ân, Giáo hội thành phố và các cấp lãnh đạo đã phối hợp, nhất tâm cùng tổ chức Lễ tưởng niệm, siêu tiến chư vị anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh qua các thời kỳ, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta không thể quên không khí thiêng liêng của các buổi lễ tưởng niệm, siêu tiến và trai đàn chẩn tế tại Di tích quốc gia Đền Bến Dược (H.Củ Chi) vào ngày 27-7-2024 và tại Khu Di tích quốc gia Ngã Ba Giồng (H.Hóc Môn) ngày 27-8-2024. Đức Pháp chủ GHPGVN, Chứng minh đạo sư của Phật giáo TP.HCM đã thân lâm chứng minh, cầu nguyện.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thống như Pháp hội Dược Sư đầu năm, Pháp hội Vu lan - Báo hiếu, Đêm hội Trăng rằm… vẫn được duy trì, kết nối mọi người và góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc, trong hoàn cảnh phù hợp với một đô thị năng động và sáng tạo như TP.HCM.

Chất liệu cần thiết

Ngoài những hoạt động đó, Giáo hội thành phố còn có các hoạt động phát triển chiều sâu. Trong đó, Khóa huân tu cấm túc dành cho chư Tăng thành viên Ban Trị sự TP.HCM, các ban chuyên môn và các Ban Trị sự quận, huyện trực thuộc mà Đức Pháp chủ GHPGVN chủ trương từ lúc ngài còn lãnh đạo Phật giáo TP.HCM, chính là năng lượng của sự tu tập, thực hành các pháp môn theo lời Phật dạy.

Những năm gần đây, Tuần huân tu được kết hợp với Khóa bồi dưỡng trụ trì, tổ chức liên tục 10 ngày, mở đầu là ngày tưởng niệm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn (1-11 ÂL) và kết thúc là Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, chư tôn Trưởng lão Hội đồng Chứng minh và chư vị tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam đã viên tịch (10-11 ÂL).

Bên cạnh việc duy trì sinh hoạt đặc thù như bố-tát, an cư kiết hạ, Khóa huân tu và Bồi dưỡng trụ trì năm 2024 là một sự kết hợp hài hòa và để lại dấu ấn thành tựu cho lĩnh vực Tăng sự tại TP.HCM. Đây là Phật sự quan trọng nhằm kiến tạo chất liệu cần phải có và kiến thức căn bản cho người xuất gia để không bị dao động khi dấn thân hành đạo, như lời huấn thị của Đức Pháp chủ GHPGVN: “Không có gì quan trọng và tốt đẹp hơn tinh thần tu học để giữ vững Chánh kiến, qua đó nhận thức đúng về mọi việc theo lời Phật dạy. Có Chánh kiến thì sẽ không lo lắng trước các hiện tượng trong đời sống xã hội”.

Dấu ấn từ thiện, an sinh xã hội

Hơn 698 tỷ đồng là con số được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổng kết trong báo cáo, thống kê trên được cho là chưa đầy đủ, vì nhiều đơn vị, cá nhân đã và đang làm việc từ thiện, an sinh xã hội trong âm thầm.

Đây là con số lớn nhất trong các tỉnh thành, góp phần làm nên sự đóng góp của GHPGVN trong lĩnh vực từ thiện, an sinh xã hội theo tinh thần từ bi của người con Phật.

Ở TP.HCM, có thể nói công tác từ thiện xã hội được thực hiện một cách nhiệt thành, đa dạng; từ sự phát tâm của các cá nhân cho đến sự phát động của tập thể, không chỉ bằng hiện vật, tiền bạc, tài sản mà còn cả công sức, tinh thần… trong sự sẵn lòng chia sẻ với đồng bào, người yếu thế ở những nơi bị thiên tai, hoạn nạn.

