'Đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, tránh lãng phí khi đưa vào vận hành IOC Bình Thuận'
Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh tại buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông và Viễn thông Bình Thuận (VNPT) về kết quả xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận (IOC Bình Thuận) trước khi đưa vào vận hành thử nghiệm. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Thời gian vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông cùng VNPT Bình Thuận đã phối hợp triển khai các giải pháp để kết nối, liên thông, tích hợp dữ liệu cho IOC tỉnh. Đến nay, IOC tỉnh cơ bản hoàn thành và có thể đưa vào vận hành thí điểm. Theo đó, IOC tỉnh gồm 6 phân hệ: Kinh tế - xã hội; Y tế; Giáo dục; Hành chính công; Phản ánh hiện trường; Giám sát an ninh trên môi trường mạng.
Về tình hình thử nghiệm IOC Phan Thiết, trong thời gian vận hành thí điểm từ ngày 1/11/2022 đến ngày 30/4/2023, UBND thành phố Phan Thiết triển khai thí điểm nền tảng IOC Phan Thiết với 9 phân hệ. Kết quả chỉ có phân hệ Phản ánh hiện trường mang lại sự hài lòng cho người dân, các phân hệ còn lại chưa thể khai thác hết tất cả các lợi ích mà hệ thống mang lại.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận tập trung làm rõ các vấn đề như: Việc phối hợp để kết nối các nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh; tần suất công bố, cách thức tính các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh phải bảo đảm đúng quy định, tính chất pháp lý; việc tích hợp ứng dụng Phan Thiết S vào ứng dụng Công dân số Bình Thuận; đảm bảo số liệu tích hợp phải được đồng bộ, chính xác…
Sau khi nghe các kết quả và ý kiến đóng góp, thảo luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh khẳng định: Xây dựng IOC Bình Thuận là một trong những nhiệm vụ, nội dung trọng tâm trong Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2023 và là yêu cầu trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, nâng cao chất lượng sống của nhân dân theo hướng hiện đại, phù hợp theo xu thế chuyển đổi số hiện nay. Tuy nhiên, việc đưa vào vận hành thử nghiệm IOC Bình Thuận phải được thực hiện một cách thật thận trọng, từng bước. Đặc biệt phải đặt tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí lên hàng đầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Trong quá trình triển khai thực hiện vận hành thử nghiệm IOC Bình Thuận phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định, bài bản và được theo dõi thường xuyên nhằm đạt tính hiệu quả, hiện đại; đạt mục tiêu quản lý điều hành và phục vụ người dân được tốt nhất. Đồng thời đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phát huy hơn nữa trách nhiệm được giao để tham mưu kịp thời cho UBND các công việc liên quan như: Ban hành quy chế tạm thời về quản lý, vận hành IOC Bình Thuận trong thời gian thử nghiệm; quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin từ hệ thống phản ánh hiện trường…
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành, địa phương kết nối các nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh đang sử dụng để cung cấp, làm giàu dữ liệu cho IOC Bình Thuận theo hướng dữ liệu “đúng - đủ - sạch - sống”; theo dõi, đánh giá và báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm IOC Bình Thuận kịp thời. Tích hợp IOC Phan Thiết vào IOC tỉnh theo hướng tiếp tục thực hiện các phân hệ IOC Phan Thiết đang triển khai. Tích hợp ứng dụng Phan Thiết S vào ứng dụng Công dân số Bình Thuận để thống nhất sử dụng ứng dụng Công dân số Bình Thuận cung cấp các tiện ích cho người dân vừa là kênh giao tiếp giữa người dân và chính quyền trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, cần đi học tập kinh nghiệm để xây dựng dự thảo Đề án IOC Bình Thuận. Các sở, ngành và địa phương chủ động phối hợp, hỗ trợ VNPT, Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin, kết nối dữ liệu giữa các nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu do đơn vị quản lý, vận hành với IOC Bình Thuận. VNPT đảm bảo việc triển khai IOC Bình Thuận vào vận hành thử nghiệm theo các nội dung yêu cầu; chủ động phối hợp với các sở, ngành và địa phương để đảm bảo việc triển khai thí điểm đạt kết quả…