Đắk Lắk đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp

Theo Đề án phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn đến năm 2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phấn đấu doanh thu trong lĩnh vực này đạt khoảng 412 tỉ đồng.

Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, vừa qua UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định triển khai Kế hoạch triển khai đề án phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 (Đề án).

Theo Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biêt, Đề án được ban hành với mục đích đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện đồng bộ có tính khả thi và hiệu quả trong thực tế góp phần khai thác, phát triển các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp đặc trưng phục vụ du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương.

Khách du lịch trải nghiệm hái cà phê tại Đắk Lắk.

Đề án nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương trên địa bàn tỉnh; Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp góp phần nâng cao các tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk; Gắn chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn; Phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch của tỉnh, đáp ứng nhu cầu du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng và trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp của khách du lịch. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, mục tiêu của Đề án là khai thác, phát triển các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp đặc trưng phục vụ du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương; phát triển du lịch nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn.

Đồng thời, xây dựng các chương trình du lịch mới gắn với lĩnh vực nông nghiệp tạo thành các tour, tuyến, điểm du lịch để khách du lịch được khám phá, trải nghiệm tại địa phương.

Trong giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Đắk Lắk Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 – 2025 là lựa chọn hỗ trợ 15 cơ sở hiện có, đang hoạt động trong loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để các cơ sở duy trì hoạt động và nâng cao hiệu quả thu hút khách du lịch. Phát triển thêm mới 30 - 35 cơ sở tham gia vào du lịch sinh thái nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.Tập trung xây dựng 10 mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn gắn với tiêu thụ các sản phẩm OCOP; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, hình thành, kết nối mở rộng bán các nhóm sản phẩm giữa nội vùng, liên vùng và xuất khẩu.

Theo đó, Đề án nhằm thu hút tổng lượt khách du lịch nông nghiệp dự kiến đến năm 2025 trên địa bàn là 404.000 lượt khách (trong đó khách nội địa là 398.000 lượt khách, khách quốc tế là 6.000 lượt khách), tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân hàng năm là 41,69%/năm; Tỷ lệ lượt khách tham quan du lịch nông nghiệp/tổng lượt khách du lịch tỉnh đạt 32,45%.

Theo đề án, đến năm 2025, doanh thu lĩnh vực du lịch nông nghiệp đạt 412 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 34,77% doanh thu từ du lịch của tỉnh; Tạo việc làm cho khoảng 1.200 lao động.

Nhiều khách du lịch hứng thú với trải nghiệm du lịch nông nghiệp

Trong giai đoạn 2026 – 2035, Đề án hướng tới hình thành 30 mô hình vườn mẫu nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu tại các xã gắn với du lịch; Xây dựng 20 mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn gắn với tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Việc đề án đi vào thực tế sẽ thu hút tổng lượt khách du lịch nông nghiệp dự kiến đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 698.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân hàng năm là 11,56%/năm; Tỷ lệ lượt khách tham quan du lịch nông nghiệp/tổng lượt khách du lịch tỉnh đạt 35,79%; Tổng doanh thu lĩnh vực du lịch nông nghiệp đạt 750 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 40,54% doanh thu từ du lịch của tỉnh; Tạo việc làm cho khoảng 1.560 lao động năm 2030.

Được biết, trong những năm vừa qua, trên địa bàn Đắk Lắk xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đặc trưng có giá trị kinh tế cao, nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp. Có thể kể đến những mô hình nông nghiệp tiêu biểu ở TP. Buôn Ma Thuột như: làng nai Cư Êbur (với quy mô hơn 2.100 con); làng thỏ Ea Tu; cà phê chồn Kiên Cường; Câu lạc bộ cá lăng Hòa Phú; Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông, xã Ea Kao; làng hoa cây kiểng Hòa Phú; trang trại giống hoa phong lan Hòa Khánh; … Hoặc các trang trại cà phê, sầu riêng, vải thiều ở các huyện Cư Mgar, Krông Pắk, Ea Kar…

Nhờ những sáng tạo trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp này, hiện du lịch Đắk Lắk đã thu hút được một lượng lớn người dân và du khách đến tham quan. Ngoài việc tìm hiểu về quy trình, kỹ thuật sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nhiều du khách đã mua các sản phẩm từ các mô hình kinh tế nông nghiệp này về sử dụng và làm quà tặng.

Thư Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/dak-lak-day-manh-phat-trien-du-lich-sinh-thai-nong-nghiep-67291.html