Đạo diễn Nguyễn Việt Tú: 'Sau những gì tìm kiếm, hạnh phúc là được sáng tạo'

Không phải ai trong giới showbiz cũng có cách chia tay năm cũ để đón năm mới ngoạn mục như đạo diễn Nguyễn Việt Tú - Giám đốc Công ty Dream Studio (DS).

Trong vai trò tổng đạo diễn, anh đã cùng cộng sự và đối tác thực hiện cùng trong tháng cuối năm 2019 ba sự kiện nghệ thuật thuộc hàng đình đám nhất nước: Q Showw2, Thực cảnh đa phương tiện Vinpearl Land Nha Trang và Triển lãm thời trang Nguyễn Công Trí cùng với nghệ thuật đương đại mang tên Cục Im lặng. Nhiều giới hạn đã được phá vỡ trong các show này. Ngoài sự kiên trì mục tiêu, khả năng điều chỉnh, tôn trọng sự khác biệt và năng lực sáng tạo thì kết quả đó còn đến từ rất nhiều chuyến đi mở mang hiểu biết nghề nghiệp.

Giữa những bận rộn vô chừng, người đạo diễn đang bước vào tuổi 43 này đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện bất chợt...

Đạo diễn Nguyễn Việt Tú. Ảnh: NVCC

Đạo diễn Nguyễn Việt Tú. Ảnh: NVCC

Chỉ còn vài ngày nữa thời gian sẽ cuốn đi hết những thời khắc cuối cùng của một năm. Là người luôn bận rộn với công việc sáng tạo và quản lý sáng tạo, anh có thể nói gì thật ngắn gọn về năm 2019 của anh và các cộng sự?

2019 là một năm nhiều thách thức, chúng tôi phải thay đổi nhiều nguyên tắc, cập nhật nhiều triết lý cả quản trị lẫn sáng tạo. Đó là những điều cần thiết và thực sự không dễ dàng. Tôi may mắn vì có những con người tuyệt vời bên cạnh và tôi hi vọng họ hiểu những quyết định của mình, cho dù đôi khi với chính tôi điều đó cũng không hề dễ dàng.

Những gì đã và chưa hài lòng có ý nghĩa thế nào với anh trong năm tới?

Sẽ không bao giờ có sự hoàn hảo, cả trong cuộc sống lẫn sáng tạo, tôi chấp nhận tất cả khía cạnh tích cực và tiêu cực mình gặp phải trong cuộc sống. Tôi cũng không phải là người hay ôm ấp những thành công hay day dứt với những điều chưa hài lòng quá lâu.

Ở vị trí lãnh đạo một công ty, tôi không được phép làm cả hai điều đó. Điều hài lòng lớn nhất đến thời điểm này với tôi là mọi thứ tốt đẹp trong sáng tạo vẫn luôn ở phía trước.

Kết thúc chương trình Q Show 2 ở Nhà hát Hòa Bình TP.HCM tối 21.12.2019, ca sĩ Lệ Quyên đã giới thiệu tổng đạo diễn Việt Tú là “một người vóc dáng nhỏ bé nhưng luôn muốn và đã làm những điều lớn lao trong nghệ thuật”. Lời giới thiệu ấy có đúng với anh không và theo anh có hay không sự lớn lao và nhỏ bé trong nghệ thuật?

Trong quá trình thực hiện Q Show 2, Lệ Quyên đã hiểu ra nhiều điều về con người tôi, trước đó thì không vì chúng tôi chưa hề đồng hành trong một dự án dài hơi bao giờ. Quyên có một quan điểm hoàn toàn khác với tôi trong việc quản trị và điều hành, tôi đã thuyết phục để cô ấy thay đổi những gì cần thiết.

Người làm nghệ thuật cần xem nhiều, thực hành nhiều, cầu thị nhiều về những gì diễn ra xung quanh để đi xa nhất có thể được.

