Đại biểu Quốc hội: Tránh quy hoạch đô thị chỉ để bán đất thu tiền
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn phải tạo ra được những khu đô thị phát triển bền vững, tránh chỉ giải quyết được mục tiêu trước mắt là bán đất đô thị thu tiền.
Cần quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông TOD
Sáng nay (28/6), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Phát biểu trong phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đặt yêu cầu, Luật phải tạo ra được những khu đô thị phát triển bền vững.
"Một phương án quy hoạch chỉ phát triển bền vững khi việc triển khai thực hiện tạo ra được cái giá trị gia tăng trong tương lai", đại biểu Cường nhấn mạnh.
Thực tế, nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư thực hiện các phương án quy hoạch với kỳ vọng hưởng lợi từ giá trị gia tăng trong tương lai. Các giá trị gia tăng cũng là cơ sở tạo sức hút, kéo người dân đến sinh sống, tạo thêm các việc làm, tạo ra dịch vụ tại chỗ. Những điều này là cơ sở tạo nên một khu vực ngày càng phát triển và phát triển một cách bền vững.
Tuy nhiên, đại biểu Cường nói, có rất nhiều khu đô thị được quy hoạch tràn lan nhà thấp tầng, diện tích hàng trăm hecta, nhưng quy mô dân số rất nhỏ, không đủ quy mô thị trường để phát triển các dịch vụ.
"Không có dịch vụ thì người dân không đến sống. Các nhà đầu tư sẽ không đầu tư dài hạn vào đấy. Như vậy, quy hoạch này chỉ giải quyết được mục tiêu trước mắt là bán đất đô thị thu tiền và sau đấy thì không phát triển được", ông Cường nói.
Trên cơ sở các phân tích này, ông Hoàng Văn Cường đề nghị phải luật hóa các phương án quy hoạch đô thị dựa trên cơ sở đánh giá, so sánh chi phí trước mắt, lợi ích trong tương lai của phương án, đặc biệt là so sánh giữa chi phí, lợi ích trong việc sử dụng đất.
Ông đề nghị phải quy định cụ thể các nội dung quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông TOD, cụ thể kế hoạch thu hút các nhà đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng, tránh tình trạng như hiện nay là các dự án đô thị được đầu tư trước, sau đó tạo ra những bức bách hạ tầng buộc Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư.
"Trường hợp này, Nhà nước vừa khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, vừa mất tiền đầu tư mà người hưởng lợi lại là chủ đầu tư dự án", đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu.
Khách quan, minh bạch trong thẩm định, phê duyệt quy hoạch
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Đại biểu cho biết, khoản 2 Điều 10 quy định về nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm có ba nguồn là nguồn kinh phí chi đầu tư công. Đó là từ ngân sách nhà nước, kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước và kinh phí do tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.
Trong khi đó, tại điểm d khoản 4 của Điều này lại quy định, kinh phí của tổ chức đã được lựa chọn làm chủ đầu tư được sử dụng để lập quy hoạch đối với khu vực giao đầu tư. Như vậy, nguồn kinh phí này không nằm trong ba nguồn kinh phí đã được quy định tại khoản 2.
Do đó, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định tại khoản 2 về kinh phí của nhà đầu tư để tổ chức lập quy hoạch trong phạm vi đã được giao làm chủ đầu tư dự án.
Liên quan tới đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị và nông thôn quy định tại Điều 37, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng nếu đã lấy ý kiến ở mức thẩm định nhiệm vụ, thẩm định quy hoạch thì sẽ không lấy ý kiến ở mức tổ chức lập quy hoạch.
Việc này nhằm giảm bớt thủ tục, đẩy nhanh tiến độ trong công tác lập quy hoạch. Đồng thời lược bỏ quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đô thị và nông thôn.
Đại biểu cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định lại theo hướng người đứng đầu cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn cấp tỉnh, cấp huyện được ủy quyền là Chủ tịch Hội đồng thẩm định cung cấp để đảm bảo tính khách quan, công tâm, minh bạch trong thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.