Trong năm qua, với lời kêu gọi của Đức Pháp chủ, Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Tăng Ni và Phật tử TP.HCM đã cùng hướng về đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do siêu bão Yagi và các trận sạt lở đất nghiêm trọng, lũ lụt để lại nhiều đau thương, mất mát. Con số trên chưa phải là tất cả, nhưng cũng phần nào nói lên niềm tin của mọi giới đối với Giáo hội, thể hiện qua việc gởi gắm, chung tay với ước mong mọi điều tai ương đều qua đi, sự an lành sớm đến với tất cả, đặc biệt là đồng bào gặp hoạn nạn, khó khăn trong đời sống.

Không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng trong các hội nghị của Giáo hội

Thông điệp này được vị giáo phẩm đứng đầu Giáo hội TP.HCM đưa ra trong một hội nghị mở rộng của Ban Trị sự tháng 11-2024, lập tức đã được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Một quyết định tưởng chừng như đơn giản, được nhắc lại nhiều lần, nhưng đến cuối năm 2024 mới được khẳng định mạnh mẽ: “Xin không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng trong các hội nghị của Phật giáo TP.HCM” từ Hòa thượng Trưởng ban Trị sự, đồng thời yêu cầu thêm thông tin này vào thư mời, đã được Tăng Ni, Phật tử đồng thuận.

Đây là một trong những nỗ lực để các sự kiện của Giáo hội trở về với tinh thần và truyền thống của một tổ chức tôn giáo, giảm bớt các thủ tục, hình thức thế tục và phô trương, phù hợp với lối sống hiện đại.

Nhiều hoạt động sáng tạo, mang tính thời đại

Bên cạnh các hoạt động truyền thống, được duy trì liên tục nhiều năm qua như sách tấn hạ trường, tổ chức hội thi thuyết giảng cho Tăng Ni trẻ, thực hiện việc hướng dẫn Phật pháp cho Phật tử tại gia ở các đạo tràng, mở các khóa tu dành cho tuổi trẻ, hội trại Phật tử trong dịp hè…, các Ban chuyên môn và Ban Trị sự Phật giáo trực thuộc Giáo hội TP.HCM đã nỗ lực không ngừng để làm nên các dấu ấn của Phật sự tại TP.HCM.

Các khóa đào tạo người dẫn chương trình do Ban Văn hóa tổ chức, lễ rước kiệu hoa mừng Phật đản do Ban Nghi lễ chủ xướng, khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông do Ban Thông tin-Truyền thông thực hiện… đã mang đến một sinh khí mới cho Phật giáo TP.HCM với tinh thần năng động, thích ứng thời đại, thiết thực và lợi lạc chung.

Cơ quan báo in duy nhất của GHPGVN hướng đến 50 năm thành lập

Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến Báo Giác Ngộ, một cơ quan báo in duy nhất thuộc GHPGVN hiện nay, và là một trong số ít các cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo được duy trì hoạt động, không phải đình bản hay sắp xếp lại cho đến năm 2025 trong đề án của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng trên toàn quốc.

Báo Giác Ngộ được cấp giấy phép hoạt động báo chí vào ngày 1-12-1975, ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1976, là tiếng nói của Phật giáo yêu nước, là cơ quan ngôn luận vận động thống nhất Phật giáo, đi đến sự ra đời của GHPGVN (1981). Năm 1990, báo được chuyển giao cho Giáo hội và chỉ định GHPGVN TP.HCM chủ quản.

Là một trong những cơ quan báo chí được cấp giấy phép hoạt động ngay sau ngày đất nước thống nhất. Vào năm 2025, năm của các sự kiện quan trọng, Báo Giác Ngộ cũng hướng đến kỷ niệm tròn nửa thế kỷ thành lập, với vị thế một cơ quan báo chí Phật giáo hoạt động liên tục, lâu dài, ổn định và phát triển trong lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam cho đến nay.

Thích Tâm Hải/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/dau-an-phat-giao-tphcm-nam-2024-nhin-lai-de-buoc-tiep-dong-hanh-cung-thanh-pho-va-dat-nuoc-post74257.html