Trong gần 20 năm sự nghiệp, tôi chỉ cố gắng làm tốt nhất công việc của mình để mang lại thành công cho những ai đặt niềm tin vào tôi, và nếu cần thiết phải hy sinh, tôi sẽ hy sinh những gì thuộc về mình hơn là tìm cách làm qua quýt đẹp lòng nhau cho xong để rồi hỏng việc.

Với tôi, trong sáng tạo nghệ thuật không có quan niệm TO hay BÉ mà chỉ có THÀNH CÔNG hay THẤT BẠI. May mắn là tôi luôn được mọi người chọn cho những dự án quan trọng và càng như vậy tôi càng thấy mình phải có trách nhiệm với sáng tạo.

Nhiều người bảo “Không có chiêu trò trong show thì không phải là Việt Tú”. Bỏ qua việc nhận định đó có đúng hay không thì theo anh, chiêu trò có ý nghĩa đến đâu trong một chương trình nghệ thuật? Và, theo anh, thế nào là một sự lạm dụng chiêu trò?

Với ý nghĩa nguyên thủy của cụm từ này, “chiêu trò” là một phần không thể thiếu của nghệ thuật, nó thực ra là một phần của cái gọi là “kỹ thuật kể chuyện”. Nhiều người chống lại việc sử dụng chiêu trò nhưng không hiểu rằng những thứ họ đang dùng cũng chính là chiêu trò.

Nhiều người cực đoan thì biến cụm từ này thành một khái niệm kém sang trọng của nghệ thuật. Tôi thì quan điểm khác, chiêu trò không phải là một vấn đề, vấn đề nằm ở người sử dụng, chỉ đơn giản vậy thôi. Sự lạm dụng chiêu trò trong nghệ thuật thể hiện sự “non tay” của người sử dụng chứ không có đúng sai ở đây. Người làm nghệ thuật cần xem nhiều, thực hành nhiều, cầu thị nhiều về những gì diễn ra xung quanh để đi xa nhất có thể được.

Nếu lấy Nhật thực - concert live của Hà Trần làm một cột mốc quan trọng trong chặng mở đầu sự nghiệp đạo diễn của anh, thì liệu “nghệ thuật thực cảnh” mà anh là người đầu tiên dàn dựng tại Việt Nam trong suốt gần hai năm có phải là cột mốc mở ra chặng tiếp theo dài lâu mà anh quyết chí theo đuổi? Có bao nhiêu ảnh hưởng của nghệ thuật múa rối nước đối với anh trong quá trình dàn dựng vở thực cảnh Thuở ấy Xứ Đoài trên mặt nước rộng đến 3.000m2, với sự tham gia của 140 diễn viên mà hầu hết là nông dân bản địa ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội?

Thực ra rối nước ở đây chỉ là cái cớ để tôi kể một câu chuyện về văn hóa Việt, tại sao lại phải là rối nước vì đó là vùng đất tổ của rối nước, nên ngoài bộ môn này sẽ không thể là gì khác. Tuy nhiên rối nước không phải là điểm nhấn chính trong vở diễn này, các trò của rối nước được đưa ra như một cái cớ, biến hình, tráo đổi khái niệm thành người rối - rối người để tạo ra sự hấp dẫn và không bị trùng lặp với bất kỳ tác phẩm cùng loại nào đã có trước đó.

Với Thuở ấy Xứ Đoài người nông dân kể lại chính câu chuyện của ông bà tổ tiên mình, mang trở về tất cả những ký ức đẹp đẽ, thơ mộng nhất của chính vùng đất mà họ đã sinh ra, lớn lên.

