Đại biểu Quốc hội: Khu đô thị quy hoạch tràn lan rồi không có dân ở
Quy hoạch này chỉ giải quyết một mục tiêu trước mắt là bán đất đô thị, thu tiền và sau đấy thì không phát triển được - Đại biểu Hoàng Văn Cường - ĐBQH TP Hà Nội nhận định.
Ngày 28/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Dự thảo Luật quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn có 9 điểm mới, trong đó có 3 điểm mới nổi bật gồm: 1. Định vị rõ vị trí Quy hoạch đô thị và nông thôn trong hệ thống quy hoạch hiện hành; 2. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; 3. Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong công tác quy hoạch… Bên cạnh đó, Dự luật cũng bổ sung quy định rõ về quy hoạch không gian ngầm; chặt chẽ hơn về điều kiện điều chỉnh quy hoạch; đảm bảo nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Bổ sung các quy định về điều kiện, năng lực của tổ chức tư vấn quy hoạch; Quy định trách nhiệm của chính phủ; Tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy hoạch.
Quy hoạch chỉ để… bán đất thu tiền
Đại biểu Hoàng Văn Cường - ĐBQH TP Hà Nội đặt câu hỏi, làm thế nào để việc quy hoạch sẽ tạo ra được một đô thị phát triển bền vững? Đại biểu dẫn chứng tình trạng hiện nay rất nhiều những khu đô thị quy hoạch tràn lan với nhà thấp tầng, hàng trăm hecta nhưng quy mô dân số rất nhỏ, không đủ thị trường để phát triển các dịch vụ, không có dịch vụ thì người dân không muốn đến sống.
"Quy hoạch này chỉ giải quyết một mục tiêu trước mắt là bán đất đô thị, thu tiền và sau đấy thì không phát triển được" - đại biểu nhận định.
Do đó, đại biểu cho rằng, một phương án quy hoạch chỉ phát triển bền vững khi tạo ra được giá trị gia tăng trong tương lai. Đại biểu đề nghị phải luật hóa các phương án quy hoạch đô thị, dựa trên cơ sở đánh giá, so sánh được chi phí trước mắt và lợi ích trong tương lai của phương án, đặc biệt là so sánh giữa chi phí lợi ích trong việc sử dụng đất.
Về nội dung quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán), đại biểu cho rằng, phải cân nhắc theo hướng để quy hoạch sẽ thu hút các nhà đầu tư tạo nguồn lực phát triển hạ tầng, được hưởng lợi từ đô thị sau khi hạ tầng được đầu tư, tránh tình trạng như hiện nay là các dự án đô thị sẽ đầu tư trước, sau đó tạo ra những bức bách, Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng và khi đấy Nhà nước lại vừa khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, vừa mất tiền đầu tư mà người hưởng lợi lại chỉ là các chủ đầu tư dự án.
Cần có cơ chế đặc thù cho nhà ở xã hội
Góp ý dự án Luật, tại Điều 15 về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - ĐBQH tỉnh Bình Dương kiến nghị bổ sung nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn để phù hợp với pháp luật hiện hành.
Tại Điều 46 về các loại điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn và nguyên tắc điều chỉnh, đại biểu kiến nghị, bổ sung nội dung đối với nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ được ưu đãi về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị cân nhắc đối với nhà ở xã hội. Đây loại hình được ưu đãi về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất theo Luật Nhà ở. Do đó, cần bổ sung quy định ngoại lệ trong điều chỉnh quy hoạch với loại hình này tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.