Đại tá Hồ Trọng Tuấn: Chiến sĩ, nhạc sĩ quân đội tâm huyết với đề tài về Bác Hồ

Mảng đề tài chủ yếu trong những sáng tác âm nhạc của thầy Hồ Trọng Tuấn là về đất nước, quân đội và Bác Hồ.

Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn – Phụ trách Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Được biết, Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn sinh năm 1973, quê ở tỉnh Nghệ An. Gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng ngay từ nhỏ, Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn đã bộc lộ và thể hiện năng khiếu âm nhạc qua những bài hát thiếu nhi được mẹ dạy.

Chiến sĩ, nhạc sĩ quân đội tâm huyết với đề tài về Bác Hồ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cơ duyên gắn bó với âm nhạc và Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn chia sẻ: “Năm 1985, tôi 13 tuổi, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (khi đó là Trường Nghệ thuật Quân đội) tổ chức tuyển sinh ở Quân khu 5, tôi đăng ký dự thi năng khiếu với ý nghĩ “thử sức”.

Khi biết tin trúng tuyển, tôi khá bất ngờ. Được sự động viên của gia đình, người thân, tôi quyết tâm từ quê ra Hà Nội để vào trường học tập trung. Đi học xa gia đình từ năm 13 tuổi nên những ngày đầu tôi cảm thấy rất nhớ nhà, nhất là lúc bản thân ốm đau. Nhưng đổi lại, tôi có được tình đồng chí, đồng đội đẹp và vững bền”.

Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn – Phụ trách Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. (Ảnh: Ngọc Mai)

Tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn được học chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ Violon và Organ trình độ trung cấp; chuyên ngành Sáng tác và đạo diễn trình độ cao đẳng, đại học. Sau đó, Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn tốt nghiệp cao học ngành Quản lý văn hóa tại Học viện Quản lý Giáo dục.

Trong quá trình học tập và công tác tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn từng đảm nhiệm các vị trí như trợ giảng, giảng viên, trợ lý biểu diễn, trưởng ban biểu diễn; phó giám đốc, giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Thực hành (trực thuộc trường); phó hiệu trưởng và hiện Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn được giao nhiệm vụ Phụ trách Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Xuất phát từ tình yêu quê hương, trong quá trình học tập và công tác, chất liệu âm nhạc dân gian ảnh hưởng nhiều đến những sáng tác âm nhạc của người nhạc sĩ mang quân hàm. Bên cạnh một số sáng tác âm nhạc “đầu tay” mang phong cách nhạc nhẹ được nhiều khán giả yêu mến như: Sao anh sao em”, “Muốn nói với em”,... những bài hát được sáng tác từ chất liệu dân gian như: “Mẹ Âu Cơ”, “Bờm” “Gọi Trăng”... của nhạc sĩ cũng được công chúng ghi nhận và lan tỏa trong đời sống âm nhạc.

Mảng đề tài chủ yếu trong những sáng tác âm nhạc của thầy Hồ Trọng Tuấn là về đất nước, quân đội và Bác Hồ. Thông qua những tác phẩm này, nhạc sĩ mong muốn lan tỏa tinh thần của một thế hệ luôn phấn đấu để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Với những sáng tác âm nhạc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh, nhiều người cho rằng chỉ là những tác phẩm viết về hình tượng Bác Hồ ở góc độ là một tấm gương sáng. Tuy nhiên, trên thực tế, các tác phẩm âm nhạc thể hiện được tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn là viết về phong trào, những tấm gương điển hình trong cuộc vận động làm theo Bác”

_Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn chia sẻ_

Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn cũng cho rằng, sáng tác nhạc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là mảng nội dung cần phải làm, nhằm cổ vũ, động viên, tuyên truyền và giáo dục thế hệ thanh niên về lòng yêu nước, đạo đức trong sáng, tinh thần đoàn kết, giữ gìn hòa bình, chung tay xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập dân tộc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn có nhiều tác phẩm âm nhạc viết về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và được nhận giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương như: “Quê chung”, “Đất thiêng”,... trong đó, nhạc sĩ tâm đắc nhất với sáng tác “Đi theo tiếng gọi Bác Hồ”, được lấy cảm hứng từ ý thơ của nhà thơ Tố Hữu. Tác phẩm âm nhạc này đã thể hiện được hình tượng Bác Hồ nơi núi rừng Việt Bắc, mang thông điệp cả dân tộc đi theo tiếng gọi của Bác để giành độc lập.

Đặc biệt hơn, chia sẻ thêm về tác phẩm "Đi theo tiếng gọi Bác Hồ", nhạc sĩ cho hay: “Ban đầu, tôi viết bài hát này để phục vụ cho đoàn nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đi biểu diễn. Ít lâu sau, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức xét "Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí" về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", tôi gửi tác phẩm "Đi theo tiếng gọi Bác Hồ" để dự thi. Ngày biết kết quả, tôi khá bất ngờ vì bài hát đạt giải và được lan tỏa rộng rãi, nhiều công chúng yêu mến".

