Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các gia đình

Thời gian gần đây, trên địa bàn toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân gây thiệt hại nghiêm trọng cả người và tài sản. Mặc dù tại tỉnh Sơn La chưa có vụ cháy nhà dân liên quan đến tính mạng, song thiệt hại nhiều về tài sản, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn vì lửa cháy thiêu rụi hết nhà cửa.

Công an phường Quyết Thắng, Thành phố, hướng dẫn nhân dân sử dụng bình chữa cháy.

Công an phường Quyết Thắng, Thành phố, hướng dẫn nhân dân sử dụng bình chữa cháy.

Điển hình như vụ cháy xảy ra đầu năm nay, ở bản Lâm, xã Chiềng San, huyện Mường La, đã thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà sàn bằng gỗ, ước thiệt hại khoảng 210 triệu đồng. Bàng hoàng nhớ lại sự việc, ông Lò Văn Tích, chủ nhà, cho biết: Căn nhà được làm bằng gỗ, nhiều chất dễ cháy để dưới gầm nhà sàn nên ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, bùng phát rất mạnh. Mặc dù gia đình cố gắng dập lửa, lực lượng phòng cháy và nhân dân trong bản đến hỗ trợ, nhưng cuối cùng nhà và tài sản bên trong cũng thành tro. Gia đình phải đi ở nhờ nhà người quen và vay mượn tiền làm lại nhà.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ cháy, trong đó có 13 vụ cháy nhà (11 nhà ở riêng lẻ, 2 cơ sở kinh doanh), may mắn không có thiệt hại về người, tổng số tiền thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng,

Thượng úy Thái Mạnh Hào, cán bộ Đội 2, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh, cho biết: Qua khảo sát trên địa bàn một số huyện, thành phố về PCCC, cho thấy còn nhiều gia đình lắp đặt hệ thống điện chưa đảm bảo, dễ gây chập cháy; nhiều hộ bố trí sử dụng bếp củi, bếp gas trên sàn nhà gần các vật liệu dễ cháy và không có biện pháp che chắn. Cùng với đó, nhiều hộ có tâm lý chủ quan, thiếu kiến thức, chưa nắm được các biện pháp, kỹ năng khi xảy ra sự cố cháy nhà.

Hằng năm, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua phương tiện truyền thông đại chúng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và được biên dịch sang tiếng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hướng dẫn, vận động các hộ dân làm bếp bằng tấm bê tông hoặc vật liệu không cháy; quản lý chặt chẽ các nguồn nhiệt, khi đun nấu xong phải dập hết tàn lửa; lắp đặt hệ thống điện đảm bảo an toàn.

Các thiết bị điện, dây dẫn điện không đặt trực tiếp lên các vật liệu dễ cháy; tuyệt đối không đóng dây dẫn trực tiếp vào cột, tường gỗ hoặc đi qua các vật liệu dễ cháy như đệm, quần áo, bạt chống nóng trên mái nhà. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm. Khu vực đun nấu tuyệt đối không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy, không để các chất dễ cháy như củi, rơm, xăng, dầu, gas ở gần nhà, dưới gầm sàn, trường hợp cần chỉ dự trữ với số lượng ít; mở lối thoát nạn, trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ (bình bột, bình khí), trang bị kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy để xử lý chữa cháy ban đầu ngay tại gia đình và khu dân cư.

Đại tá Nguyễn Khắc Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, cho biết: Hầu hết các vụ cháy nhà dân trên địa bàn tỉnh đều là nhà sàn nên việc chữa cháy hết sức khó khăn, do đa số các hộ ở các khu vực vùng sâu, vùng xa không có đường giao thông cho phương tiện chữa cháy tiếp cận. Đơn vị đang tiếp tục lồng ghép tuyên truyền cho các hộ dân kiến thức, kỹ năng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra tại gia đình, nhất là với hộ ở nhà sàn.

Hướng dẫn nhân dân phường Chiềng An, Thành phố, cách sử dụng thiết bị điện an toàn.

Hướng dẫn nhân dân phường Chiềng An, Thành phố, cách sử dụng thiết bị điện an toàn.

Hiện đang bước vào mùa hanh khô; đây là thời điểm rất dễ xảy ra cháy, nổ, nhất là tại các khu dân cư tập trung đông người, đặc biệt dịp cận Tết, mọi người đều bận rộn nên thường lơ là, mất cảnh giác. Hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại gây ra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo các hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ.

Người dân bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, bát hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Mỗi gia đình nên trang bị bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm, sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy, thoát hiểm được trang bị. Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/alo-114/dam-bao-an-toan-phong-chay-chua-chay-tai-cac-gia-dinh-G7kygJSHR.html