Đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu đánh bại quân Thanh: Vũ khí bất ngờ, cách đánh táo bạo thần tốc
Đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 đánh bại 29 vạn quân Thanh cho thấy, quân dân Đại Việt thời vua Quang Trung đã sử dụng vũ khí bất ngờ, cách đánh táo bạo thần tốc, chọc thẳng tiêu diệt sở chỉ huy đầu não địch.
Thượng tướng, viện sĩ, tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu cùng kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh - chuyên gia kỹ thuật Tập đoàn hàng không vũ trụ Nga Almaz Antey đưa ra những nghiên cứu mới về nghệ thuật quân sự.
Đó là kỹ thuật vũ khí trong chiến thắng vĩ đại của quân dân Đại Việt đánh bại 29 vạn quân Thanh - đội quân xâm lược nhà nghề đã chinh phục hàng chục nước lân bang và mở rộng lạnh thổ Trung Quốc gấp đôi. Nhờ đại thắng này mà đất nước chúng ta có hình hài như ngày nay.
Quân địch rất mạnh, được trang bị tốt nhất thời đó. Tướng giặc toàn là những tướng lĩnh giỏi nhất của nhà Thanh, đã chinh chiến khắp nơi, đánh đâu thắng đó.
Quân Thanh là đội quân có kỷ luật, có kinh nghiệm chiếm đấu, quen đi chinh phục và chiến thắng các nước lân bang. Trang bị của địch thì như lời khẳng định của chủ tướng giặc Tôn Sĩ Nghị trong chính sử là có súng, có đại bác hơn hẳn quân ta.
Chính nhờ đội quân nhà nghề này mà ngày nay nhìn vào bản đồ Trung Quốc rồi so sánh với bản đồ thời nhà Thanh, chúng ta dễ dàng thấy hàng chục đất nước hùng mạnh thời đó hiện nay là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định,vua Quang Trung không chỉ là thiên tài quân sự lỗi lạc mà còn là nhà khoa học quân sự với những phát minh đầu tiên về vũ khí phốt pho.
Về quân, trải qua hàng trăm năm nội chiến liên miên, đất nước chia làm nhiều phần thì đội quân của hoàng đế Quang Trung đúng như trong sử sách nói chưa chắc đã đủ năm vạn. Ra đến Nghệ An huy động thêm 5 vạn quân mới nữa, như vậy thì chưa đủ đến 10 vạn.
Dưới sự chỉ huy của vị hoàng đế đánh đâu thắng đó, cùng với quyết tâm giữ nước của người dân Đại Việt nên dù giặc đã rất mạnh, chúng ta đã mạnh hơn và cuối cùng, chúng ta đã tiêu diệt hàng chục vạn quân chỉ trong vài ngày. Xác quân địch chất thành 12 gò đống mà trong lịch sử loài người chưa từng có điều tương tự.
Ngoài các nghiên cứu đã có trước đây, trong bài viết này đề cập đến những phát hiện mới trong nghệ thuật quân sự và đặc biệt là trình độ công nghệ chế tạo vũ khí của quân dân Đại Việt thời vua Quang Trung.
“Quân Thanh không bị bất ngờ trước việc quân Đại Việt tấn công vào những ngày Tết. Bất ngờ sao được khi vua Quang Trung ra Nghệ An tuyển quân, huấn luyện rầm rộ. Sau đó, ông tổ chức hội thề cho ăn Tết sớm với các tuyên bố đanh thép trước ba quân như "hãy xem ta giết vài ba vạn quân trong một trận, chuyện đó không phải lạ đâu", hẹn với ba quân là sẽ ăn Tết tại Thăng Long. Tức là vua đã tuyên bố rõ ràng sẽ tiêu diệt đội quân đông mạnh đó chỉ trong có vài ngày.
Theo sử sách ghi chép lại rõ ràng, quân Thanh không hề nghỉ ngơi ăn chơi trong những ngày Tết mà phải tập trung xây dựng hàng loạt đồn bốt mới tạo thành hệ thống phòng thủ liên hoàn dày đặc của địch. Chủ tướng giặc Tôn Sĩ Nghị hàng ngày thư từ với hoàng đế nhà Thanh, có nghĩa là vua Thanh trực tiếp chỉ huy.
