Đà Nẵng nghiên cứu dịch vụ du thuyền, đặt mục tiêu doanh thu chục nghìn tỷ
Giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến 2045 tại Đà Nẵng có 19 dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền...
Chiều 3/3, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Đề án phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền.
Theo Viện chiến lược và phát triển GTVT (đơn vị tư vấn), giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến 2045 tại Đà Nẵng có 19 dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền. Tổng mức đầu tư khái toán các dự án khoảng 6.850 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Trong đó, vốn đầu tư cho công nghiệp là 4.500 tỉ đồng, vốn đầu tư cho dịch vụ là 2.350 tỉ đồng. Tổng nhu cầu sử dụng đất phát triển công nghiệp du thuyền hơn 73 ha.
Theo đơn vị tư vấn, phần doanh thu từ công nghiệp du thuyền và dịch vụ bến du thuyền chia làm 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 2022-2025 công nghiệp du thuyền ước tính doanh thu đạt 400 tỉ đồng/năm.
Giai đoạn 2026-2030, ước tính doanh thu đạt 1.000 tỉ đồng/năm, chủ yếu từ công nghiệp hỗ trợ và sản xuất linh kiện, phụ kiện. Đến sau năm 2030, tầm nhìn 2045, ước tính doanh thu của Đà Nẵng đạt 4.000 tỉ đồng/năm.
Còn doanh thu từ các dịch vụ bến du thuyền ước tính trong giai đoạn 2022-2025 là 1.000 tỉ đồng/năm. Từ năm 2026-2030 là 8.000 tỉ đồng/năm và sau năm 2030 ước tính 15.000 tỉ đồng/năm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nhận định, phát triển du thuyền của Đà Nẵng là nhu cầu tự nhiên và bắt buộc trong bối cảnh thành phố không còn nhiều dư địa về diện tích tự nhiên. Trong khi đó, ngành du thuyền cần diện tích mặt nước và vịnh Đà Nẵng thuận lợi trong việc chắn sóng.
Ông Đông đề nghị đề án của tư vấn lần này cần đưa vào quy hoạch tổng thể của thành phố đang làm để sau này không phải làm lại quy hoạch về công nghiệp du thuyền nữa.
“Sau này có thể đấu thầu bằng đề án công nghiệp - dịch vụ du thuyền chứ không phải ai đến trước thì được xí phần trước. Thành phố phải có chiến lược kêu gọi đầu tư thông minh thì mới thành công”, ông Đông nói.
Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Việt (Vietyacht), Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ du thuyền.
Ông Thuận cho biết, toàn ngành du thuyền thế giới hiện đang rơi vào tình trạng cháy hàng, quá tải đơn hàng đến tận năm 2026 - 2027.
Các hãng du thuyền lớn đều chưa có nhà máy đặt tại châu Á vì sợ lộ công nghệ và thiết kế. Việc đưa du thuyền từ châu Âu sang châu Á cũng rất tốn chi phí vận chuyển.
Theo ông Thuận cũng cho rằng việc đưa du thuyền vào nước ta đang có những thủ tục quá rườm rà, phức tạp. Do đó cần đơn giản hóa thủ tục để có thể kết nối, đưa được nhiều siêu du thuyền về với Đà Nẵng.
"Hiện một số hãng du thuyền ở châu Âu muốn tìm địa điểm đặt công xưởng ở châu Á, đây cơ hội rất tuyệt vời cho Đà Nẵng", ông Thuận cho hay.
Kết luận hội thảo, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề nghị phía tư vấn lưu ý cập nhật các ý kiến chuyên gia, chỉnh sửa, hoàn thiện đề án.
"Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo mở rộng hơn nữa liên quan đề án này, quy tụ thêm nhiều chuyên gia đầu ngành cả trong nước và quốc tế", ông Sơn cho biết.