Đan Mạch thua nghiệt ngã nhưng có quyền tự hào

Mọi chuyện hẳn sẽ đẹp và vẻ vang hơn nếu Đan Mạch vào chung kết và vô địch sau những gì họ đã trải qua, nhưng thất bại đôi khi cũng có những niềm tự hào riêng.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trọng tài Danny Makkelie xem lại pha ngã của Raheem Sterling ở hiệp phụ? Đan Mạch sẽ không thủng lưới, kéo Anh vào loạt sút luân lưu, giành chiến thắng và tiến vào chung kết gặp Italy?

Kịch bản tái hiện lại phần nào trận bán kết Euro 1992 với đầu ra trái ngược ấy hẳn nằm trong trí tưởng tượng của không ít CĐV yêu mến "Thùng thuốc nổ" Bắc Âu trước tuyển Anh với lợi thế sân nhà cùng lực lượng vượt trội.

Song điều ấy không xảy ra. Đan Mạch thua bằng quả 11 m gây tranh cãi của người Anh. Một kết quả nghiệt ngã ở cách thức, nhưng oanh liệt ở tâm thế: Kasper Schmeichel cùng đồng đội có lúc làm câm lặng Wembley của "Tam sư" và đẩy người Anh vào trận cầu khó khăn nhất kể từ đầu giải.

 Kasper Schmeichel không thể đưa Đan Mạch vào chung kết Euro 2020. Ảnh: Reuters.

Kasper Schmeichel không thể đưa Đan Mạch vào chung kết Euro 2020. Ảnh: Reuters.

Sức mạnh của Đan Mạch

Roy Keane, người nổi tiếng với những phát ngôn phũ phàng, nói như sau về Đan Mạch trước trận bán kết: "Tôi không biết bao nhiêu cầu thủ Đan Mạch đủ khả năng để chơi cho tuyển Anh. Tôi không chọn ai, song họ thật tuyệt vời, không siêu sao nhưng là tập thể chuẩn mực".

Tập thể chuẩn mực như cách Roy Keane miêu tả đã ưỡn ngực đá sòng phẳng với Anh tại Wembley, nện búa vào giấc mơ đưa bóng đá trở về nhà của "Tam sư" bằng cú đá phạt của Damsgaard, tạo ra sức ép đủ lớn đủ để khiến Jordan Pickford liên tục mắc sai lầm.

Đan Mạch thua Anh ở hầu hết thống kê quan trọng cơ bản như thời lượng kiểm soát bóng, số cú sút, chuyền chính xác hay đi bóng qua người. Song có 2 chỉ số đủ để cả ngợi Đan Mạch ở không chỉ trận bán kết mà còn suốt Euro 2020.

Họ thắng tranh chấp 18 lần so với 20 lần của Anh. Nếu trận đấu về 90 phút thi đấu chính thức, số liệu là 14-15. Đan Mạch tắc bóng 33 lần, nhiều gần gấp 3 đối thủ (13 lần).

 Đan Mạch đã có lúc làm Wembley câm lặng. Ảnh: Reuters.

Đan Mạch đã có lúc làm Wembley câm lặng. Ảnh: Reuters.

Những thống kê khô khan và đôi khi bị hiểu sai, nhưng đặt trong bối cảnh Đan Mạch đấu với Anh tại Wembley, 2 con số này đủ sức nặng để vẽ nên hình ảnh võ sĩ áo đỏ liều lĩnh lăn xả đứng vững trước những đòn đánh tới tấp và chỉ chịu thất bại trước đòn tiểu xảo kín đáo được hỗ trợ bởi sự phớt lờ khó tin từ đội ngũ cầm cân nảy mực.

Đan Mạch thực tế gần quỵ ngã theo nghĩa đen trước Anh khi trận đấu bước sang hiệp phụ. Andreas Christensen, trung vệ đá gần như trọn vẹn 5 trận trước vòng bán kết, lắc đầu khi xin thay người vào phút 79, sau pha bay người cản bóng trên không.

Thomas Delaney, một trụ cột khác của "Thùng thuốc nổ", cũng không thể bước vào hiệp phụ sau khi ra dấu xin thay người vào phút 88, sau tình huống không va chạm với bất kỳ cái bóng áo trắng nào.

Việc phải di chuyển từ Hà Lan tới Azerbaijan cũng như Anh để tập luyện và hồi sức, trong hành trình đấu 3 trận ở vòng knock-out dường như ảnh hưởng nặng tới thể lực của các cầu thủ Bắc Âu.

Để so sánh, tuyển Anh chỉ có 1 lần rời khỏi Wembley từ đầu giải (chiến thắng 4-0 trước Ukraine ở tứ kết trên đất Italy). Sự thật này xem chừng là đủ để hiểu và trân trọng Đan Mạch. Họ đã chiến đấu và làm mọi điều có thể cho tới phút cuối cùng. Chỉ có điều vận may không mỉm cười.

Chuyện cổ tích không quá cần cái kết đẹp

Khi Christian Eriksen bất ngờ đổ gục xuống sân vào cuối hiệp 1 trận gặp Phần Lan ở vòng bảng, ai dám nghĩ Đan Mạch sẽ vượt qua cú sốc ấy cùng những hệ lụy tinh thần của nó để vào bán kết Euro 2020? Bi kịch suýt xảy ra với Eriksen được cho là nút thắt để kích hoạt thùng thuốc nổ Đan Mạch trong thời gian còn lại tại Euro 2020.

