Đạt hiệu quả tích cực từ một chương trình phối hợp

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là NHNN tỉnh) đã mang lại hiệu quả tích cực.

Các hoạt động phối hợp không những góp phần đưa thông tin về chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng đến gần với người dân, mà còn giúp Đoàn ĐBQH tỉnh nắm bắt những khó khăn từ cơ chế, chính sách tiền tệ; chính sách hỗ trợ cho người dân, kịp thời kiến nghị cấp trên tháo gỡ.

PHỐI HỢP TỔ CHỨC NHIỀU HOẠT ĐỘNG

Năm 2016, NHNN chi nhánh Tiền Giang và Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh Tiền Giang ký kết Quy chế phối hợp số 194, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan NHNN tỉnh kịp thời cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách và đề xuất những ý kiến, kiến nghị liên quan đến hoạt động của ngành Ngân hàng, chủ động tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri với ĐBQH tỉnh, để trực tiếp tiếp nhận và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động ngân hàng; thực hiện các yệu cầu có liên quan đến hoạt động giám sát, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, tài chính, tín dụng và hoạt động của ngành Ngân hàng tại các kỳ họp Quốc hội.

Qua 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, 2 đơn vị đã triển khai các hình thức như: Trao đổi thông tin báo cáo, tổ chức hội nghị, gặp gỡ làm việc trực tiếp đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật về trách nhiệm của 2 cơ quan để kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin và tham mưu phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh liên quan đến hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, định kỳ 6 tháng, năm (trước mỗi kỳ họp Quốc hội), NHNN tỉnh thực hiện chế độ báo cáo với Đoàn ĐBQH tỉnh về tình hình hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn; cung cấp thông tin của NHNN tỉnh và các chủ trương, chính sách về tiền tệ, phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh...

Lãnh đạo hai đơn vị đã ký kết Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2026.

Bên cạnh đó, NHNN tỉnh cùng các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham gia 20 đợt tiếp xúc cử tri cùng Đoàn ĐBQH tỉnh trước và sau các kỳ họp Quốc hội khóa XIV tại các điểm tiếp xúc cử tri.

Những kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của ngành Ngân hàng đã được lãnh đạo các ngân hàng trả lời thỏa đáng đến cử tri ngay tại buổi tiếp xúc và 11 kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan trung ương trả lời bằng văn bản.

Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 6 cuộc tiếp xúc cử tri với ngành Ngân hàng Tiền Giang để tiếp thu ý kiến, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của ngành nói chung và hoạt động của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng (TCTD) nói riêng trong quá trình hoạt động, từ đó có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

GÓP Ý XỬ LÝ TỐT NỢ XẤU

Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh cũng đã kịp thời thông tin cho NHNN tỉnh chương trình, nội dung làm việc, các báo cáo, tài liệu, các dự án luật liên quan đến tín dụng, tiền tệ tại các kỳ họp Quốc hội để NHNN tỉnh tham dự và tham gia đóng góp ý kiến, cụ thể như: Tham gia đóng góp ý kiến để Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Theo đó, Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD, được đánh giá là bước tiến quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật về xử lý nợ xấu ở nước ta.

Nghị quyết số 42 đã khắc phục được nhiều điểm tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý nợ xấu, tạo khung khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu. Nhờ có Nghị quyết này mà ý thức của người dân và doanh nghiệp về nghĩa vụ trả nợ vốn vay cho các TCTD đã được cải thiện và nâng cao; đồng thời, các TCTD có thêm công cụ pháp lý có hiệu lực cao để chủ động, tích cực hơn trong việc thực hiện xử lý thu hồi nợ xấu.

Thêm nữa, các cơ quan chức năng có liên quan cũng đã thiện chí hơn trong việc phối hợp, hỗ trợ các TCTD xử lý thu hồi nợ xấu. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 42 thời gian qua đã chứng minh được tính đúng đắn, tầm quan trọng, ý nghĩa của Nghị quyết số 42 trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Đồng chí Tạ Minh Tâm phát biểu chỉ đạo công tác phối hợp giữa 2 đơn vị trong thời gian tới.

Theo đánh giá của lãnh đạo NHNN tỉnh, mặc dù công tác phối hợp giữa 2 cơ quan đã đạt được những kết quả tích cực. Nhưng cũng cần xem xét, nghiên cứu thêm những vấn đề còn phải khắc phục trong thời gian tới như: Qua các đợt tiếp xúc cử tri của ĐBQH, cử tri trên địa bàn tỉnh đã phản ánh nhiều vấn đề về các thủ tục liên quan hoạt động cho vay và các dịch vụ của ngân hàng, trong đó nhiều ý kiến phản ánh cho thấy do người dân chưa nắm thông tin, hoặc hiểu chưa đúng các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Một số kiến nghị, phản ánh tuy đã được thông tin, giải đáp nhiều lần nhưng vẫn lặp lại thường xuyên như vấn đề thế chấp tài sản đúng tên hộ gia đình, phòng chống tín dụng đen...

Tại Hội nghị ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh với NHNN tỉnh, giai đoạn 2022 - 2026 mới đây, các đại biểu là lãnh đạo một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đánh giá hiệu quả của Quy chế phối hợp công tác trong 5 năm qua, thảo luận, làm rõ những hạn chế còn tồn tại. Đồng thời, rút ra những bài học trong quá trình phối hợp để từ đó có những phương hướng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Giám đốc NHNN tỉnh Nguyễn Thị Đậm tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh và đề ra các nhiệm vụ giải pháp ngành sẽ triển khai trong thời gian tới.

Giám đốc NHNN tỉnh Nguyễn Thị Đậm cho biết: Trong giai đoạn 2022 - 2026, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục thường xuyên phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh nắm bắt kịp thời chương trình làm việc của Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh, tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp để báo cáo, giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền, nhất là chú trọng thông tin đến cử tri hiểu đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, các chính sách hỗ trợ người dân; chủ động cung cấp thông tin tình hình hoạt động ngân hàng, các TCTD trên địa bàn, báo cáo NHNN Việt Nam xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền trung ương, để hệ thống các TCTD hoạt động ổn định, hiệu quả, an ninh an toàn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị ký kết.

Phát biểu tại Hội nghị ký kết phối hợp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm đã đánh giá cao kết quả công tác phối hợp giữa hai đơn vị trong thời gian qua; đồng thời, nhấn mạnh sau khi đã ký kết Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2026, hai đơn vị tiếp tục tham gia phối hợp cung cấp và trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời, đầy đủ, chính xác và hiệu quả liên quan đến các hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn; chủ động thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong công tác phối hợp, giải trình và tổng hợp báo cáo; tăng cường mối quan hệ công tác giữa các ngân hàng và cơ quan tham mưu, giúp việc cho các cơ quan dân cử trên địa bàn; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới...

THU HOÀI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202203/van-phong-doan-dbqh-hdnd-tinh-va-ngan-hang-nha-nuoc-chi-nhanh-tinh-tien-giang-dat-hieu-qua-tich-cuc-tu-mot-chuong-trinh-phoi-hop-945549/