Đại biểu dân cử phải nói được tiếng nói của cử tri

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, tiếng nói của các đại biểu dân cử ở TPHCM rất quan trọng. Do đó, các cử tri là doanh nghiệp đã gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng cho các đại biểu dân cử lần này.

Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026, TP.HCM sẽ bầu 30 đại biểu Quốc hội và 95 đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đại biểu dân cử cần luôn sâu sát, lắng nghe

Nhiều doanh nghiệp ở thành phố mong muốn các đại biểu dân cử đắc cử đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội sắp tới sẽ dành nhiều thời gian đóng góp công sức, trí tuệ để có thêm những quyết sách đúng đắn, đưa thành phố phát triển nhanh hơn nữa. Các quyết sách đó sẽ tạo cơ chế thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cho rằng các đại biểu dân cử nên sâu sát, lắng nghe doanh nghiệp để có những giải pháp căn cơ, chiến lược, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển hơn nữa. Riêng với doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm - một trong các ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM, bà Lý Thị Kim Chi mong muốn các đại biểu dân cử thúc đẩy chính sách liên kết vùng để giúp nông dân tránh tình trạng được mùa mất giá và tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM.

“Xây dựng liên kết vùng, xây dựng kho trữ theo tiêu chuẩn quốc gia để phát huy hết được tác dụng của các sản phẩm của ngành nông nghiệp. Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các đại biểu quốc hội để đưa các doanh nghiệp của ngành lương thực, thực phẩm tiến lên vượt bằng với các nước trong khu vực”, bà Lý Thị Kim Chi cho hay.

Quan tâm các chính sách an sinh, xã hội dành cho người lao động cũng là kỳ vọng của cử tri đối với các đại biểu dân cử. Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đức Minh Sài Gòn, cần hỗ trợ thêm về y tế, giáo dục cho con em công nhân lao động, để họ yên tâm gắn bó với công việc hơn. Đồng thời luôn sâu sát, lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh những bất cập trong quá trình thực thi các chủ trương, chính sách.

“Chúng tôi muốn rằng các vị đại biểu dân cử phải nói được tiếng nói của doanh nghiệp. Trong thực tế có khi chính sách không phải thỏa mãn hết tất cả các thành phần của doanh nghiệp, cái gì vướng mắc thì các đại biểu dân cử nhanh chóng đề đạt giải quyết những vướng mắc đó càng sớm càng tốt”.

Đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử

Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn nhiệm kỳ tới này, các cơ quan dân cử ở địa phương và Trung ương có sự đổi mới hơn nữa trong hoạt động. Thời gian qua, có một số đại biểu dân cử thể hiện rất tốt vai trò của mình, nhưng cũng có những đại biểu hoạt động của họ rất mờ nhạt, cả nhiệm kỳ không phát biểu hay có ý kiến gì. Những đại biểu này "đến hẹn lại lên" chỉ tiếp xúc cử tri theo lịch định kỳ là xong.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, đại biểu dân cử cần đề ra chương trình hành động cụ thể, đi sâu sát, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Qua đó lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, kịp thời có kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là theo dõi, đeo bám vấn đề, giải quyết đến nơi đến chốn. Muốn vậy, cơ chế hoạt động của cơ quan dân biểu phải đổi mới hơn nữa để đại biểu dân cử thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; phải có sự liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với người dân, doanh nghiệp.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM.

Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, mỗi đại biểu dân cử nên có địa chỉ cụ thể để người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp, mà không bắt buộc phải gửi đến Hội đồng nhân dân hay Đoàn đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên để làm được điều này phải có cơ chế thuận lợi cho đại biểu dân cử.

“Chúng ta phải có cơ chế khi các đại biểu dân cử này yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước trả lời thì các đơn vị này phải có trách nhiệm giải trình cho chính đại biểu đó, chứ không phải giải trình cho Hội đồng nhân dân, Quốc hội, Ban dân nguyện... Từng đại biểu dân cử có quyền yêu cầu giải trình, nếu làm được điều này, chúng ta sẽ phát huy dân chủ rất tốt”.

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, nhất là trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, về vốn, kinh nghiệm quản trị… Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp khi trúng cử vào nhiệm kỳ tới sẽ tích cực tham gia xây dựng các dự án luật, tạo nhiều thuận lợi, cơ hội giúp cho cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh, ngày càng phát triển và bứt phá vươn lên./.

Lệ Hằng/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dai-bieu-dan-cu-phai-noi-duoc-tieng-noi-cua-cu-tri-858834.vov