Đánh thuế cao rượu bia, nên không?

Tại tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm.

Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Song, các mức này được Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh theo lộ trình từ 2026-2030. Việc này nhằm tăng giá bán thêm 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Việc lạm dụng rượu bia gây nhiều tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Cụ thể, với rượu 20 độ trở lên, Bộ Tài chính chọn phương án áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030. Rượu dưới 20 độ chịu thuế 50%, sau đó tăng lên cao nhất 70%.

Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%. Theo đó, so với năm 2025, giá bán rượu, bia sẽ tăng 20% vào năm 2026. Các năm sau đó, giá các mặt hàng này sẽ thêm 2-3%.

Thực tế cho thấy, việc lạm dụng rượu bia gây nhiều tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đã có không biết bao nhiêu vụ án mạng thương tâm, những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra mà nguyên nhân chỉ vì rượu bia.

Hầu như trong xã hội, ai cũng biết, ai cũng nói, cũng biết tác hại của rượu bia nếu lạm dụng. Nhưng rồi những câu chuyện đau lòng vẫn cứ xảy ra, căn nguyên là do "ma men".

Có lẽ vì thế mà khi đón nhận thông tin về đề xuất đánh thuế cao với rượu bia, rất nhiều người bày tỏ đồng tình. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng cần áp thuế cao hơn.

Đương nhiên, trước đề xuất tăng thuế, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia rượu sẽ phản ứng. Họ cho rằng, việc này sẽ gây thiệt hại kinh tế đáng kể với ngành và thu ngân sách sụt giảm. Năm 2023, ước tính doanh thu ngành bia giảm 11%, lợi nhuận sụt 23%.

Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, đồ uống Việt Nam, đến năm 2025, cả nước sản xuất khoảng 4,6 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu, 9,1 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp, công ăn việc làm tạo ra khi sản xuất kinh doanh bia rượu phát triển là điều có thể nhận thấy được. Tuy nhiên, hệ lụy xã hội của việc lạm dụng bia rượu là điều không cần phải bàn cãi nhiều.

Liệu có phải do đánh thuế chưa tương xứng nên việc mua bán, sử dụng rượu bia ở Việt Nam mới dễ dàng như hiện nay? Không ở đâu mà một đứa trẻ cũng có thể cầm chai ra hàng mua rượu với số lượng không giới hạn; Không ở đâu mà văn hóa ăn nhậu tràn lan, quán xá tưng bừng từ sáng tới khuya như ở ta…

Khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia ra đời, nhiều người kỳ vọng tình trạng lạm dụng rượu bia, lái xe say xỉn, sản xuất và kinh doanh bia rượu tràn lan chấm dứt.

Trong luật có rất nhiều hành vi bị cấm: Cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi; Cho người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Cấm bán cho người có dấu hiệu say... Nhưng trên thực tế, đến nay chưa có ai bị phạt.

Để làm được những điều như luật quy định, cần có chế tài để xử lý và quy định cụ thể thẩm quyền của người xử lý. Nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn. Phần lớn chúng ta vẫn trông chờ ý thức tự giác của người dân là chính.

Bởi vậy, trong một chừng mực nào đó, việc tăng thuế đối với rượu bia là phù hợp, giúp hạn chế hành vi tiêu dùng, xa hơn là ngăn ngừa những hệ lụy mà bia rượu có thể gây ra.

Tuy nhiên, cùng với việc đánh thuế cao, cần quản lý thật chặt việc sản xuất rượu, bia thủ công. Sản phẩm bán ra thị trường phải đăng ký, thường xuyên được kiểm tra. Bởi nếu không, việc đánh thuế này không khéo sẽ tạo cơ hội cho những lò rượu quê hay xưởng bia tự phát lên ngôi. Khi đó, sức khỏe cộng đồng không được đảm bảo, mà mục tiêu chính của việc đánh thuế cao cũng không đạt được.

Hà Anh Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/danh-thue-cao-ruou-bia-nen-khong-192240614000002741.htm