Đào tạo nhân lực ngành vật liệu - chìa khóa phát triển công nghiệp công nghệ cao
Ngành công nghiệp vật liệu đang trở thành một trong những lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế hiện đại, đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng các ngành như xây dựng, điện tử, năng lượng, hàng không, y sinh... Tuy nhiên, khi nhu cầu phát triển tăng cao thì bài toán nguồn nhân lực cho ngành này lại nổi lên như một 'nút thắt', mà đặc biệt là khâu đào tạo chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn.
Khoảng trống giữa đào tạo và nhu cầu thực tế
Các chuyên gia ngành Vật liệu nhận định, mỗi năm cả nước chỉ có khoảng 3.000 - 4.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan đến vật liệu. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực này và đặc biệt ở các ngành vật liệu mới như vật liệu nano, vật liệu composite, vật liệu tái chế đang ngày càng tăng, ước tính gấp 2-3 lần so với nguồn cung.

Nhu cầu nguồn nhân lực ngành vật liệu là rất lớn
Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực ngành vật liệu cũng là vấn đề đáng lo ngại. Ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Công ty CP Vật liệu mới Vinatech cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi cần kỹ sư vật liệu có khả năng làm việc với thiết bị hiện đại, hiểu biết về công nghệ xanh và vật liệu thế hệ mới. Nhưng thực tế, phần lớn sinh viên tốt nghiệp phải đào tạo lại từ đầu, mất ít nhất 6 tháng mới đáp ứng được công việc.
Theo TS. Nguyễn Thị Huyền, giảng viên ngành Khoa học Vật liệu - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chương trình đào tạo hiện nay vẫn còn nặng về lý thuyết, thiếu cập nhật với xu hướng công nghệ vật liệu toàn cầu. Các môn học liên quan đến vật liệu tiên tiến, vật liệu thông minh vẫn còn ít, trong khi kỹ năng thực hành trong phòng thí nghiệm và khả năng làm việc nhóm chưa được chú trọng đúng mức.
Đồng thời, một trong những nguyên nhân chính khiến nhân lực ngành vật liệu không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp là do thiếu sự liên kết giữa các bên: nhà trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Nhiều cơ sở đào tạo vẫn hoạt động theo mô hình truyền thống, chưa xây dựng chương trình học sát với thực tiễn sản xuất, trong khi các doanh nghiệp cũng chưa chủ động phối hợp trong đào tạo nhân lực.
Bà Trần Kim Phượng, Giám đốc nhân sự Công ty CP Kỹ thuật vật liệu GSV chia sẻ, doanh nghiệp rất muốn đồng hành cùng các trường đại học trong việc xây dựng chương trình đào tạo và tiếp nhận sinh viên thực tập, nhưng cơ chế kết nối còn lỏng lẻo. Nếu có các chương trình hợp tác ba bên là nhà trường, doanh nghiệp, viện nghiên cứu thì sẽ giúp sinh viên tiếp cận thực tế sớm hơn và tăng khả năng thích nghi với môi trường làm việc sau này.
Ở góc độ đào tạo, TS. Huyền đề xuất, cần nhanh chóng thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp để vừa cập nhật nội dung đào tạo, vừa tạo cơ hội cho sinh viên được thực hành tại nhà máy, phòng thí nghiệm ứng dụng. Các đề tài tốt nghiệp cũng nên xuất phát từ bài toán thực tế của doanh nghiệp.
Ngành học tiềm năng nhưng chưa “hấp dẫn” người học
Dù được đánh giá là ngành kỹ thuật có tính ứng dụng cao, nhiều cơ hội nghề nghiệp, nhưng số lượng sinh viên theo học ngành vật liệu lại không cao. Một phần vì thiếu thông tin định hướng nghề nghiệp từ sớm, phần khác do chính sách học bổng, hỗ trợ nghiên cứu và cơ hội việc làm chưa đủ hấp dẫn.

Cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành vật liệu ở cấp quốc gia
Ông Nguyễn Văn Lâm, Giáo viên vật lý tại TP. Hồ Chí Minh nhận xét, ngành vật liệu khá mới mẻ đối với học sinh phổ thông, ít được truyền thông như các ngành công nghệ thông tin hay tự động hóa. Nhiều em học sinh giỏi chưa hiểu rõ cơ hội phát triển nên ít lựa chọn ngành này.
Theo TS. Trần Thanh Tùng, Chuyên gia vật liệu tại Viện Khoa học vật liệu Việt Nam, để phát triển ngành vật liệu một cách bền vững, cần có chính sách học bổng ưu tiên cho sinh viên theo học lĩnh vực này, đồng thời xây dựng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế để cập nhật công nghệ mới và nâng cao năng lực nghiên cứu.
Trước thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vật liệu, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ cấp vĩ mô đến cấp cơ sở đó là: Cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành vật liệu ở cấp quốc gia, gắn với mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ cao; Các trường đại học cần đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, tăng thời lượng thực hành, kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp; Cần phát triển hệ sinh thái hỗ trợ sinh viên ngành vật liệu như: học bổng chuyên ngành, quỹ hỗ trợ nghiên cứu, không gian sáng tạo, các chương trình trao đổi quốc tế… Đồng thời, cần nâng cao nhận thức cộng đồng và truyền thông về vai trò, cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực vật liệu là nền tảng cho các ngành công nghiệp của tương lai.