Đại biểu Quốc hội lo ngại dữ liệu cá nhân có nguy cơ bị mua bán 'chui' trên thị trường ngầm

Chiều 12/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Đại biểu (ĐB) Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam), Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, một Nghị quyết mang tính đột phá tạo xung lực mới cho phát triển quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm, trong phát biểu chỉ đạo, khẳng định: phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số “là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển”.

Ông Khải nhấn mạnh, Nghị quyết 57 yêu cầu đổi mới tư duy pháp luật, “loại bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm’”, đồng thời nhấn mạnh phải khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, coi dữ liệu là “nguồn tài nguyên mới là tư liệu sản xuất mới” trong nền kinh tế số. Tổng Bí thư cũng chỉ đạo Nhà nước ưu tiên “hoàn thiện thể chế” và “đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu, bảo mật chủ quyền quốc gia”. Những định hướng chiến lược đó đòi hỏi chúng ta phải thể chế hóa đầy đủ thành luật.

Đại biểu Trần Văn Khải phát biểu (Ảnh: Minh Nam)

Đại biểu Trần Văn Khải phát biểu (Ảnh: Minh Nam)

Cho rằng hiện nay, dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trình Quốc hội bước đầu thiết lập khung pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nam đánh giá, một nội dung cốt lõi mà Nghị quyết 57 đề ra – yêu cầu “đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính” để phát triển kinh tế dữ liệu lại chưa được thể chế hóa đầy đủ trong dự thảo luật.

Theo đó, dự thảo hiện nay thiên về bảo vệ dữ liệu, nhưng chưa chú trọng cơ chế phát huy giá trị dữ liệu. Tại khoản 5 Điều 7 dự thảo cấm tuyệt đối “mua, bán dữ liệu cá nhân”. Quy định này bảo vệ quyền riêng tư, nhưng thiếu linh hoạt để khuyến khích khai thác, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển. Chủ trương của Đảng “loại bỏ tư duy không quản được thì cấm” đòi hỏi thay vì cấm tuyệt đối, phải có phương thức quản lý cho phép chia sẻ, thương mại hóa dữ liệu dưới sự kiểm soát hợp lý.

“Nếu luật không mở đường cho khai thác dữ liệu an toàn, chúng ta khó xây dựng được thị trường dữ liệu lành mạnh. Dữ liệu cá nhân có nguy cơ vẫn bị mua bán “chui” trên thị trường ngầm, Nhà nước không tận dụng được tài nguyên số này”, ông Khải lo ngại.

Cũng theo ông Khải, dự thảo luật còn thiếu quy định cụ thể để thể chế hóa kinh tế dữ liệu theo tinh thần Nghị quyết 57. Nếu không bổ sung kịp thời nội dung trên, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Thứ nhất, quá trình chuyển đổi số quốc gia có nguy cơ chậm lại, tụt hậu. Thứ hai, không có cơ chế cho kinh tế dữ liệu, thị trường dữ liệu minh bạch không hình thành; dữ liệu tiếp tục bị mua bán trái phép, xâm phạm quyền riêng tư của người dân, doanh nghiệp thiếu dữ liệu để đổi mới. Thứ ba, luật pháp xa rời chủ trương của Đảng sẽ khiến suy giảm niềm tin của Nhân dân vào chính sách và vào vai trò giám sát của Quốc hội.

Từ đó ông Khải đề xuất, sửa đổi khoản 5 Điều 7 (Hành vi bị nghiêm cấm) thay quy định cấm tuyệt đối “mua, bán dữ liệu cá nhân” bằng cấm mua bán dữ liệu khi không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trái pháp luật. Đồng thời bổ sung chủ thể dữ liệu tự nguyện chia sẻ dữ liệu của mình để nhận lợi ích sẽ không bị xem là vi phạm nếu tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu.

Cùng với đó, bổ sung một điều trong Chương IV (Sử dụng dữ liệu cá nhân) quy định, Nhà nước khuyến khích chia sẻ, sử dụng dữ liệu đã được ẩn danh hoặc tổng hợp phục vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ. Qua đó hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở giữa nhà nước và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế dữ liệu phát triển, bảo đảm không xâm phạm đời tư cá nhân.

Những đề xuất trên theo ông Khải nhằm bảo đảm Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa nghiêm minh, bảo vệ quyền riêng tư, vừa tạo hành lang thông thoáng để dữ liệu trở thành động lực phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quốc hội với vai trò giám sát tối cao và phản biện chính sách phải bảo đảm các đạo luật khi ban hành đều cụ thể hóa kịp thời chủ trương của Đảng.

Ông Khải nêu rõ: “Chúng ta không thể để bất kỳ chủ trương đúng đắn nào của Đảng chỉ nằm trên giấy. Nghị quyết 57 đã mở ra thời cơ. Trách nhiệm của chúng ta là biến những định hướng ấy thành luật pháp một cách hiệu quả, đưa đất nước tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường chuyển đổi số”.

ĐB Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ là một yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, mà còn là một đòi hỏi tất yếu về chính trị và pháp lý nhằm thiết lập một hành lang đủ mạnh để bảo vệ quyền công dân, bảo đảm chủ quyền số quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong thời đại số.

Đại biểu Lê Thu Hà phát biểu (Ảnh: Minh Nam)

Đại biểu Lê Thu Hà phát biểu (Ảnh: Minh Nam)

Trong khi đó, ĐB Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) nêu rõ, quyền cần đi kèm với nghĩa vụ và giới hạn, để không gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp đang xử lý dữ liệu hợp pháp. Do đó, cần bổ sung trách nhiệm của chủ thể dữ liệu khi thực hiện quyền, tránh yêu cầu trùng lặp, thiếu căn cứ hoặc gây cản trở; cho phép bên thu thập được từ chối yêu cầu thiếu cơ sở, trùng lặp hoặc trái pháp luật chuyên ngành.

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho biết, hiện nay nhiều đối tượng vào các trang mạng xã hội của các cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong cộng đồng xã hội để lấy thông tin, khai thác các dữ liệu cá nhân mà chủ thể đã đăng rồi biên tập, cắt ghép. Sau đó các đối tượng này lại đăng tải trên mạng xã hội của mình nhằm tăng lượt xem, tương tác, bình luận gây hậu quả nghiêm trọng cho chủ thể dữ liệu.
Bà Xuân kiến nghị, bổ sung hành vi thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu gây hậu quả nghiêm trọng vào hành vi nghiêm cấm, qua đó tội phạm hóa với hành vi này.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lo-ngai-du-lieu-ca-nhan-co-nguy-co-bi-mua-ban-chui-tren-thi-truong-ngam-10305649.html