Đại sứ Mỹ: Philippines - Mỹ có thể tuần tra chung ở Biển Đông vào cuối năm
Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez nói các cuộc tuần tra chung giữa Philippines và Mỹ ở Biển Đông có thể bắt đầu vào cuối năm nay.
Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết hai bên đang thực hiện các cuộc thảo luận về hoạt động tuần tra chung trên biển giữa lực lượng hải quân hai nước.
"Dự kiến vào quý 3 năm nay, hoạt động tuần tra chung sẽ diễn ra", Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez nói, cho biết Australia cũng có thể tham gia vào hoạt động tuần tra hàng hải.
Trong khi đó, đề cập đến thời gian của các cuộc tuần tra chung, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Manila, Kanishka Gangopadhya, cho biết: "Các cuộc đàm phán của chúng tôi về hoạt động tuần tra hàng hải chung với Philippines đang tiếp tục và các nhà hoạch định quân sự hai nước đang nỗ lực giải quyết vấn đề về hậu cần".
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng 2 thông báo rằng ông và người đồng cấp Philippines Carlito Galvez đã đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông.
Hoạt động tuần tra chung giữa lực lượng hải quân Mỹ và Philippines đình chỉ sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào tháng 2/2016.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Galvez hôm 8/5 nói rằng, nước này không thực hiện cuộc thảo luận chính thức về các cuộc tuần tra chung với Mỹ và Australia.
Mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ đang được hồi sinh dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Tuần trước, ông Ferdinand Marcos Jr có cuộc gặp Tổng thống Joe Biden trong chuyến thăm 4 ngày tới Washington.
Trong chuyến thăm, Lầu Năm Góc đưa ra các hướng dẫn chi tiết, thể hiện cam kết của Washington trong hiệp ước phòng thủ Mỹ - Philippines. Văn bản hướng dẫn này nhằm cụ thể hóa hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines được ký vào năm 1951. Theo đó, hiệp ước này sẽ được kích hoạt nếu một trong hai bên bị tấn công trên Biển Đông hoặc nếu các tàu tuần duyên bị tấn công.