Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân
Chiều 8/5, thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, các đại biểu đồng tình, thống nhất cao với dự thảo Luật, vì nội dung đã bám sát các các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đối với nội dung dự thảo Luật này, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tiến hành khảo sát và lấy ý kiến tại địa phương.
Chiều 8/5, thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, các đại biểu đồng tình, thống nhất cao với dự thảo Luật, vì nội dung đã bám sát các các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đối với nội dung dự thảo Luật này, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tiến hành khảo sát và lấy ý kiến tại địa phương.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.
Góp ý vào nội dung cụ thể, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho rằng, việc dự thảo Luật đề xuất tăng số lượng kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ 19 lên 27 người tại khoản 27, Điều 1 là phù hợp với công việc trong giai đoạn hiện nay.
"Theo quy định về chức năng, nhiệm vụ ngày càng tăng, việc tăng số lượng kiểm sát viên sẽ bảo đảm yêu cầu công việc và phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện cũng đang đề xuất là 27 người. Bởi, nếu Tòa án nhân dân tối cao được tăng thêm số lượng 27 thành viên Hội đồng Thẩm phán thì kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng cần tăng thêm tương ứng để đáp ứng yêu cầu công việc” - đại biểu Ngọc lý giải.
Về ngạch, thi kiểm sát viên và xét nâng ngạch kiểm sát viên, tại khoản 19, Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng đổi tên ngạch "kiểm sát viên sơ cấp” thành "kiểm sát viên” và "kiểm sát viên trung cấp” thành "kiểm sát viên chính” để phù hợp với hệ thống ngạch công chức nhà nước nói chung. Đồng thời, sửa đổi quy định về thi từ ngạch công chức vào ngạch kiểm sát viên và xét nâng ngạch kiểm sát viên chính, kiểm sát viên trung cấp. Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, điều này hoàn toàn phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn thời gian qua trong ngành Viện kiểm sát nhân dân và tương đồng với hệ thống Tòa án nhân dân.
Về chuyển đổi giữa kiểm sát viên các ngạch và điều tra viên các ngạch trong Viện Kiểm sát nhân dân, Viện Kiểm sát quân sự, trong dự thảo Luật đã bổ sung quy định nội dung về việc chuyển đổi giữa kiểm sát viên các ngạch và điều tra viên giữa các ngạch trong Viện kiểm sát nhân dân. Viện kiểm sát quân sự do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quyết định. "Điều này hoàn toàn phù hợp, vì đây 2 chức danh tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân. Việc bổ nhiệm các chức danh này phải đáp ứng các quy định của pháp luật và việc sửa đổi quy định này bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong việc điều động, sắp xếp cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân” - đại biểu Ngọc khẳng định.
Theo dự thảo Luật, trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân sẽ tổ chức Viện kiểm sát nhân dân khu vực và thực hành quyền công tố, quyền kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ. Qua khảo sát thực tế tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình được biết, sau khi kết thúc hoạt động của Công an cấp huyện, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện các văn bản hướng dẫn của ngành về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Đại biểu nêu rõ: Trong thực tế, bên cạnh một số Viện kiểm sát nhân dân có điều kiện về mặt địa lý, đơn vị gần trụ cơ quan điều tra của Công an, Công an xã sẽ thuận tiện hơn trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ, một số đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hiện nay và tới đây sẽ là cấp khu vực có khoảng cách địa lý xa hơn, nhất là ở các tỉnh khu vực miền núi thì việc trao đổi, phối hợp chuyên môn, đặc biệt là công tác nắm, phân loại nguồn tin về tội phạm nói chung và các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nói riêng chưa thật sự chủ động, rõ ràng và đạt hiệu quả.
Mặt khác, các hoạt động tiền tố tụng như phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, phê chuẩn gia hạn tạm giữ gặp nhiều khó khăn do yêu cầu về thời gian, thời hạn của hoạt động này cũng như khoảng cách địa lý, đi lại khó khăn, dẫn đến tính cấp thiết, khẩn trương của hoạt động tố tụng chưa được đảm bảo. Do đó, đại biểu đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ban soạn thảo quy định bố trí tổ chức bộ máy cũng như các quy định chuyển tiếp sau này giữa các cơ quan tố tụng bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, hiệu quả.
Bùi Hiển
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hòa Bình