Điều này chứng minh quân Thanh không hề chủ quan mà có lẽ đã biết được về sức mạnh của quân Đại Việt nên đã chuyển từ tấn công chuyển sang phòng ngự. Quân giặc biết quân ta chuẩn bị tấn công nhưng không dám đánh ta mà phải chuẩn bị đồn bốt để phòng ngự trước rồi phản công sau.
“Nhưng chúng ta đã thắng và tất nhiên phải có yếu tố bất ngờ ở đây. Đó là quân giặc hoàn toàn bất ngờ với cách đánh sáng tạo, giặc không hề tính đến của thiên tài quân sự hoàng đế Quang Trung với cách đánh táo bạo, thần tốc, bất ngờ chọc thẳng tiêu diệt sở chỉ huy đầu não địch”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói.
Quân Thanh nghĩ rằng quân Đại Việt sẽ đánh dần từ Nam ra Bắc, sẽ phải tiêu diệt hàng loạt đồn lũy kiên cố của giặc rồi mới đến sở chỉ huy đầu não của Tôn Sĩ Nghị đặt tại Thăng Long. Nhưng thiên tài hoàng đế Quang Trung đã có cách đánh hoàn toàn khác biệt, ngoài sự tính toán kỹ lưỡng của giặc.
Hoàng đế chia quân làm 5 đạo, tuy hoàng đế chỉ huy đội quân chính nhưng chủ yếu là quân mới tuyển, trình độ chiến đấu không cao, không được trang bị tốt. Còn bốn đạo quân kia gọn nhỏ được trang bị tốt và thọc thẳng tới Thăng Long và điểm huyệt thẳng vào đầu não quân quân địch. Để bốn đạo quân kia chiến thắng được đội quân mạnh nhất của giặc ở Thăng Long thì chắc chắn 4 đội quân đó rất mạnh, phải áp đảo hoàn toàn và nhanh chóng quân địch.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại trận chiến tiêu diệt sở chỉ huy trung tâm thiết giáp của địch, bắn cháy 16 xe tăng hiện đại nhất thế giới và tiêu diệt hoàn toàn sở chỉ huy của địch trong kháng chiến chống Mỹ. Ông khẳng định trận chiến này có cảm hứng từ cách đánh của hoàng đế Quang Trung.
Thượng tướng khi đó là đại đội trưởng đã vòng qua các cụm phòng ngự vòng ngoài và đánh thẳng vào đầu não của quân địch. Nhưng để đánh được vào đầu não của quân địch và diệt cùng lúc hàng loạt xe tăng như vậy, thượng tướng thời đó phải có ba loại vũ khí chống tăng đặc biệt, bảo đảm ưu thế tuyệt đối với vũ khí của quân thù chứ không phải chỉ có vũ khí thông thường cùng tinh thần quyết chiến như có người lầm tưởng.
“Nếu không có ba loại vũ khí uy lực hơn hẳn quân địch thời đó thì không đời nào tôi lại lên kế hoạch đánh thẳng vào đầu não rất mạnh của kẻ thù với sự tập trung hàng loạt xe tăng. Nếu không có sức mạnh của vũ khí đặc biệt đó thì không bao giờ chúng tôi chiến thắng được mà chắc chắn sẽ là bia cho súng của quân thù”, ông Hiệu khẳng định.
Tất nhiên, hoàng đế Quang Trung phải có vũ khí đặc biệt tuyệt đối áp đảo quân thù thì mới có kế hoạch tổ chức những cánh quân nhỏ gọn; đánh một phát tiêu diệt tất cả quân thù mạnh nhất đang đóng tại Thăng Long khi đó chỉ trong một đêm.
Nếu chúng ta nhớ lại thời Lê Lợi quân ta bao vây thành Đông Quan (tức Thăng Long ngày đó) hàng tháng mà còn không hạ được quân địch cố thủ trong thành. Thứ vũ khí đặc biệt mà theo chính sử nhà Thanh thừa nhận "gươm giáo thành vô dụng", theo nghiên cứu của kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh chính là vũ khí phốt pho. Quân đội Đại Việt của hoàng đế Quang Trung với vũ khí phốt pho có thể chiến thắng tất cả mọi quân đội trên thế giới khi ấy chứ không chỉ quân Thanh, nếu quân địch trong tầm bắn của vũ khí phốt pho.
