Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 thành công tốt đẹp
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp. TPHCM đã mang đến cho đại biểu quốc tế một hình ảnh mở cửa, hội nhập, đón nhận nhiều giá trị văn hóa, trong đó có giá trị văn hóa Phật giáo.
Sau nhiều ngày tổ chức, ngày 8-5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam TPHCM (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM), Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” đã chính thức bế mạc.
Thành công trên nhiều phương diện
Theo báo cáo tổng kết, Đại lễ Vesak 2025 không chỉ là một đại lễ tôn giáo quốc tế mà còn trở thành dịp để khẳng định các giá trị nhân văn, hòa bình và hội nhập quốc tế mà dân tộc Việt Nam đang theo đuổi.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình gặp gỡ đại biểu tại lễ bế mạc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phần trọng tâm đầu tiên của sự kiện là phương diện tâm linh. Sự kiện mở đầu bằng lễ cung thỉnh và tôn trí xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bảo vật quốc gia của Ấn Độ, thu hút hàng triệu lượt Phật tử và người dân cả nước tham gia chiêm bái. Cùng với đó là cung thỉnh xá lợi trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức, quốc bảo của Việt Nam, biểu tượng của lòng vị tha và tinh thần từ bi, để công chúng chiêm bái.

Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng; Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải cùng Chư tôn đức thực hiện nghi lễ cung đón xá lợi Đức Phật. Ảnh: THÀNH TRUNG
Đại lễ được tổ chức với nhiều hoạt động quy mô lớn và giàu ý nghĩa với các hoạt động như thượng đại kỳ Phật giáo rộng 500m² cùng 108 quốc kỳ các nước; lễ hoa đăng với 37.000 đóa sen rực sáng, thể hiện khát vọng hòa bình, cầu nguyện cho thế giới an lành và tưởng niệm hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh cho độc lập và thống nhất đất nước; triển lãm và trưng bày 87 bảo vật quốc gia, cùng các tác phẩm nghệ thuật kiến trúc Phật giáo; các đêm giao lưu nghệ thuật quốc tế…
Trên phương diện học thuật, hội thảo quốc tế Vesak 2025 quy tụ hơn 1.200 đại biểu, học giả, trí thức Phật giáo đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội thảo được tổ chức thành 5 tiểu ban chuyên đề tiếng Anh và 5 chuyên đề tiếng Việt, xoay quanh các nội dung: hòa bình bền vững, đạo đức toàn cầu, giáo dục từ bi, trị liệu bằng chánh niệm, bình đẳng giới, hợp tác và hành động Phật giáo vì nhân loại.

Quang cảnh phiên toàn thể của Hội thảo quốc tế sáng 7-5 tại Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025. Ảnh: THÀNH TRỌNG
Phương diện cầu nguyện hòa bình thế giới được thể hiện thông qua hai buổi lễ trọng thể và xúc động. Buổi lễ đầu tiên tổ chức tối 6-5 tại chùa Thanh Tâm (Bình Chánh, TPHCM) với sự tham dự của hơn 1.300 đại biểu quốc tế, 1.000 tăng ni Việt Nam, 4.000 sinh viên và 10.000 Phật tử. Buổi lễ thứ hai tổ chức chiều ngày 8-5 tại Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) mang thông điệp gửi gắm ước nguyện về một thế giới hòa hợp, bao dung, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.
Công tác tổ chức được chuẩn bị chu đáo
Theo Ban tổ chức, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra thành công tốt đẹp. Ban tổ chức trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của UBND TPHCM, các sở, ngành thành phố, đội ngũ phóng viên báo chí trong những ngày diễn ra đại lễ. Cùng với đó là sự nhiệt tình, tích cực của đội ngũ tình nguyện viên - những người đã không quản ngại thời tiết nắng nóng, đường xa để đến phục vụ cho đại lễ được diễn ra thuận lợi.

Đồng chí Dương Ngọc Hải phát biểu tại buổi họp báo
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại TPHCM, Việt Nam là sự kiện hết sức quan trọng, không chỉ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà còn của TPHCM.
TPHCM tập trung hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam duy tu, sửa chữa các tuyến đường, phân luồng giao thông hợp lý với số lượng Phật tử, các đoàn khách quốc tế, các tổ chức Phật giáo quốc tế đến TPHCM. Nhờ đó, không có tình trạng ùn ứ giao thông, đảm bảo cho khách đến với đại lễ được đúng giờ.

Đại biểu dự lễ bế mạc vào sáng 8-5. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đồng chí Dương Ngọc Hải, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp. TPHCM đã mang đến cho đại biểu quốc tế một hình ảnh mở cửa, hội nhập, đón nhận nhiều giá trị văn hóa, trong đó có giá trị văn hóa Phật giáo - được thể hiện qua việc tổ chức Đại lễ Vesak 2025 với đông đảo người dân tham dự.
Công bố “Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh”
Tại lễ bế mạc, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, công bố “Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo đó, tại Vesak 2025, lãnh đạo và đại diện Phật giáo toàn cầu đưa ra hồi đáp của Phật giáo đối với các thách thức cấp bách của thế giới, dựa trên các nguyên tắc bất bạo động, bao dung vì nhân phẩm con người.
Tuyên bố bao gồm 6 Điều. Đó là: cam kết “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm”; khẳng định các giá trị của “Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới” và “Tha thứ, chữa lành bằng chánh niệm và hòa giải”; nhấn mạnh “Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người”; kêu gọi đưa “Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững” và cuối cùng là kêu gọi “Thúc đẩy đoàn kết, nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu”.
Lãnh đạo và đại diện Phật giáo toàn cầu cũng kêu gọi:
• Tất cả các quốc gia ưu tiên các chính sách hòa bình, phát triển bền vững về môi trường và công bằng kinh tế, thay vì chạy đua quân sự và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức.
• Các tổ chức toàn cầu áp dụng các nguyên lý đạo đức Phật giáo trong quản trị, ngoại giao và phát triển bền vững.
• Các tổ chức quốc tế công nhận trí tuệ Phật giáo như nguồn tài nguyên thiết yếu trong giải quyết xung đột và đạo đức toàn cầu.
• Cộng đồng Phật giáo quốc tế tham gia trong các nỗ lực hợp tác nhằm định hình lãnh đạo đạo đức, công bằng kinh tế và chữa lành môi trường.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-le-vesak-lien-hop-quoc-2025-thanh-cong-tot-dep-post794284.html