Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Ngày 10-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham gia đóng góp nhiều ý kiến.

Tại phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Viễn thông, các nội dung của dự thảo luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án luật đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Đóng góp ý kiến vào nội dung dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Sơn góp ý, tại khoản 3, khoản 6 Điều 3 quy định chưa rõ nghĩa, có sự trùng lặp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, biên tập lại hai khoản này.

Tại điểm d khoản 2 Điều 18 nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường và khoản 3 Điều 58 căn cứ xác định giá cước viễn thông, sử dụng khái niệm “không bù chéo dịch vụ viễn thông”, khái niệm này cũng được sử dụng tại Luật Viễn thông hiện hành, tuy nhiên, chưa được giải thích rõ ràng, cụ thể. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 3, giải thích từ ngữ để bảo đảm rõ ràng, thực hiện thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Tại Điều 5 đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin, khoản 6 Điều 5 quy định “Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp điểm truy nhập mạng viễn thông và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết khác để cơ quan đó thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo đảm an ninh thông tin”. Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, việc quy định như dự thảo luật sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp viễn thông khi không xác định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trong điều kiện, hoàn cảnh nào để rõ ràng quá trình minh bạch trong thực hiện, đồng thời bảo đảm thống nhất.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định tương tự như tại khoản 5, cụ thể như sau: "Trong trường hợp bạo động, bạo loạn, sử dụng dịch vụ viễn thông xâm phạm an ninh quốc gia, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tại Điều 9 các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định hành vi bị cấm đối với “Cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới cho người dùng Việt Nam” mà chưa được phép (quy định tại Điều 24 cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam) vào Điều 9 dự thảo luật.

Tại Điều 13 quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, tại khoản 1, khoản 3 Điều 13 quy định về quyền của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng. Theo đó, cả 2 khoản này đều có các điểm quy định về quyền cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê cơ sở hạ tầng và tham gia thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Tuy nhiên, điểm d khoản 3 lại quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có các quyền quy định tại khoản 1.

Theo đại biểu, việc quy định như dự thảo luật có thể gây mâu thuẫn hoặc trùng lặp, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, thiết kế lại, bảo đảm rõ ràng, thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Cũng góp ý cho dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, tại khoản 1 Điều 6: Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, phạm vi của bên chịu trách nhiệm là quá rộng.

Doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát trực tiếp nội dung phải có trách nhiệm đảm bảo các công cụ và dịch vụ phù hợp do doanh nghiệp viễn thông và các bên khác cung cấp được sử dụng để bảo vệ bí mật nhà nước.

Các doanh nghiệp viễn thông và các bên khác có thể không có khả năng biết hoặc phát hiện liệu thông tin được truyền hoặc lưu trữ bằng dịch vụ của họ có thuộc bí mật nhà nước hay không.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định tổ chức, cá nhân được giao lưu giữ tài liệu bí mật nhà nước khi tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm này.

Bên cạnh đó, về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường xuất hiện tại Điều 18 và Điều 26 nhưng chưa có trong giải thích từ ngữ.

Luật Cạnh tranh 2018 quy định rõ doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Có phạm vi điều chỉnh nếu có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền để bán dưới giá thành loại bỏ đối thủ cạnh tranh, áp đặt giá bán gây thiệt hại cho khách hàng, Do đó, Ban soạn thảo cần làm rõ vấn đề này và bổ sung vào Điều 9. Các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông.

Tại Điều 22 cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, dịch vụ OTT về bản chất là dịch vụ sử dụng Internet để cung cấp các phần mềm ứng dụng. Về cơ bản, các dịch vụ OTT (Over-the-Top) có thể được chia thành 2 loại chính, gồm: Dịch vụ OTT viễn thông và dịch vụ OTT cung cấp nội dung thông tin. Người dùng dịch vụ có thể tự do sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng hoặc tùy ý thay đổi nhà cung cấp dịch vụ và không mất bất kỳ chi phí nào.

Ngoài chức năng gọi điện thoại, nhắn tin, dịch vụ OTT còn có các chức năng khác như họp trực tuyến, xem phim, truyền hình… và không thu phí. Các đặc điểm này dẫn đến việc sử dụng dịch vụ OTT phát triển rất nhanh chóng, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các dịch vụ tin nhắn và thoại truyền thống của các doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia bao gồm cả thị trường Việt Nam. Quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đang được đẩy mạnh.

Đại biểu tán thành việc có thu cước phải tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông, quản lý giá cước dịch vụ viễn thông theo quy định của luật này như thế người dùng mới sử dụng dịch vụ có chất lượng và giá cả hợp lý.

Tại Điều 33 Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, theo Luật Viễn thông năm 2009, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (Điều 22). Về nguyên tắc, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích có nguồn thu từ các khoản đóng góp theo tỷ lệ doanh thu dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại quốc tế.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 thì mức đóng góp là 1,5% doanh thu các dịch vụ viễn thông; theo Quyết định số 868/QĐ-TTg ngày 16-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ thì mức đóng góp (từ tháng 7-2018) chỉ còn 0,7% doanh thu các dịch vụ viễn thông. Từ năm 2022, mức đóng góp của doanh nghiệp viễn thông là 1,5% doanh thu dịch vụ viễn thông nhưng thời gian đóng do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định dựa trên cơ sở cân đối thu chi của Quỹ (theo Quyết định 2269/QĐ-TTg ngày 31-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025).

Theo Báo cáo số 5137/BTTTT-KHTC ngày 16-12-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam giai đoạn 2016 - 2022 thì tổng thu: 8.182,3 tỷ đồng, tổng chi: 2.755,3 tỷ đồng (33,67%), còn 5.427 tỷ đồng (66,33%).

Đây là điều còn có nhiều ý kiến trái chiều có nên giữ hay bỏ quỹ này. Theo đại biểu Nguyễn Văn Dương nên giữ quỹ tuy nhiên cần làm rõ việc triển khai hoạt động của quỹ, mục tiêu hỗ trợ của quỹ, các quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng.

MINH TRÍ - THU HOÀI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202306/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-gop-y-du-an-luat-vien-thong-sua-doi-981562/