Vũ khí phốt pho khi cháy có nhiệt độ tới 2000 độ, thiêu cháy quân thù. Nguy hiểm hơn, phốt pho ngay lập tức vô hiệu hóa đường thở, gây ra sự thiếu hụt ô xy, gây ra cái chết tức thì. Lượng ô xy xuống thấp đã đủ khiến tai biến mạch máu não lập tức, quân địch mất sức chiến đấu.
Tất cả các hiện tượng đó đều được sử sách nhà Thanh ghi lại rõ ràng "nhanh như chớp, nóng như thò tay vào vạc dầu". Vết bỏng phốt pho rất đặc trưng, y hệt như thò tay vào vạc dầu. Quân Thanh khi đó còn tập trung trong đồn lũy thì hiệu ứng thiếu ô xy gây ra chết ngạt hoặc tai biến mạch máu não mất sức chiến đấu còn nhanh hơn nhiều.
Ngày nay, chúng ta có thế thấy hiện tượng này ở các đám cháy chung cư mini khi đa số người chết là do ngạt khói. Hiện tượng ngộ độc khói phốt pho và tai biến mất sức chiến đấu chúng ta thấy rõ khi hàng vạn quân Thanh chạy trốn khỏi đồn Ngọc Hồi khi bị quân ta "hỏa tiến, hỏa châu bắn tới tấp" vào đồn khiến quân giặc nằm trong biển lửa.
Ô xy xuống thấp và ngạt khói độc phốt pho, giặc phải bỏ đồn chạy ra ngoài đồng thời hoàn toàn mất khả năng chiến đấu. Quân ta xông lên chém chết hết đến nỗi máu giặc chảy ngập mắt cá chân. Vũ khí phốt pho chính là vũ khí bất ngờ mà cho đến mãi về sau này nhà Thanh còn không hiểu rõ hiệu ứng nguy hiểm thiếu oxy của loại vũ khí này.
Như vậy, những vần thơ xưa:
" Thần tốc quân hùng lao thẳng tới
như quân trời xuống khó ai đương
một trận lửa rồng tan nát giặc
thành bỏ cướp đò trốn tìm đường "
đã mô tả chính xác bão lửa từ vũ khí phốt pho khủng khiếp mạnh mẽ như lửa từ rồng phun ra thiêu cháy sở chỉ huy đầu não của địch. Khiến địch chết cháy, chết ngạt, chết vì tai biến chôn thành đống trong 12 gò.
Bão lửa khủng khiếp đó đã khiến quân địch chỉ vài nghìn người trốn thoát, "hàng trăm dặm không một bóng người "ở vùng biên giới vì sợ đám lửa từ phun ra đó. Khiến vua Thanh run sợ bỏ tục cống người vàng, cắt đất Lưỡng Quảng và gả công chúa cho vua Quang Trung.
Quân dân Đại Việt thời vua Quang Trung đã sử dụng vũ khí bất ngờ là hỏa cầu đại thắng quân Thanh.
Ngày nay, tại bảo tàng của vua Quang Trung, chúng ta còn bằng chứng là hỏa cầu nghĩa quân Quang Trung với thành rất dày chứng minh rõ ràng cấu trúc của hỏa cầu phốt pho không phải giết người vì mảnh hỏa cầu mà là phốt pho được nhồi vào bên trong. Để vận chuyển phốt pho thì phải nhúng phốt pho trong nước và đó là hình ảnh phổ biến khi đoàn quân của vua Quang Trung cứ hai người khiêng một thuyền, trong đó có chứa phốt pho để trong nước.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ, ngay cả ngày nay công nghiệp quốc phòng của chúng ta cần có cảm hứng từ thời vua Quang Trung với vũ khí phốt pho, chúng tôi tiêu diệt xe tăng địch bằng vũ khí chống tăng đặc biệt sản xuất tại Liên Xô trong khi quân đội Đại Việt thời Quang Trung sử dụng hoàn toàn vũ khí "made in Vietnam".
