'Đất nước chính là quê hương'

Sau khi Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành, quy định cụ thể về việc sáp nhập, hợp nhất còn 34 tỉnh, thành phố và dự kiến tên gọi của các tỉnh mới sau khi hợp nhất. Lợi dụng tâm lý vùng, miền, ngay lập tức, các thế lực phản động cố tình kích động chia rẽ Bắc - Nam, xuyên tạc rằng việc sáp nhập là 'xóa đi lịch sử văn hóa miền Nam', 'xóa trắng ký ức miền Nam' nhằm phá hoại sự đồng thuận trong xã hội.

Tờ Việt Nam thời báo (thoibaode) trong bài viết “Sáp nhập hay xóa sạch? Âm mưu che giấu ký ức miền Nam!” đã không ngại ngần “ngậm máu phun người” khi hồ đồ nhận định: “Dưới danh nghĩa “sáp nhập hành chính”, một chiến dịch âm thầm nhưng tàn nhẫn đang diễn ra: Xóa tên, xóa luôn ký ức về những địa danh trăm năm tuổi của miền Nam. Đây không còn là cải cách, mà là một cuộc triệt tiêu lịch sử có chủ đích. Những tên gọi mang đậm dấu ấn văn hóa, kháng chiến, đời sống người miền Nam đang bị thay thế bởi những cái tên vô hồn, áp đặt từ bàn giấy”.

Hòa theo bản tấu hài độc địa này, các trang web của đảng Việt Tân cũng hòa ca một cách xảo trá rằng: “Sự thật đang bị bóp méo. Lịch sử đang bị đục bỏ từng mảng. Và người ta đang tính toán rằng 20 năm nữa, những đứa trẻ sinh hôm nay sẽ lớn lên mà chẳng hề biết đến Bình Hòa, Thủ Thiêm, Nhà Bè, Tân Bình từng là gì - vì tất cả đã bị làm cho biến mất”.

Độc địa hơn là chúng gieo rắc tâm lý hoang mang khi cho rằng: “Trong khi miền Bắc giữ gìn địa danh như báu vật, thì miền Nam bị “tái cấu trúc” không thương tiếc. Sao lại có sự bất công trơ trẽn đến thế? Ai đang quyết định điều này? Ai được lợi? Và vì sao người dân lại bị buộc phải chấp nhận như thể đó là điều tất yếu?”…

Trong khi các thế lực thù địch không ngừng rêu rao xuyên tạc thì trên thực tế, việc dự kiến đặt tên tỉnh mới đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm lấy ý kiến và bước đầu thu hút rất nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân, đội ngũ chuyên gia quản lý, các nhà khoa học. Và trên thực tế, những phương án, quyết sách liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có đặt tên tỉnh mới sau sáp nhập, hợp nhất đang được thực hiện hết sức cẩn trọng, vừa bảo đảm đúng kế hoạch, tiến độ thời gian, vừa lắng nghe từ thực tiễn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Cần khẳng định một cách dứt khoát rằng, việc điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập, hợp nhất tỉnh, thành phố; đặt tên tỉnh mới đã được xem xét trên nhiều yếu tố như quy hoạch, điều kiện phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh, đặc điểm văn hóa, lịch sử, dân tộc của địa phương,... và được thực hiện theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật và được công khai, minh bạch đến mọi tầng lớp nhân dân.

Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc sáp nhập và đặt tên tỉnh, thành phố sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và lấy ý kiến từ các đại biểu nhằm mở ra những không gian mới, những nguồn lực mới, tạo dựng thế và lực mới cho địa phương, vùng, miền vững vàng bước vào kỷ nguyên mới vươn mình phát triển. Vì vậy, lợi dụng việc đặt tên tỉnh mới sau sáp nhập, hợp nhất để xuyên tạc là thủ đoạn thâm độc nhằm phân biệt vùng, miền, chia rẽ Bắc - Nam mà đích đến không ngoài phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự gắn kết “ý Đảng - lòng dân” nhằm phục vụ những mưu đồ sâu xa hòng mong có cơ hội gây bạo loạn.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu “đừng sợ mất quê, vì đất nước chính là quê hương”. Đây là cách nhìn rộng lớn, sâu sắc hơn về lòng yêu nước, không vì cái tôi hẹp hòi mà cản trở sự phát triển. Trong bối cảnh đất nước đổi mới, việc nhìn nhận “quê hương” không chỉ giới hạn trong ranh giới hành chính nhỏ như lâu nay mà còn mở rộng thành tình cảm gắn bó với dân tộc, với sự phát triển chung của đất nước, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, hợp nhất là quá trình khách quan, dựa trên nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, vị trí địa lý và sự đồng thuận của người dân. Nếu có đề xuất nào liên quan đến tên tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất thì đó là kết quả của nhiều vòng thảo luận từ Trung ương đến cơ sở và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, kể cả tiếp thu nhiều ý kiến hay trên không gian mạng.

Chính vì vậy, mọi người dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác, có bản lĩnh khi tiếp nhận các thông tin liên quan để phân biệt rõ đúng - sai, phải - trái, tuyệt đối tránh tình trạng chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin xuyên tạc, kích động, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội./.

Cựu chiến binh Long An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dat-nuoc-chinh-la-que-huong-a195649.html