Đa mang Nguyễn Duy Ngọc

Thực ra tôi định đặt tựa cho bài viết này là 'Người đàn ông đa tài' nhưng nhân vật lắc đầu bảo: 'Mình chỉ làm nhiều lĩnh vực thôi'. Nghe ông nói vậy tôi thấy cũng đúng nên mới có cái đầu đề bài viết như thế này.

Người đàn ông đó là ông Nguyễn Duy Ngọc. Ông đã làm nhiều công việc khác nhau cho đến năm 2000 mới chính thức đi làm báo. Kể cũng là hơi muộn so với cái tuổi đương chín. Ông kể rằng: “Gốc gác tôi quê ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam nhưng tôi là “người Hà Nội” bởi vì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kinh kỳ”.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Duy Ngọc đã đi khắp vùng núi Tây Bắc để “săn cảnh săn người”. Ông bảo: “Những chuyến đi sáng tác như thế vô cùng bổ ích, vô cùng ấn tượng. Tôi từng đi xuyên Việt. Mà đi bằng xe máy chứ không ngồi ô tô. Có đợt tôi đi quãng đường dài 1.300km đấy. Ngày thường cũng đi. Ngày Tết cũng đi. Thích nhất là được ăn Tết với bà con dân tộc thiểu số”.

Năm 1963, nghĩa là mới 17 tuổi cậu thanh niên người con ngõ phố Hàng Bồ đi bộ đội. Lại được “tuyển” vào một đơn vị bộ đội Đặc công hẳn hoi mới oách chứ. Huấn luyện trên thao trường một năm thì cái tạng “bạch diện thư sinh” của chàng trai tên như tên con gái ấy phải trở về phố mình vì sức khỏe không đạt tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Duy Ngọc nói vui: “Cũng tiếc vì không được vào Nam chiến đấu”.

Về “quê” được vài năm tới năm 1966 Nguyễn Duy Ngọc thi vào Trường âm nhạc Hà Nội nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, dạo đó Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương làm Hiệu trưởng. Anh theo học Hệ dây chuyên về đàn Contrebat. Ba năm sau ra trường, Nguyễn Duy Ngọc về làm nhạc công của Đoàn Văn công Hà Nội. Mới ở đoàn được hơn 1 năm Nguyễn Duy Ngọc chuyển về làm công tác phong trào của Sở Văn hóa Hà Nội. Thời kỳ này nhiều khó khăn, nhất là máy bay Mỹ ném bom Hà Nội rất tàn khốc nên anh cán bộ phong trào phải “kiêm” luôn chân làm những việc ngoài chuyên môn âm nhạc, như chụp ảnh, làm pano, kẻ chữ… nghĩa là việc gì cũng làm miễn là có thu nhập ít ỏi.

Nguyễn Duy Ngọc hiện là Hội viên Hội nhà báo Việt Nam; Hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội.

Nguyễn Duy Ngọc cho biết đang viết một tiểu thuyết trinh thám, và tranh thủ hoàn thành tập tản văn có tên “Tìm lại Hà Nội xưa”.

Tưởng yên, ai dè Nguyễn Duy Ngọc lại “chuyển công tác”, anh về Nhà máy chế tạo biến thế Hà Nội chơi cho ban nhạc nhà máy (phong trào văn nghệ đang lên) rồi lại chuyển sang Tổng cục Lâm nghiệp. Cái hay là sang ngành Lâm nghiệp nhưng Nguyễn Duy Ngọc còn được chơi đàn, anh làm nhạc công cho đội văn nghệ bán chuyên đi phục vụ hát hò động viên anh chị em các lâm trường, đội trồng rừng các tỉnh, địa phương miền núi và cùng ban văn nghệ tham gia các Hội diễn văn nghệ quần chúng của ngành, của thành phố và trung ương. Ông cho biết: “Vui là được trở về với chuyên môn mình đã học”.

Hạnh phúc được mùa

Ấy thế mà “tự dưng” từ năm 1975, Nguyễn Duy Ngọc lại “bén duyên” với báo chí với tư cách là cộng tác viên cho các tờ báo của trung ương và thành phố. Có lẽ giai đoạn này là giai đoạn nhà báo tương lai Nguyễn Duy Ngọc “tích lũy” kiến thức viết báo thông qua tự học và học hỏi ở những người đi trước, quan trọng ông là người đam mê đọc sách văn học. Trong nhà ông có tủ sách được sưu tầm đến gần 1.000 đầu sách Đông, Tây, kim cổ, nhiều nhất là sách văn học dịch nước ngoài. Do cần cù viết lách, chăm chỉ học hỏi mãi cho đến năm 2000 thì Nguyễn Duy Ngọc mới đi làm báo chính thức. Ban đầu cũng “khiêm tốn” cộng tác với nhiều tờ báo Trung ương, địa phương, sau đó làm biên tập viên cho Tạp chí Vận tải ô tô và đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Nói chuyện với tôi, ông Nguyễn Duy Ngọc cho biết: “Tôi bắt đầu có cảm tình với văn chương từ dạo đó”. Tôi lại nghĩ, đọc mãi văn thơ của người khác mới nhớ ra mình cũng có khả năng. Mà như người ta đã nói, ở trong mỗi con người đều có sẵn một tài năng. Chỉ có điều tài năng đó có phát tiết ra hay không.

