Đất và người Nam bộ trong ca khúc 'Miền Tây yêu thương'

Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tấn vừa ra mắt MV 'Miền Tây yêu thương'. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với anh về những câu chuyện xung quanh ca khúc này.

- Cơ duyên nào khiến anh sáng tác ca khúc 'Miền Tây yêu thương'?

Thật ra mỗi ca khúc đều gắn với một kỷ niệm nhất định. Tôi đã sáng tác nhiều bài hát về những vùng đất khác nhau như Tình đá viết về di sản công viên đá Đồng Văn được phát trên VOV hay Trập trùng biên cương là bài hát miêu tả một vùng biên giới phía Bắc tươi đẹp đã được Đài Truyền hình Quốc phòng phát sóng…

Tác giả Nguyễn Đăng Tấn.

Tôi có điều kiện đi đến nhiều vùng đất tươi đẹp của Tổ quốc. Những cảm nhận về con người, thiên nhiên tươi đẹp đó được tôi ghi lại bằng những vần thơ và khi đủ độ chín về cảm xúc tôi viết thành ca khúc. Miền Tây yêu thương đã ghi lại kỷ niệm đẹp về những chuyến đi đến các tỉnh miền Tây Nam bộ của tôi.

-Anh có thể kể một vài kỷ niệm sâu sắc về những con người cụ thể?

Có hai chuyến công tác mà tôi nhớ nhất là đến huyện Mộc Hóa (Long An) và Cần Thơ. Đến đây mới thấm tình người sâu nặng, chúng tôi được đón tiếp như người nhà. Đi từ Tân An đến Mộc Hóa là một vùng non nước mênh mông xanh ngát rừng tràm, ngào ngạt những đầm sen.

Các anh chị ở huyện đưa chúng tôi đến thăm nơi Tiểu đoàn 307 anh hùng ngày xưa đóng quân, thăm cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và chiêu đãi các món đặc sản miền Tây sông nước. Đơn giản là những món cá nướng, cá om, lẩu rắn nhưng trên hết là sự thân tình, mến khách.

Nhớ nhất là đêm vọng cổ trên dòng sông ngập tràn ánh trăng do các đồng nghiệp bên Đài Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ chiêu đãi chúng tôi. Khung cảnh lung linh ấy và những câu hát ngọt ngào như hòa quyện, quấn quýt với nhau. Tôi đã viết bài thơ: Nghe câu vọng cổ trên dòng sông Hậu đăng trên Báo Văn nghệ trẻ và đó cũng chính là cảm hứng cho ca khúc Miền Tây yêu thương.

- Những kỷ niệm đó cũng thuộc về miền ký ức khá lâu rồi, sao bây giờ mới được anh "khai phá"?

Đúng là những kỷ niệm ấy đã lùi xa nhưng bài hát này lại ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Thời gian qua rộ lên cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội về bộ phim Đất rừng phương Nam. Nhiều ý kiến phản hồi về các tổ chức hội trong phim, sự đúng sai của bối cảnh lịch sử, về trang phục và tính cách con người… Chính điều đó đã đánh thức những kỷ niệm trong tôi về đất và người miền Tây.

- Quan trọng nhất vẫn là giai điệu và nội dung bài hát, anh có thể chia sẽ rõ hơn về điều này?

Mở đầu tôi dùng điệu hò mênh mang sông nước của vùng “chín nhánh Cửu Long”. Chỉ cần giai điệu cất lên là trước mắt hiện ra những cánh đồng bát ngát lúa vàng, những ngọn khói đốt rơm vờn bay, những con đò ngược xuôi tấp nập.

Miền Tây cũng gắn liền với hình ảnh cha ông mang gươm đi mở đất nên “Họ gánh tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân" (Nguyễn Khoa Điềm). Bởi thế, câu vọng cổ cũng thể hiện nỗi nhớ quê da diết của những người con đi mở mang bờ cõi: “Ngược xuôi trên sông thuyền mơ trăng; Bồi hồi nhớ ai lòng vấn vương”…

Thật ra viết xong bài hát tôi không làm MV ngay bởi chưa tìm được giọng ca phù hợp. Hát về miền Tây phải là giọng miền Nam mới hợp cảnh hợp người, trong khi tôi chỉ quen biết các ca sĩ Hà Nội. Thật may sau khi xem bản nhạc, nhạc sĩ Thế Tuyên, Chủ tịch Hội Âm nhạc Bình Định thấy đồng cảm và tổ chức thực hiện MV với các ca sĩ phía Nam. Đó cũng là cơ duyên để ca khúc Miền Tây yêu thương được ra đời.

Tấn Đăng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dat-va-nguoi-nam-bo-trong-ca-khuc-mien-tay-yeu-thuong-2274441.html