Những người theo dõi bóng đá qua góc nhìn nhân sinh quan hẳn sẽ ưa thích điều này: Đan Mạch hay bất kỳ tập thể nào là tập hợp của những cá nhân riêng lẻ, nhưng luôn được nhìn nhận theo danh tính chung, với đầy đủ đặc điểm của một con người, từ cá tính, sự dũng cảm, khả năng thích nghi trong gian khổ, lẫn niềm tin.

 Đan Mạch là điểm nhấn khó quên trong lịch sử Euro. Ảnh: Reuters.

Đan Mạch là điểm nhấn khó quên trong lịch sử Euro. Ảnh: Reuters.

Nếu Đan Mạch vô địch Euro, đó sẽ là cái kết đẹp cho hành trình trọn vẹn của đội bóng Bắc Âu này, không chỉ trên góc nhìn thể thao. Song thất bại ở trận bán kết, cũng không phải điều gì quá tệ.

Họ đã nỗ lực để vượt qua những rào cản chưa từng bị xô đổ trong lịch sử 60 năm của Euro (Đan Mạch là đội đầu tiên vượt qua vòng bảng sau khi thua 2 trận đầu), nâng tầm thứ bóng đá tưởng chừng như đã chết tại giải lần này khi luôn nhường quyền kiểm soát bóng cho đối thủ và tìm ra cách tung ra những cú đấm bằng khả năng chuyển trạng thái cũng như phản công thần tốc. Và cuối cùng là giới thiệu những ngôi sao ít người biết tới như Jannik Vestergaard, Mikkel Damsgaard hay Joakim Maehle.

Không nhiều người biết hành trình vô địch Euro 1992 của Đan Mạch thực tế cũng có pha lẫn bi kịch. Tiền vệ Kim Vilfort gật đầu trước lời triệu tập dự Euro 1992 vào thời điểm cô con gái 7 tuổi của anh mắc bệnh máu trắng.

Vilfort trở về quê nhà sau lượt trận thứ 2 vòng bảng khi bệnh tình của con gái trở nặng. Đan Mạch lúc đó đứng trước ngưỡng cửa bị loại. Họ buộc phải thắng Pháp của Jean Pierre Papin, Amoros, Cantona, Deschamps để đi tiếp. Đan Mạch làm được. Và cô con gái nhỏ khuyên Vilfort trở lại để đá trận bán kết trước Hà Lan.

Ở trận bán kết, Vilfort sút thành công quả luân lưu thứ 4 giúp Đan Mạch phế truất Hà Lan. Ngay sau đó, anh lại quay về quê nhà bên con gái trước khi lại bị thuyết phục đá nốt trận chung kết. Nếu những ai còn nhớ, Vilfort chính là cầu thủ ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0 của Đan Mạch trước Đức ở chung kết năm đó.

Vài tuần sau chức vô địch Euro 1992, con gái của Vilfort qua đời. Nếu câu chuyện này xuất hiện trong thời đại mạng xã hội lên ngôi như ngày nay, chức vô địch của Đan Mạch hẳn sẽ được tô vẽ nhiều hơn là một câu chuyện cổ tích.

Điều đó dĩ nhiên không diễn ra. Người ta vẫn quen nói về chức vô địch năm ấy như hành trình may mắn của "Thùng thuốc nổ" mà quên đi Đan Mạch đã kiên cường, nén đau để bất chấp, nỗ lực và chiến đấu sòng phẳng trước bất kỳ đối thủ nào.

Đan Mạch của Euro 2020 không vô địch như thế hệ cách đây 3 thập niên, nhưng không thể bị lãng quên, cũng bởi những dấu ấn tinh thần tương tự.

Pha ngã gục của Eriksen cùng hình ảnh hàng rào cầu thủ Đan Mạch che chắn cho các bác sĩ cấp cứu là biểu tượng của sự dũng cảm, những trận cầu sòng phẳng trước các đối thủ không chỉ mạnh mà còn già rơ hơn (Bỉ và Anh) là định nghĩa cho cá tính không lùi bước, và những trận bùng nổ trước Nga hay Xứ Wales là hình ảnh của tập thể không chỉ có tinh thần.

Trước khi Euro 2020 khởi tranh, HLV Kasper Hjulmand nói với Berslingke về đội nhà: “Điều quan trọng là người Đan Mạch phải nhìn thấy mình trong đội bóng này. Nếu chúng ta muốn tìm ra lợi thế cạnh tranh trong vai trò một quốc gia nhỏ bé, chúng ta phải hiểu ta là ai”.

Giờ thì châu Âu và có lẽ là cả thế giới, đều đã biết Đan Mạch, dù họ thất bại ở bán kết. Chuyện cổ tích luôn có cái kết đẹp nhưng trong thực tế, đôi khi thất bại cũng mang vẻ đẹp của riêng nó.

Video Anh 2-1 Đan Mạch: Pha phạt đền gây tranh cãi Nỗ lực đột phá của Raheem Sterling giúp Harry Kane có quả phạt đền 11 m ấn định chiến thắng 2-1 cho tuyển Anh ở bán kết Euro 2020 vào rạng sáng 8/7 (giờ Hà Nội).

Việt Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-mach-thua-nghiet-nga-nhung-co-quyen-tu-hao-post1236066.html