Đánh giá tác động từ việc Indonesia giảm nhập khẩu nhiên liệu từ Singapore
Indonesia đang cân nhắc giảm bớt lượng nhiên liệu nhập khẩu từ Singapore và chuyển hướng sang Mỹ, trong bối cảnh hai nước đang đàm phán về các vấn đề thuế quan. Động thái này có thể khiến dòng chảy thương mại khu vực bị xáo trộn phần nào, nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, ảnh hưởng đến kinh tế Singapore nhìn chung sẽ không quá lớn.

Tàu chở dầu cập cảng Tanjung Priok ở Jakarta, Indonesia. Ảnh AFP
Trao đổi với CNA, nhiều nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Singapore hiện đã rất đa dạng, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực công nghệ và khai thác cao cấp – những trụ cột giúp nước này duy trì tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng một số ngành như vận tải, dịch vụ kho bãi và thương mại bán buôn có thể bị ảnh hưởng gián tiếp nếu Indonesia thực sự điều chỉnh nguồn cung.
Indonesia muốn chuyển 60% nhập khẩu sang Mỹ
Theo Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia Bahlil Lahadalia, nước này có thể chuyển tới 60% lượng nhiên liệu hiện đang nhập từ Singapore sang Mỹ trong giai đoạn đầu. Mục tiêu là nhằm ứng phó với mức thuế trừng phạt lên đến 32%, mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất áp dụng lên hàng hóa của Indonesia – hiện đang được tạm hoãn đến tháng 7 năm nay.
Singapore hiện là một trong những trung tâm lọc hóa dầu lớn nhất thế giới, đồng thời là nguồn cung nhiên liệu quan trọng trong khu vực. Trong 4 tháng đầu năm 2025, trung bình mỗi ngày Singapore xuất khẩu hơn 54.000 thùng dầu gasoil và 8.300 thùng nhiên liệu máy bay sang Indonesia.
Singapore vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng từ việc giảm nhập khẩu sẽ ở mức hạn chế. Ông John Driscoll – Giám đốc công ty phân tích năng lượng JTD Energy Services – nhận định: “Ngay cả khi Indonesia cắt giảm đơn hàng, Singapore vẫn rất linh hoạt. Họ có hạ tầng mạnh, hệ thống nhà máy lọc dầu hiện đại, kho lưu trữ lớn và các dịch vụ hỗ trợ đầy đủ. Hơn nữa, Singapore là điểm định giá dầu mỏ chính ở phía đông kênh đào Suez”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Singapore hiện không còn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ như trước. “Các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Facebook, Google, Amazon đều đã đặt văn phòng tại đây. Việc giảm dần vai trò của dầu khí trong nền kinh tế là một chiến lược có tính toán rõ ràng”, ông nói thêm.
Nguồn cung dầu dư thừa
Mặc dù ngành dầu mỏ đóng vai trò quan trọng đối với Singapore, nhưng thực tế lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 5% tổng GDP của quốc gia này – thấp hơn nhiều so với lĩnh vực khai thác công nghiệp, vốn chiếm tới 20% nền kinh tế.
Tuy vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng, nếu nhiều quốc gia khác noi theo bước Indonesia và giảm nhập khẩu nhiên liệu từ Singapore, thì ảnh hưởng có thể lan rộng hơn.
Ông Jeff Ng – Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô châu Á tại ngân hàng SMBC – nhận định: “Nếu xu hướng này lan rộng, sẽ có những ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành như vận tải, kho bãi, thương mại bán buôn và bán lẻ. Khi lượng hàng hóa luân chuyển giảm, hoạt động tại cảng biển cũng sẽ chững lại. Và điều này có thể ảnh hưởng đến cả ngành khai thác lẫn dịch vụ”.
Áp lực ngắn hạn
Một rủi ro khác trong ngắn hạn được nhắc đến là nguy cơ dư thừa nguồn cung dầu, có thể khiến giá dầu sụt giảm.
Giáo sư Sumit Agarwal, chuyên gia kinh tế tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho rằng: “Singapore có thể rơi vào tình trạng tồn kho dầu vì không có đủ đầu ra. Điều này sẽ tạo áp lực giảm giá với lượng dầu xuất sang các thị trường như Malaysia, từ đó làm giảm lợi nhuận của ngành lọc dầu”.
Tuy nhiên, ông cũng tin rằng đây chỉ là khó khăn mang tính tạm thời. “Trong trung hạn, Singapore hoàn toàn có thể tìm được những khách hàng mới phù hợp hơn cho sản phẩm dầu đã qua chế biến, và thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại”, ông nói.
Cơ hội mới từ Trung Đông và các nhà đầu tư tài chính
Theo giới phân tích, trong tương lai, các khách hàng tiềm năng của Singapore có thể đến từ khu vực Trung Đông – nơi có nhu cầu cao về dầu tinh chế. Ngoài ra, các tổ chức như quỹ đầu tư và ngân hàng cũng đang theo dõi sát sao thị trường dầu để tìm kiếm cơ hội.