Đạo Phật an vui giữa đời thường

Thích Huyền Quang và Thích Nhất Hạnh là đồng tác giả cuốn sách với tựa đề: 'Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày'.

Ngay từ lời nói đầu, các bậc chân tu đã mong muốn giúp cho tất cả mọi người đang sinh sống và ngưỡng vọng về ngôi nhà Phật pháp vơi bớt mệt nhọc, từ đó hiểu thêm về nền Phật học nhập thế hiện đại. Luôn khẳng định có thể sách này không phải là sách của muôn thời, ấy là bởi giá trị tinh túy của vô ngã, vô thường. Vậy mới hay, càng thông tỏ, các bậc chân tu ấy càng khiêm nhường, giản dị.

Quả không sai khi khẳng định đạo Phật Việt Nam trong quá khứ đã góp phần xây dựng con người và xã hội Việt Nam. Đạo Phật được đưa vào nước ta khoảng cuối thế kỷ thứ II do những vị tăng sĩ và những thương gia Ấn Độ và Trung Á tới Việt Nam bằng đường biển Ấn Độ Dương.

Trải qua các thế kỷ từ thứ VI đến XIII, các phái Thiền tông đã đóng góp rất nhiều trong công trình xây dựng nền độc lập chính trị và văn hóa của nước ta. Đặc biệt, đạo Phật đã xây dựng cho thời Lý những triều đình có kỷ cương, có văn hóa và pháp chế trên tinh thần từ bi và khoan dung. Đạo Phật đã ảnh hưởng tới đời sống tình cảm tâm linh và trí thức của con người Việt Nam, khiến cho con người Việt tuy ham chuộng hòa bình nhưng vẫn tự lực, tự cường, không để cho ai áp chế, tuy gìn giữ và quý chuộng gia tài văn hóa dân tộc nhưng vẫn cởi mở đón chào và thâu nhận những tinh hoa của các nền văn hóa thế giới.

Với tinh thần áp dụng đạo Phật trong đời sống mới, nhóm tác giả cho rằng: Đạo Phật không phải là của riêng của một số người ẩn dật nơi tự viện. Đạo Phật là của mọi lớp người. Đạo Phật chỉ có sinh lực khi nào giáo lý đạo Phật được áp dụng trong đời sống hàng ngày, trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chính trị, kinh tế tổ chức trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống gia đình, quốc gia và xã hội.

Kỳ thật, người Phật tử tin rằng trong đạo Phật có hàm chứa những nguyên lý căn bản có thể trả lời được mọi vấn đề của sự sống.

Bản thân ta và sự sống của ta chính là môi trường thực nghiệm, từ đó được tìm ra những câu giải đáp, gọi là đạo Phật ứng dụng. Đạo Phật là một đạo sống động, do đó cần sự đổi thay và sáng tạo liên tục. Phật tử đừng để cho thành kiến và thói quen bó buộc.

Đạo Phật được khai sáng bởi con người để phục vụ cho con người. Tinh thần nhân bản của đạo Phật được biểu lộ không những ở giáo lý đạo Phật mà còn ở thái độ và hành động của người Phật tử. Từ Phật (Buddha) chỉ có nghĩa là con người giác ngộ. Phật là một con người đã giác ngộ chân lý (tự giác) và đem chân lý ấy giác ngộ cho những người khác (giác tha) để mong đạt tới sự nghiệp giác ngộ tròn đầy (giác hạnh viên mãn).

Phật tử theo lời Phật dạy phải tự mình thắp đuốc lên mà đi. Con người phải tự cứu lấy mình.

Duyên khởi - một trong các đạo lý căn bản của giáo lý nhà Phật. Duyên là những điều kiện. Bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ đều do sự tập hợp của các duyên mà thành. Sự vật nương tựa nhau mà sinh thành, tồn tại. Không có sự vật nào tự mình sinh ra mình và tự tồn tại độc lập với những sự vật khác. Đó là yếu lý duyên khởi của đạo Phật.

Một trong những sự thật trong đạo Phật mà nhóm tác giả đã nêu đó là, mỗi người cần phải biết mình muốn gì. Hạnh phúc chân thật chính là sự vắng mặt của những khổ đau, là sự giải phóng của con người ra khỏi tham dục, hận thù và tối tăm, là sự đạt tới các đức vô úy, trầm tĩnh, đại hùng, khiến cho ta không còn là nạn nhân của sự sợ hãi, của những thành bại đắc thất tầm thường. Trên căn bản của sự giải phóng đó, chắc chắn hạnh phúc phải là chân thật và bền vững.

Tinh thần không buông tay tự thắp đuốc lên mà đi cũng là một hạt nhân triết lý mà nhóm tác giả đã đúc rút ra. Tinh thần ấy thể hiện rõ tinh thần đạo Pháp đồng hành cùng dân tộc. Đó là khi thấy xung quanh ta những việc làm chưa đúng của tập thể, cá nhân, thì đừng bao giờ nói: Nếu là tôi, tôi sẽ... Mà hãy chuyển thành: Họ đã vậy còn mình là tư cách công dân, mình cần làm gì. Ấy mới là thực sự đi trên con đường bát chánh đạo. Cuối cùng, đạo Phật không muốn trở thành độc tôn. Đạo Phật tôn trọng sự có mặt của các tôn giáo và duy trì tình thân hữu với mọi tôn giáo.

Mục đích của sự thực hành đạo Phật là để đạt tới nhận thức sáng tỏ về thực tại, tình thương rộng lớn với mọi người và mọi loài và ý chí bền vững để thành tựu đại nguyện giúp đời. Ấy cũng là sự hòa hợp giữa trí, bi và dũng. Đạo Phật cũng không phải tôn giáo chuyên thờ cúng, cầu xin các vị thần. Đạo Phật đòi hỏi người Phật tử thực hiện trí tuệ, tình thương và ý chí nơi bản thân và ngoài xã hội. Bồ tát có nghĩa là những người đang thực hiện sự nghiệp giác ngộ và độ sinh. Tụng đọc những kinh điển nói về các vị Bồ tát là để thẩm, hiểu về đạo Phật qua đời sống, trí tuệ và hạnh nguyện của các vị ấy, chứ không phải để cầu xin và kể lể. Phật tử cần thấy nơi hình ảnh của các vị Bồ tát ấy là những tấm gương sáng để noi theo trong lúc học tập và thực hành đạo Phật.

Thực hành đạo Phật không khó. Thân tâm ý cùng thực hành hòa đồng với tinh thần tu tập tinh tiến, ấy cũng là lúc tự thấy Buddha - giác ngộ ở trong ta!

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dao-phat-an-vui-nbsp-giua-doi-thuong-31171.htm