Trong khi còn rất nhiều người ở Việt Nam chưa kịp xem vở thực cảnh đầu tay của đạo diễn Việt Tú ở vùng sông nước Sài Sơn - Chùa Thầy nổi tiếng thì ngày 24.12.2019 anh đã lại cho ra mắt giai đoạn một chương trình thực cảnh đa phương tiện lần đầu tiên có ở Việt Nam tại Vinpearl Land Nha Trang. Những người may mắn được xem chương trình này đã kháo nhau “có rất nhiều cái nhất ở đây: thiết bị kỹ thuật, kỹ xảo dàn dựng...”. Anh có thể “bật mí” đôi chút về chương trình mới lạ này để khán giả có thể đón xem giai đoạn hai, dự tính diễn ra vào mùng Một Tết Canh Tý?

Đây lại là một dự án nghệ thuật với nhiều giới hạn bị phá bỏ. Đầu tiên, những dự án lớn mang phong cách châu Âu này trước đây sẽ chỉ thuộc về các êkip nước ngoài, thứ hai là thời gian phê duyệt của nhà đầu tư ngắn và giá trị lớn kỷ lục, thứ ba tốc độ triển khai thực hiện các kỹ thuật chiếu hình hiện đại nhất thế giới cũng là điều không tưởng.

Cuối cùng, trong hai tuần chúng tôi ký hợp đồng với 150 diễn viên, trong đó 50 diễn viên đến từ khắp nơi trên thế giới, triển khai cả một bộ phim 3D Mapping trên mặt tường một lâu đài có chiều cao tới 65m, cùng vô số thách thức khác.

90% êkip và nhà cung cấp của tôi không dám nhận thách thức này cho đến khi tôi phải đích thân cam kết và thuyết phục họ. Tôi gọi đây là vở diễn thực cảnh (nhân tạo) đa phương tiện đầu tiên của Việt Nam với hệ thống 3D Mapping đẳng cấp thế giới và phần trình diễn của 150 diễn viên trong nước, quốc tế. Đây chắc chắn sẽ là “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch mọi lứa tuổi đến với Nha Trang và Vinpearl Land năm 2020.

Vở thực cảnh đa phương tiện ở Vinpearl Land Nha Trang, 12.2019.

Vở thực cảnh đa phương tiện ở Vinpearl Land Nha Trang, 12.2019.

Rồi cùng thời gian đó khi thông tin về vở diễn đa phương tiện của anh còn chưa hết nóng, thì công chúng đã được hút tới Triển lãm Thời trang Nguyễn Công Trí và Nghệ thuật đương đại Cục im lặng mà anh là tổng đạo diễn. Đây cũng là một dự án nghệ thuật với nhiều thách thức giới hạn đã được vượt qua, và cả sự tiên phong? Anh lấy đâu ra sức lực, năng lượng và đầu óc để quản trị cùng lúc nhiều dự án lớn như vậy?

Tôi vẫn nói với cộng sự của mình, làm người nghệ sĩ sáng tạo mà chỉ biết chăm chăm vào sáng tạo sẽ rất vất vả. Người sáng tạo giỏi cũng phải là người có nhận thức đúng về giá trị của quản trị. Quản trị giỏi sẽ giúp cho sáng tạo được đặt đúng giá trị, thậm chí đưa giá trị ấy nhân lên nhiều lần.

Người giỏi sáng tạo không cần thiết mất thì giờ cho quản trị nếu họ thông thạo kỹ năng quản trị. Họ có thể và nên tổ chức công tác quản trị sao cho hiệu quả để có nhiều thời gian cho sáng tạo, thay vì chuyện gì cũng tham gia vào, biến mọi thứ trở nên lộn xộn.

Tài sản trí tuệ là thứ giữ cho người nghệ sĩ động lực sáng tạo, làm cho sự nghiệp của nghệ sĩ được lâu bền. Chừng nào xã hội và chính nghệ sĩ còn chưa có ý thức về dạng tài sản này thì chừng đó sự văn minh của xã hội và sự tiến hóa của nghệ thuật sẽ bị kéo lùi.

