Đánh thức tiềm năng du lịch của 'thành phố Thép'
TP. Thái Nguyên là đô thị trung tâm của tỉnh, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Thời gian qua, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng đầu tư hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch…
TP. Thái Nguyên là đô thị trung tâm của tỉnh, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Thời gian qua, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng đầu tư hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch… Qua đó thúc đẩy du lịch phát triển, khẳng định vị thế và đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của thành phố.
TP. Thái Nguyên có nhiều thuận lợi về vị trí, cảnh quan tự nhiên, lịch sử, văn hóa... để phát triển du lịch, như: Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 70km; có các tuyến Quốc lộ 3, 37, 1B qua địa bàn. Địa hình có nhiều đồi núi thấp, có dòng sông Cầu, sông Công chảy qua. Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều khu, điểm di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, như: Chùa Hang - Kim Sơn tự, Di tích thắng cảnh động Linh Sơn và nhiều khu vực có vẻ đẹp tự nhiên, hấp dẫn nhà đầu tư phát triển du lịch.
Thành phố còn có vùng chè đặc sản Tân Cương nổi tiếng, được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”. Tại đây, bên cạnh nâng cao giá trị sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, xây dựng các sản phẩm OCOP, nhiều hộ dân còn đầu tư phát triển dịch vụ tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa trà… thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
Năm 2022, UBND tỉnh công nhận Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương. Hiện nay, Điểm du lịch đã đủ điều kiện đón tiếp các đoàn khách quốc tế và trong nước với nhiều dịch vụ hấp dẫn.
Chị Trần Huyền Trân, khách du lịch đến từ Hải Phòng, cho biết: Tôi nghe về sản phẩm chè Thái Nguyên từ lâu, nhưng nay mới được trải nghiệm công việc hái, sao chè bằng phương pháp thủ công truyền thống. Tới đây, chúng tôi có thể lưu trú nhiều ngày và thưởng thức các món ăn đặc trưng của địa phương.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế đó, nhiều điểm đến, dịch vụ du lịch tư nhân trên địa bàn TP. Thái Nguyên được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và khám phá văn hóa của du khách như: Khu sinh thái An Bình, Việt Phượng Royal Palace, Trống Đồng Plaza, Đông Á Plaza, Khách sạn Dạ Hương, Kim Thái, Không gian văn hóa trà Hương Vân…
Riêng Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã được Tổ chức du lịch thế giới công bố là 1 trong 32 làng du lịch tốt nhất năm 2020. Ngoài ra, các khách sạn, nhà hàng ẩm thực, khu sinh thái và siêu thị cao cấp đang ngày càng phát triển theo nét đặc trưng của TP. Thái Nguyên.
Tận dụng những lợi thế sẵn có, TP. Thái Nguyên đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm, như: Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với sản phẩm nông nghiệp; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa giáo dục.
Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã đề nghị tu bổ, tôn tạo các di tích được xếp hạng, như: Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915; Di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ Đội Cấn; Di tích lịch sử cấp tỉnh đền Cột Cờ, đền Gốc Sấu…
Chỉ tính trong 2 năm 2022-2023, từ nguồn xã hội hóa, TP. Thái Nguyên đã huy động gần 11,4 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích như: Chùa Hồng Long (phường Phan Đình Phùng), đền Túc Duyên (phường Gia Sàng), đình đền Gốc Sấu (phường Đồng Bẩm)… Thành phố đang đề nghị mở rộng, tu bổ, tôn tạo các di tích như: Di tích cấp tỉnh Địa điểm thành lập Trung đoàn 88 Tu Vũ; Di tích Địa điểm Bác Hồ về thăm Khu Gang thép, đình Hùng Vương; Nhà lao Thái Nguyên, Trại lính khố xanh.
Thành phố cũng quan tâm đầu tư phát triển du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh gắn với các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chè. Hiện nay, trên địa bàn có 37 sản phẩm nông nghiệp được xếp hạng OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao, 26 sản phẩm OCOP 4 sao và 10 sản phẩm OCOP 3 sao.
Đối với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, TP. Thái Nguyên tiếp tục thu hút nhà đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, như: Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải; Khu sinh thái An Bình; Khu du lịch sinh thái, trải nghiệm Yasmin Farm; Khu sinh thái Nhà tôi… Năm 2023, Khu du lịch sinh thái trải nghiệm Yasmin Farm được UBND tỉnh công nhận là Điểm du lịch cấp tỉnh.
Thành phố cũng quan tâm đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch, phục vụ hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên. Cụ thể là phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chương trình Famtrip, tọa đàm “Thái Nguyên - Điểm đến giáo dục truyền thống, lịch sử văn hóa và trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh”. Các khu, điểm du lịch cũng đón tiếp trung bình trên 200 đoàn/năm là học sinh trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm.
Nhằm tạo sự kết nối thúc đẩy các sản phẩm du lịch, TP. Thái Nguyên đã chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch. Cùng với đó là chú trọng tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đến các du khách thập phương. Hiện, thành phố có hệ thống giao thông vận tải tương đối đồng bộ; trên 10 tuyến xe bus, trong đó có các tuyến xe bus liên huyện. Đặc biệt là có tuyến xe bus lộ trình từ Khu di tích lịch sử Quốc gia thanh niên xung phong Đại đội 915 - Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - chùa Phù Liễn - đền Đuổm - Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.
Theo thống kê, trên địa bàn TP. Thái Nguyên có trên 30 khách sạn, 160 nhà nghỉ đủ điều kiện đón khách du lịch. Thành phố đã triển khai các dự án trọng điểm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, như: Khu văn hóa - thể thao - vui chơi giải trí phục vụ công cộng Linh Sơn Hills; Công viên giải trí gắn liền với dịch vụ du lịch trải nghiệm có trách nhiệm và bảo tồn thiên nhiên EcoValley; Khu giáo dục trải nghiệm và sản xuất nông nghiệp hữu cơ Eco Valley; Khu tổ hợp thể thao - du lịch và nghỉ dưỡng Thái Nguyên (xã Huống Thượng); Khu du lịch nghỉ dưỡng EcoValley…
Ngoài ra, thành phố đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, điểm mua sắm phục vụ nhân dân và thu hút khách du lịch như: Trung tâm thương mại Vincom, Trung tâm thương mại Phú Quý Thăng Long, Siêu thị GO!, Khu đô thị Danko City…
Để quảng bá du lịch, TP. Thái Nguyên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số; quản lý điểm đến du lịch thông minh, tạo tương tác với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch.
Các cơ sở lưu trú, nhà hàng trên địa bàn ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý nhân sự, quản lý tài chính. Thực hiện việc tạo lập và sử dụng mã QR trong quản lý thông tin khách hàng; tạo mã QR trong tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các khu di tích lịch sử văn hóa; thành lập trang fanpage Du lịch xứ trà để thông tin, quảng bá, giới thiệu các hoạt động, sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh, thành phố tới nhân dân và du khách.
Ngoài ra, hằng năm, UBND thành phố đều đăng ký tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm “Mỗi phường, xã một sản phẩm” để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm OCOP của địa phương; đăng ký sản phẩm tham gia cuộc thi thiết kế logo, slogan và sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, sản phẩm của HTX chè Hảo Đạt đã được lựa chọn là một trong những sản phẩm quà tặng của tỉnh Thái Nguyên.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế cùng với sự nỗ lực, chú trọng của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong tương lai không xa, "thành phố Thép" - mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, thân thiện và mến khách - sẽ trở thành điểm đến yêu thích của du khách mọi miền.