Rồi ông Nguyễn Duy Ngọc lôi ra một chồng báo các loại, ông bảo: "Tôi vẫn viết báo đều đặn và gửi bài đều đặn cho các báo". Ông nói gọn vậy thôi chứ tôi biết hiện nay ông là người giữ trang Hà Nội và tôi cho báo An ninh Thủ đô cuối tuần. Những bài viết cho trang này bằng vốn sống của mình, bằng tình yêu với Hà Nội của mình, Nguyễn Duy Ngọc tuy không có “tham vọng” trở thành nhà Hà Nội học, thành người “chuyên” viết về Hà Nội kiểu như nhà văn Băng Sơn chẳng hạn nhưng mong muốn góp tiếng nói của mình, mong muốn kể cho mọi người hiểu thêm về Hà Nội là có thật

Duy Ngọc thường viết về những kỷ niệm với Hà Nội, thường viết về những món ngon Hà Nội, về những câu chuyện tưởng như bình thường nhưng rất đỗi thân thương của Thủ đô yêu dấu. Đấy bài viết mới nhất mà ông vừa khoe với tôi là bài viết về bún ốc Hà thành với những vị riêng và với “công thức” riêng Hà Nội...

Duy Ngọc vui vui cho hay, ông rất có duyên với những số báo đặc biệt của báo Tiền Phong và báo Lao động cuối tuần. Rồi các báo khác nữa, chả cần số đặc biệt thì các báo cũng nhận bài và đặt ông viết bài.Dường như kiến thức về Hà Nội của ông rất dồi dào, rất phong phú và rất được người đọc quan tâm. Có lần tôi mở lời: “Em biết bác còn viết sách nữa. Sao bác không tập hợp những bài viết về Hà Nội của mình để in thành tập để người đọc được đọc “tĩ tã” nhỉ?”. Ông Nguyễn Duy Ngọc trả lời: “Cũng có ý định đấy. Cô con gái lớn của mình cũng khuyên bố như thế”.

Tưởng ai, hóa ra cô con gái lớn của ông lại là một nữ nhà văn xinh đẹp và nổi tiếng với những tác phẩm trinh thám, du ký và tản văn - Nhà văn Di Li, tức Nguyễn Diệu Linh. Nữ sĩ tài hoa ấy đã “khuyên bố” thì chỉ có đúng trở lên rồi!

Tôi tiện thể hỏi luôn: “Em nghe bảo hầu như những bức ảnh ấn tượng và gợi cảm mà nhà văn Di Li đưa lên facebook của cô ấy đều do một tay bác chụp. Bác “chuyển nghề” sang chụp ảnh như thế nào nhỉ?”.

Ông Nguyễn Duy Ngọc cười thú nhận: “Năm 2010 tôi lại say mê nhiếp ảnh. Do công việc viết báo “chu du” đây đó để lấy tư liệu viết bài, được tận mắt thấy rất nhiều cảnh đẹp của đất nước, được gặp nhiều con người đáng được lưu vào khuôn hình. Thế là tôi đầu tư máy cùng nhóm bạn trong giới nhiếp ảnh rong ruổi lên vùng cao nguyên Tây Bắc, Hà Giang tác nghiệp”. Ông chụp nhiều về chân dung, mà chân dung người đẹp đã “có sẵn” cô con gái tuyệt vời rôi. Được cái nhà văn Di Li biết cách động viên bố bằng việc cô “tự nguyện” làm mẫu cho ông chụp. Ông chụp ảnh nào cũng đẹp, cũng rất có hồn. Ông chụp chân dung những con người tuy giản dị nhưng lại rất đáng trân trọng, đó là những cô gái vùng cao chăm chỉ bên núi rừng nương rẫy, đó là những đứa trẻ hồn nhiên tươi tắn. Ông chụp phong cảnh, những bức ảnh phong cảnh dưới góc máy của ông như rực rỡ thêm, như đẹp hơn lên.

Về nhiếp ảnh thì Nguyễn Duy Ngọc đã đoạt Giải 3 (2015) do báo Hà Nội mới trao cho bức ảnh (Môi trường sông, hồ Hà Nội). Rồi các giải thưởng qua các cuộc triển lãm và thi ảnh của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh Hà Nội.

Những tưởng “nhúng tay” vào nhiều lĩnh vực như thế với Duy Ngọc đã là quá nhiều, vậy mà ông đâu có thôi. Ông tâm sự: “Năm 2018, tôi tự nhận thấy yêu văn chương thôi chưa đủ mà phải viết văn mới nói đủ. Thế là tôi viết văn”. Nói rồi ông Nguyễn Duy Ngọc đưa tặng tôi cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Tiểu thuyết Còi tàu trong đêm do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2020 như một dấu mốc để cho ông mạnh dạn “bước hẳn” vào nghiệp văn. Ở cuốn tiểu thuyết đầu tay này “nhà văn trẻ” Nguyễn Duy Ngọc đã viết về Hà Nội của mình với câu chuyện về một thân phận tưởng như bỏ đi nhưng rồi tình yêu đã đưa con người đó trở về “Nó như tiếng vọng của một con tàu đã rời ga, kể về một mối tình xa xăm mà hồi nhớ được bản chất cốt lõi nhất về tình yêu”, như nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/da-mang-nguyen-duy-ngoc-post1543982.tpo