Đằng sau cuộc “chiến tranh tiền tệ” Mỹ - Trung

Minh họa về “cuộc chiến tiền tệ” Mỹ - Trung

(CATP) Trong những ngày qua, vấn đề tỉ giá giữa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đôla của Mỹ đã trở thành đề tài thời sự ở hai nước và dư luận quốc tế quan tâm đến cuộc "chiến tranh tiền tệ” này. Sự thực của nó và đằng sau vấn đề nổi cộm đó có gì uẩn khúc không? Nói về khái niệm “chiến tranh tiền tệ” thì đây cũng là một dạng phản ánh những xung đột khốc liệt giữa tỉ giá các đồng tiền và những cuộc đụng đầu về chính sách tiền tệ giữa các bên đã được “chiến tranh hóa” bằng ngôn ngữ của báo chí. Từ những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, người ta đã dự báo về các cuộc “chiến tranh tiền tệ” trong tương lai. Nhưng “chiến tranh tiền tệ” Mỹ - Trung thì không phải nhiều người đã dự báo được sớm, mà phải đến những năm đầu thế kỷ 21, sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc và chính sách tiền tệ của Bắc Kinh đã động chạm đến lợi ích của Mỹ thì Washington mới “chồm” lên. Tuy nhiên, không chỉ có việc Trung Quốc “kiên cường” giữ vững tỉ giá đồng nhân dân tệ của họ thấp so với đồng đôla Mỹ để gia tăng lợi nhuận thực tế cho nền kinh tế xuất khẩu. Chính nước Mỹ từ thời G.W. Bush cũng đã sử dụng chính sách này nhằm khuyến khích phát triển xuất khẩu, tạo việc làm cho người Mỹ và tất nhiên là có lợi cho Mỹ. Gần đây, các nhà lãnh đạo Mỹ liên tiếp yêu cầu Trung Quốc điều chỉnh tỉ giá đồng nhân dân tệ lên cao hơn mức hiện hành. Và không chỉ Mỹ, một số nước phương Tây cũng nêu yêu cầu đó vì họ cũng là những thị trường hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Lợi thế về ngoại thương đang nghiêng về phía Trung Quốc, một nền kinh tế đang lên và đã đứng thứ hai thế giới về tổng sản phẩm quốc dân. Tất nhiên là Trung Quốc phản đối những cáo buộc cho rằng chính sách tiền tệ của họ đang gây khó khăn cho Mỹ và kinh tế thế giới. Báo chí Trung Quốc cho rằng những xung đột về chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc và Mỹ được hai bên nói ra về bản chất là “chiến tranh thông tin”. Theo tờ thời báo Hoàn Cầu số ra mới đây, một học giả của Trung Quốc khẳng định việc chính quyền Mỹ gia tăng sức ép buộc Trung Quốc nâng tỉ giá đồng nhân dân tệ lên cao hơn so với đồng đôla Mỹ hiện nay là “chiến tranh thông tin theo nghĩa rộng”. Trước đó, Trung Quốc cũng đã đưa ra đề nghị thế giới sử dụng một loại tiền tệ quốc tế thay thế đồng đôla Mỹ, nhưng bị Mỹ phản đối kịch liệt. Suy cho cùng, những xung đột về lợi ích giữa các quốc gia thể hiện qua các hình thức chiến tranh nóng (quân sự), chiến tranh lạnh (trên nhiều lĩnh vực), chiến tranh thương mại... và “chiến tranh tiền tệ” cũng là một dạng đáng chú ý trong thời toàn cầu hóa.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=1120&id=53084&mod=detnews&p=