Tất nhiên, ngoài vũ khí hỏa cầu phốt pho, quân đội Đại Việt còn có hỏa hổ chính là cải tiến của pháo hoa có từ nghìn năm. Pháo hoa đặc biệt đó (đạn trong hỏa hổ) nổ hai lần, lần thứ nhất tống đầu pháo hoa đặc biệt được làm từ nhựa cây trộn phốt pho bay xa ra khỏi ống và lần hai cái đầu đó nổ hoặc va đập vào đâu đó, tung nhựa cây trộn phốt pho ra.
Phốt pho tự cháy, mồi nhựa cây cháy gây ra đám cháy mãnh liệt. Hỏa hổ cũng góp lửa vào đám cháy như lửa từ rồng phun ra thiêu cháy toàn bộ quân thù.
Kỹ sư Thanh khẳng định, anh đã lý giải được vì sao vua Quang Trung có ý định đánh nhà Thanh, vì vua có nguồn vũ khí phốt pho khổng lồ đó là ngoài các hang dơi trên đất liền, vua có nguồn phốt pho vô tận là các đảo phân chim trên biển như Hoàng Sa, Trường Sa. Với nguồn phốt pho đó, vua Quang Trung có đủ vũ khí phốt pho để chiến thắng hoàn toàn nhà Thanh nếu quân Thanh lọt vào tầm bắn của vũ khí phốt pho Đại Việt.
Còn việc chế tạo phốt pho, đây là một bí quyết rất ít người biết nhưng chính thức thì ai cũng đọc được. Người được thế giới công nhận phát hiện ra phốt pho đầu tiên năm 1669 là ngài Hennig Brand chưng cất phốt pho từ nước tiểu người. Cùng quy trình đó, dùng phân chim và phân dơi, đất thấm đẫm nước tiểu chim, dơi với hàm lượng phốt pho gấp hàng nghìn lần trong nước tiểu người thì ngay lập tức có rất nhiều phốt pho.
Không loại trừ là vua Quang Trung có được công nghệ chế tạo phốt pho gần với ngày nay vì nhiệt độ nung cũng không cao và nguyên liệu sẵn có là phân chim trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vua Quang Trung là nhà hóa học với trình độ hơn xa nhiều người ngày nay.
Vua biết được điều mà nhiều người ngày nay không biết, đó là khi phốt pho ẩm có hiện tượng phát sáng mà không tỏa nhiệt. Hiện tượng cháy sáng thứ hai của phốt pho là tự cháy trong không khí và tỏa ra nhiệt độ cao đến 1000 độ.
Chính biết hiện tượng phốt pho phát sáng khi ẩm không tỏa nhiệt nên vua đã bôi phốt pho vào mắt, nhờ nước mắt phốt pho ở dạng ẩm sẽ phát sáng không nhiệt khiến mắt phát sáng trong đêm. Vua có tặng La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cây gậy phát sáng trong đêm nữa chứng minh trình độ hiểu biết về phốt pho của vua rất cao.
Tất nhiên ba anh em Tây Sơn, các thân tín của vua Quang Trung không biết về tác hại khi làm việc lâu dài với phốt pho. Đó là hiện tượng mạch máu bị tắc, tủy sống không sinh hồng cầu, bôi vào mắt làm mắt bị mù, hoại sương hàm và đó là hiện tượng mà sử xưa mô tả là" huyễn vận".
Vua, các anh em của vua, các thân tín của vua bị cùng căn bệnh nêu trên trong thời gian cuối đời và chết ở cùng một thời điểm. Đó cũng là bằng chứng về việc sử dụng phốt pho của vua Quang Trung.
Nhà Nguyễn chắc chắn phải bái lạy người Pháp vì ngoài việc cung cấp các vũ khí có tầm bắn xa hơn vũ khí phốt pho của quân Tây Sơn còn tư vấn cho quân nhà Nguyễn luôn luôn tránh xa tầm bắn của vũ khí phốt pho quân Tây Sơn; dãn cách ở không gian rộng tránh hiện tượng thiếu ô xy. Chúng ta thấy được điều này khi nhà Nguyễn mang quân Xiêm về xâm lược nước ta và trong các cuộc đối đầu sau đó với quân Tây Sơn.
Thượng tướng, viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu khẳng định, vua Quang Trung không chỉ là thiên tài quân sự lỗi lạc mà còn là nhà khoa học quân sự với những phát minh đầu tiên về vũ khí phốt pho. Nhờ đó chúng ta có được đất nước như ngày hôm nay.