Tuy nhiên, người sáng tạo giỏi và có tư duy quản trị sáng suốt sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế sáng tạo. Thông qua công việc ngày càng có hiệu quả hơn của mình, tôi muốn trực tiếp tham gia làm thay đổi định kiến của mọi người trong xã hội về hình ảnh người nghệ sĩ trước đây, vốn luôn bay bổng nhưng thiếu thực tế, và có phần không kỷ luật về giờ giấc, kế hoạch.

Thế giới, đặc biệt là nước Mỹ, những tên tuổi lớn (trong lĩnh vực sáng tạo) đều là những nhà quản trị và kinh doanh bậc thầy, đó cũng là mục tiêu theo đuổi của tôi khi theo nghiệp này.

Tài sản lớn nhất của người nghệ sĩ, theo quan niệm của anh có phải là ý tưởng sáng tạo? Và, có phải vì quan niệm này mà anh đã không ngại tổn hao rất nhiều công sức, vật chất và tinh thần, để bảo vệ nó trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không chỉ vì bản thân mình mà còn vì các nghệ sĩ đang sống và cống hiến cho xã hội bằng lao động sáng tạo?

Tài sản lớn nhất của người nghệ sĩ là tác phẩm, không có tác phẩm thì không thể coi là một nghệ sĩ thành công. Quan trọng là tài sản do sáng tạo mà có ấy của người nghệ sĩ đã được luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam từ lâu công nhận bằng khái niệm sở hữu trí tuệ.

Đáng mừng hơn là xã hội Việt Nam đang ngày càng có ý thức trong việc sử dụng tài sản trí tuệ, là thứ giữ cho người nghệ sĩ động lực sáng tạo, làm cho sự nghiệp của nghệ sĩ được lâu bền. Chừng nào xã hội và chính nghệ sĩ còn chưa có ý thức về dạng tài sản đặc thù và quý giá này thì chừng đó sự văn minh của xã hội và sự tiến hóa của nghệ thuật sẽ còn bị kéo lùi.

Đời sống của người nghệ sĩ sẽ còn tiếp tục vất vả vì lao động sáng tạo của họ không được định giá xứng đáng, sở hữu trí tuệ của họ theo luật định không được bảo vệ trước các hành vi gian lận, đánh cắp.

Trong gia đình nhỏ của mình anh là... thiểu số. Anh tự thấy mình như thế nào trong mắt phần đa số ấy? Và họ có ý nghĩa ra sao trong cuộc sống bộn bề tìm kiếm sáng tạo của anh? Hỏi thật lòng: anh... có đang hạnh phúc?

Nhà tôi, tất cả là gái, trừ tôi và chú lái xe, tôi luôn ý thức khi về đến gia đình, mọi thứ công việc, vị trí xã hội hay mọi vấn đề không liên quan đến gia đình thì để lại sau cánh cửa. Tôi may mắn có một gia đình thực sự hiểu công việc mình làm, tôn trọng không gian sáng tạo của tôi, từ chuyện đi cả tháng trời để nghiên cứu các vùng văn hóa, đến chuyện đầu tư cho nghệ thuật, tất cả đều được ủng hộ.

Có thể hiện tại, những người nghệ sĩ như tôi chưa chạm tới mục tiêu là được thụ hưởng thỏa đáng thành quả của tài sản trí tuệ, nhưng tôi tự hào vì mình sẽ có một vị trí trong danh sách những nghệ sĩ tiên phong trong việc hành động để nâng cao nhận thức của xã hội và của nghệ sĩ về ý thức tôn trọng và ý thức được giá trị của tài sản trí tuệ. Với những gì đã có, tôi nghĩ mình đang hạnh phúc.

Xin cảm ơn đạo diễn Việt Tú, chúc anh cùng gia đình và các cộng sự một năm mới hạnh phúc và thành công.

Thực hiện: Nguyễn Thế Thanh

Ảnh: NVCC

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dao-dien-nguyen-viet-tu-sau-nhung-gi-tim-kiem-hanh-phuc-la-duoc-sang-tao-22199.html