Đắk Lắk: Điểm sáng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động

Là địa phương trọng điểm phát triển của vùng Tây Nguyên, hiện tỉnh Đắk Lắk có tới trên 6.790 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, thu hút khoảng 108.650 lao động. Để đảm bảo thực thi có hiệu quả pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong những năm qua, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, các cơ quan chức năng của địa phương này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được đánh giá là địa phương 'điểm sáng' về công tác an toàn vệ sinh lao động trong khu vực.

An toàn lao động gắn với sự phát triển của doanh nghiệp

Nói về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn, bà Vũ Thị Mỹ Phượng - Phó trưởng Phòng Việc làm - An toàn Lao động, Sở LĐ – TBXH tỉnh Đắk Lắk, cho biết, tỉnh chủ trương gắn công tác phát triển doanh nghiệp với công tác ATVSLĐ nhằm tạo nên sự bền vững và kích thích sự gắn bó, cống hiến của người lao động cho doanh nghiệp.

Công tác ATVSLĐ được các cơ quan hữu quan quan tâm, chỉ đạo thực hiện ở không chỉ các tổ chức, doanh nghiệp lớn mà còn đến tận các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ

Công tác ATVSLĐ được các cơ quan hữu quan quan tâm, chỉ đạo thực hiện ở không chỉ các tổ chức, doanh nghiệp lớn mà còn đến tận các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ

“Khi người lao động luôn có cảm giác an toàn, được chăm lo tốt thì họ sẽ xem doanh nghiệp như chính ngôi nhà thứ hai của mình vậy” – Bà Phượng nói và cho biết, với quan điểm đó, trong những năm qua, Ngành LĐ-TB&XH Đắk Lắk luôn xác định việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động là “chìa khóa” trong thực hiện công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy, nổ (PCCN).

Cụ thể, hằng năm, Ban Chỉ đạo về ATVSLĐ của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền một cách sâu rộng hoạt động của các tổ chức, đơn vị về phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ - PCCN.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành cùng các địa phương nhằm đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động – việc làm, ATVSLĐ, và bảo hiểm xã hội; hướng dẫn Tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ; hướng dẫn cấp huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người bị tai nạn lao động trong Tháng hành động ATVSLĐ ….

Sở cũng đã tổ chức in sao đĩa CD tuyên truyền về công tác ATVSLĐ cấp cho các huyện, thị xã, thành phố để phát rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của địa phương. Trên các trục đường chính các huyện, thị xã, thành phố và trụ sở làm việc của các sở, ngành, doanh nghiệp đều treo băng rôn, áp phíc, khẩu hiệu tuyên truyền.

Ngành cũng đã triển khai nhiều hoạt động cùng với nhiều cách làm phong phú, như: tổ chức phát động thực hiện tại từng khu vực ( các cụm doanh nghiệp có đông lao động, các khu công nghiệp tập trung, các huyện trọng điểm), tổ chức tổng kết công tác BHLĐ hàng năm ở cấp tỉnh, tuyên truyền tin, bài, chuyên mục trên Đài phát Thanh – Truyền hình Đắk Lắk, Báo Đắk Lắk, báo và Tạp chí Lao động và Xã hội của ngành,…từ đó đã làm cho người sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân cư trong xã hội có một cách nhìn mới về công tác ATVSLĐ – PCCN trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm

Công tác kiểm tra (định kỳ và đột xuất) cũng được các cơ quan chức năng địa phương thường xuyên tại các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm đôn đốc, chấn chỉnh và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các nội quy, quy định về ATVSLĐ- PCCN.

Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cũng tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - PCCN.

Nhờ đó, các tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động về ATLĐ, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định, có biện pháp xử lý nghiêm đối với người lao động vi phạm qui định về ATVSLĐ. Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã được hướng dẫn xây dựng và niêm yết các quy trình vận hành an toàn trên từng máy, thiết bị, vật tư, hóa chất có nguy cơ gây cháy nổ, mất ATVSLĐ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ còn nhiều hạn chế, khó khăn, như: Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 899/QĐ – TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 20/11/2017, Trung ương chưa phân bổ kinh phí về cho địa phương nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện, có nhiều hoạt động đã xây dựng kế hoạch nhưng chưa có kinh phí để thực hiện. Mặt khác, hiện nay Bộ Tài chính chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện kinh phí thuộc Chương trình theo Quyết định số 899/QĐ – TTg nêu trên.

Việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm, chú ý đến công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp của tỉnh chưa nghiêm. Nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định có tính chất đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước; TNLĐ-BNN còn xảy ra; công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động của các doanh nghiệp còn thấp so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn.

Do đó, trong thơi gian tới, Ngành LĐ-TB-XH tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016- 2020, như: nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ; tuyên truyền, giáo dục phổ biến, huấn luyện tư vấn và hỗ trợ về ATVSLĐ, nâng cao chất lượng và phòng ngừa TNLĐ_BNN trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và ngành nghề nông thôn, các mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ…Thực hiện việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động; Giảm tần suất lao động xuống dưới 5%.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dak-lak-diem-sang-trong-cong-tac-an-toan-ve-sinh-lao-dong-126207.html