Đàm Vĩnh Hưng dùng tiền từ thiện xây chùa có đúng luật?
Thông tin Đàm Vĩnh Hưng trích 140 triệu đồng tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung sau lũ lụt để tu sửa lại một ngôi chùa ở Nghệ An tạo nên ý kiến trái chiều...
Mới đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã thông báo việc dùng 140 triệu đồng từ khoản tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ để tu sửa chùa Xuân Long (Nghệ An). Theo nam ca sĩ, ngôi chùa này từng bị hư hỏng nặng trong trận lũ lụt năm 2020, nên anh và ê-kíp đã trích một phần tiền để sửa chữa.
Nhiều người bảy tỏ cảm kích trước những hoạt động thiện nguyện của nam ca sĩ. Theo đó, không ít người cho rằng: "Đây là một hành động kịp thời và đúng lúc nhằm khắc phục hậu quả sau lũ". Nhưng cũng có người cho rằng, anh đã không sử dụng đúng mục đích ban đầu. Nhiều người "ném đá" cho rằng, Mr. Đàm lạm quyền khi khán giả ủng hộ quyên góp cho người dân bị lũ lụt lại mang đi sửa chùa.
Trước những ý kiến trái chiều này, chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Đàm Vĩnh Hưng cho hay: "Hưng làm việc gì cũng phải có cái duyên. Nhiều người nói Hưng dùng tiền để xây chùa nhưng không phải, chùa Xuân Long (Nghệ An) bị hư hỏng nặng nên tôi có góp sức vào để sửa lại chùa thôi. Chùa này được xem là nhà của Phật, nhà của tăng ni. Và các tăng ni cũng là nhân dân miền Trung, nhân dân Việt Nam. Trong đợt lũ thì chùa này cũng đã bị hư hỏng rất nặng nên ngoài 15 ngôi nhà Hưng đang xây thì Hưng góp tiền tu sửa.
Tôi tin rằng người có tấm lòng từ tâm, từ bi và hiểu chuyện sẽ ủng hộ việc tôi sửa lại chùa. Việc này là việc tốt và nên làm. Hy vọng mọi người sẽ hiểu Hưng và không thắc mắc nữa".
Nói về việc làm của Đàm Vĩnh Hưng, nhà văn hóa Tiến Ngọc (viện Ngôn ngữ Việt Nam) cho hay: "Có lẽ thời gian qua, nhiều nghệ sĩ làm chưa đúng ở việc từ thiện nên khán giả thường có phản ứng với việc này. Tôi cho rằng, cái tâm của Đàm Vĩnh Hưng là có khi anh muốn khắc phục những đổ nát, hư hỏng của ngôi chùa sau cơn lũ.
Nhưng phải suy nghĩ kỹ xem, các mạnh thường quân ủng hộ người dân miền Trung để giúp những người bị nạn ngay trong cơn lũ hay khắc phục sau bão lũ? Đàm Vĩnh Hưng bị phản ứng vì chưa hỏi ý kiến của các mạnh thường quân, lẽ ra trước khi sửa chùa, anh nên hỏi ý kiến mọi người và nhận được sự đồng tình thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn.
Mặt khác, nhiều "anh hùng bán phím" hiện nay cũng ngông nghênh lắm, họ sẵn sàng chửi bới miệt thị những ai được cho là "chướng tai gai mắt" với họ. Điều này là sai, trước khi chỉ trích ai, cần phải tìm hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện thì nói ra mới có sự thuyết phục, mới có người nghe. Nếu Đàm Vĩnh Hưng chưa hỏi ý kiến mọi người mà tự ý sửa chùa thì cũng nên xin lỗi mạnh thường quân một câu. Mình làm vì cái tâm thì không sợ gì cả".
"Thực ra ai vị tha, rộng lòng thì thấy việc sửa ngôi chùa bị hư hại sau cơn lũ là chuyện bình thường, nhưng dường như khán giả hiện nay mắc căn bệnh "hoài nghi" với bất cứ nghệ sĩ nào làm từ thiện? Họ sẵn sàng mạt sát nghệ sĩ khi chưa tìm hiểu kỹ. Tôi không bênh ai nhưng nhìn vào thì việc tu sửa ngôi chùa do cơn lũ tàn phá là việc làm đúng mục đích. Có chăng thì anh Hưng nên hỏi ý kiến người ủng hộ số tiền ấy là được, vì mọi người đã rộng lòng đóng góp như vậy, thì việc tu sửa kia cũng không có gì là khó khăn cả..."- diễn viên Phương Lê nêu quan điểm.
Về khía cạnh pháp lý của việc dùng tiền từ thiện, luật sư Đoàn Văn Hòa (đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, việc sử dụng tiền ủng hộ từ thiện được quy định bởi Điều 10, Nghị định 64/2008/NĐ-CP về "Tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ cho các địa phương" và Điều 11 Nghị định 64/2008 về "Sử dụng nguồn đóng góp tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng" (được hướng dẫn bởi Điểm 6.3 Thông tư 72/2008/TT-BTC).
"Quá trình sử dụng tiền ủng hộ phải được công khai theo Điều 14 Nghị định 64/2008/NĐ-CP (Điều 9 Thông tư 72/2008/TT-BTC hướng dẫn). Tuy nhiên, các quy định này chưa quy định cụ thể việc người đứng ra quyên góp sử dụng chưa đúng, chưa chuẩn như mục đích ban đầu thì sẽ xử lý ra sao. Vì thế, trong những việc ồn ào gần đây, khán giả luôn có những ý kiến trái chiều. Hy vọng rằng, trong thời gian sắp tới, các quy định về việc đi từ thiện sẽ được hoàn chỉnh, đầy đủ hơn.
Ngoài ra còn có Thông tư 72/2008/TT-BTC của bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 64/2008/NĐ-CP đang điều chỉnh thực hiện việc từ thiện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3, các hành vi bị nghiêm cấm của Nghị định 64/2008 quy định hành vi Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp và hành vi Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi bị nghiêm cấm. Như vậy tiền quyên góp từ thiện phải được phân phối cho người dân cần giúp đỡ theo luật định", luật sư Hòa cho biết.