Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Phim tài liệu đã mở đường cho tôi ra thế giới
'Có những phim thú vị khiến mình đắm chìm trong thế giới của nó. Những phim ấy còn hấp dẫn hơn phim truyện, bởi nó kể về những con người thực, việc thực đã xảy ra như thế nào', Hà Lệ Diễm tâm sự.
“Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm là phim tài liệu Việt Nam đầu tiên góp mặt trong danh sách đề cử Oscar 2023 hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc. Tuy phải dừng chân tại đây, nhưng phim tiếp tục “rinh” nhiều giải thưởng khắp nơi trên thế giới, ở những liên hoan phim tôn vinh giá trị giáo dục, nhân văn như Đạo diễn xuất sắc tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam, Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại LHP Balimakarya, Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại LHP Giáo dục của Pháp...
Phim kể về Di, một thiếu nữ có cá tính mạnh mẽ đến từ cộng đồng người Mông phía Bắc Việt Nam bị mắc kẹt giữa truyền thống “kéo vợ” và mong muốn của chính Di được tiếp tục sống thời thơ ấu, đến trường đi học.
Thực tế đôi khi chỉ là màu xám, đôi khi lại rất rực rỡ
Chia sẻ về cơ duyên đến với bộ phim, Hà Lệ Diễm kể, năm 2017, cô lên Sa Pa cùng một số bạn trẻ triển khai dự án “Chuyện của chúng mình - Our Stories Project” do nhóm Hành động vì sự phát triển của người Mông (Action for Hmong Development - AHD) tổ chức. Tại đây, Diễm biết Di. Thấy Diễm hay cầm máy để quay mọi thứ, Di rủ cô đi quay em và các bạn.
Diễm mang máy theo bọn trẻ chơi vui trên sườn đồi, đóng giả các tình huống như đi làm ruộng đồng, đi chơi Tết, đi kéo vợ… y như người lớn, trong liền 4 giờ.
Về Hà Nội, nơi Hà Lệ Diễm sống và làm việc, Diễm nhớ lại ngày xưa mình đã vô tư thế nào. Rồi tôi chợt nhận ra tuổi thơ của bọn trẻ sẽ trôi đi rất nhanh, không gì có thể giữ lại được. Từ suy nghĩ đó, cô quyết định làm phim về tuổi thơ và sự biến mất của nó, trong đó có cả cảm giác sợ hãi và cô đơn trên con đường trở thành người lớn.
Từ ý tưởng ban đầu có phần mơ hồ, Hà Lệ Diễm đã quyết định ở lại cùng gia đình Di và sống như một người Mông thực thụ. Cô là người cầm máy trong cả quá trình quay phim, cùng đi với những đứa trẻ qua những màn sương của vùng núi cao. Nơi mà các em đang từng ngày lớn lên với sự đan xen giữa những phong tục văn hóa truyền thống và cuộc sống hiện đại. “Những đứa trẻ trong sương” là quá trình đổ vỡ của thế giới tuổi thơ và hành trình trưởng thành của cô gái trẻ. Ở đó không chỉ có phong cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, nên thơ, có tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo của những bé gái người Mông mà còn là những xung đột, va chạm khi đối diện với tục kéo vợ của dân tộc mình.
Hà Lệ Diễm chia sẻ: “Khi tiếp xúc với thực tế xã hội quanh Di, tôi thấy rõ hơn sự phức tạp trong quan niệm của người Mông nơi đây. Nhiều người Mông coi kéo vợ là phong tục truyền thống tốt đẹp của cha ông. Thế nhưng, cũng có những người cho rằng đây là hủ tục cần loại bỏ… Qua hiện thực mà tôi tiếp xúc, tôi nhận ra mỗi người không hoàn toàn tốt hay xấu, đúng hay sai, giống như thực tế không chỉ là thuần đen hay trắng. Thực tế đôi khi chỉ là màu xám, đôi khi lại rất rực rỡ. Những con người trong câu chuyện có hơi xấu một chút, hơi tốt một chút, hơi khó hiểu, hoặc ở giữa tất cả”.
“Những màu sắc ấy mới làm nên con người. Tôi muốn kể được sự phức tạp của cuộc sống, sự phức tạp của con người khi họ phải sống. Ở nhiều tình huống khác nhau, họ có màu sắc khác nhau và tôi thực sự yêu những màu sắc ấy”, Diễm chia sẻ thêm.
Phim tài liệu hấp dẫn không kém phim truyện
Để có được hơn 90 phút phút phim dựng trên màn ảnh, Hà Lệ Diễm bỏ ra gần 4 năm theo chân nhân vật, cùng sinh hoạt với gia đình Di. Khoảng 100 giờ quay tư liệu đó được chắt chiu thành những thước phim tài liệu chân thực, lay động.
Chưa ra mắt tại quê nhà nhưng “Những đứa trẻ trong sương” đã chu du ở nhiều quốc gia, đem câu chuyện đậm đà bản sắc Việt lan tỏa ra thế giới.
Hà Lệ Diễm tâm sự: “Phim tài liệu đã mở đường cho tôi ra thế giới. Có những liên hoan phim quốc tế, ban tổ chức vừa nhận phim dự thi, vừa mời tác giả tới tham quan nước họ. Từ đó, tôi có cơ hội đến nhiều liên hoan phim, xem những bộ phim mà hiếm ở đâu chiếu. Ví dụ như lần tôi được xem Abbas Kiarostami (một đạo diễn lừng danh người Iran, 1940-2016) cùng những thước phim tài liệu ông quay ở thời còn dùng phim nhựa, được xem trên một rạp tiêu chuẩn khiến tôi rất xúc động...”
“Việc làm phim cho tôi nhiều thời gian hơn để kể câu chuyện mình muốn. Tôi được tự do hơn, được chu du khắp nơi với đủ những câu chuyện hiện thực, vừa đi làm phim vừa kiếm tiền, vừa dành thời gian cho gia đình, bản thân lại được đi học nhiều thứ khác... Nhờ vậy, cuộc sống tinh thần của tôi giàu có thêm”, Diễm chia sẻ.
Trước khi trở thành đạo diễn, Hà Lệ Diễm từng là sinh viên khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhưng Diễm đã bén duyên với việc làm phim tài liệu sau khi tham gia khóa học làm phim tài liệu miễn phí và có cơ hội tiếp xúc với điện ảnh.
“Tôi yêu phim. Và tôi thấy phim tài liệu cũng có thể có chất điện ảnh, hấp dẫn không kém phim truyện. Dù cũng có những phim tài liệu “ảo diệu” lắm, chẳng biết thật-ảo thế nào, hay có phim phức tạp tới mức tôi xem mà không hiểu gì…
Nhưng cũng có những phim thú vị khiến mình đắm chìm trong thế giới của nó. Những phim ấy còn hấp dẫn hơn phim truyện, bởi nó kể về những con người thực, việc thực đã xảy ra như thế nào”, Diễm tâm sự.
Trong tháng 3/2023, “Những đứa trẻ trong sương” sẽ xuất hiện trên sóng chương trình POV thuộc đài PBS của Mỹ. Hàng năm, POV sẽ phát sóng 14-16 phim phi hư cấu ấn tượng nhất, được chọn lọc trên toàn thế giới, liên quan đến hành trình con người đối mặt với các vấn đề đương đại.
Phim đã được công chiếu tại Mỹ, Đài Loan, Singapore và trở về công chiếu tại quê nhà Việt Nam từ ngày 17/3 tại 16 cụm rạp của Beta./.