Đại tá Hồ Trọng Tuấn cho rằng, việc đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào trong sáng tác âm nhạc có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, đối với viết về tấm gương Bác Hồ, nhạc sĩ phải thể hiện được hình tượng Bác mang trong mình tình cảm của một người con đất Việt, toát lên tư tưởng của người lãnh tụ truyền lại cho thế hệ sau về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, lối sống giản dị, đạo đức trong sáng, đức tính cần kiệm liêm chính. Còn với những tác phẩm viết về làm theo Bác, cần phản ánh được những tấm gương điển hình, hành động điển hình trong học tập và làm theo Bác để cổ vũ, động viên thế hệ thanh niên ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cũng theo nhạc sĩ, để viết tác phẩm âm nhạc thể hiện được tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc chọn đề tài, tứ văn học (tứ thơ) có ý nghĩa quan trọng. Đồng thời, cần lựa chọn ngôn ngữ âm nhạc phù hợp như: đưa âm hưởng dân ca vào tác phẩm nhằm tạo sự gần gũi với công chúng. Hoặc, những sáng tác âm nhạc về Bác có thể sử dụng âm hưởng trang trọng nhằm tôn vinh lãnh tụ; hay âm hưởng mạnh mẽ, trẻ trung để hướng đến thế hệ thanh niên làm theo lời Bác.

"Thông qua âm nhạc, những nội dung về động viên, cổ vũ tinh thần học tập và làm theo Bác đều được truyền tải một cách sinh động, khán giả dễ cảm nhận và noi gương", Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn nhận định.

Cần quảng bá tác phẩm âm nhạc về học tập và làm theo Bác đến khán giả trẻ

Bên cạnh những thuận lợi, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn cũng chỉ ra một số khó khăn trong quá trình sáng tạo âm nhạc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cụ thể, khó khăn nhất đối với nhạc sĩ là đề tài viết về Bác đều đã và đang có những “dấu chân” của nhạc sĩ đi trước.

“Hiện có nhiều bài hát viết về Bác rất hay và ý nghĩa nên nhạc sĩ phải khai thác hướng mới. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào trình độ, khả năng và vốn sống, vốn văn học của mỗi nhạc sĩ mới có thể sáng tạo được.

Hai yếu tố cốt lõi để hình thành một bài hát hay là tứ văn học và chủ đề âm nhạc. Trong đó, để có được tứ văn học, nhạc sĩ phải tích lũy, trau dồi vốn sống, phải đọc và nghiên cứu văn chương trong cả một quá trình. Còn về chủ đề âm nhạc, nhạc sĩ phải biết cách lựa chọn chủ đề sao cho phù hợp với tứ văn học”, Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn chia sẻ.

Đối với nhạc sĩ trẻ, theo Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, hàng năm, trại sáng tác âm nhạc toàn quân do nhà trường tổ chức thu hút được nhiều nhạc sĩ trẻ tham gia, tích cực thâm nhập đến đơn vị cơ sở trong toàn quân để tìm hiểu, phát hiện những tấm gương tiêu biểu về thi đua học tập và làm theo Bác, từ đó phản ánh qua sáng tác âm nhạc. Trong khuôn khổ của trại sáng tác, nhà trường cũng tổ chức hội thảo nhằm trao đổi chuyên môn nghề nghiệp, giúp các nhạc sĩ trẻ hiểu thêm về cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua trại sáng tác toàn quân được tổ chức hàng năm, các nhạc sĩ trẻ sẽ cho ra đời những ca khúc hay về Bác hoặc làm theo Bác.

Tuy nhiên, hạn chế của nhiều nhạc sĩ trẻ là tứ văn học trong sáng tác âm nhạc về học tập và làm theo Bác chưa cao. Điều này là do vốn văn học của những nhạc sĩ này chưa thật sự phong phú.

Thêm nữa, một số tác phẩm âm nhạc viết về học tập và làm theo Bác, nhất là những tác phẩm mới ra đời chưa được các phương tiện truyền thông đẩy mạnh quảng bá, chủ yếu vẫn là chính tác giả tự giới thiệu đến công chúng. Do đó, Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn mong muốn, các cơ quan chủ quản cần phải tạo cơ hội hơn nữa cho nhạc sĩ trong hoạt động sáng tác âm nhạc, hỗ trợ quảng bá các tác phẩm âm nhạc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Về phía nhà trường, Đại tá, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn cho biết tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông số để các tác phẩm âm nhạc đề tài về Bác và làm theo Bác được lan tỏa rộng rãi, từ đó khơi dậy tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhiều hơn trong thế hệ trẻ

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dai-ta-ho-trong-tuan-chien-si-nhac-si-quan-doi-tam-huyet-voi-de-tai-ve-bac-ho-post242803.gd