Nếu chuyển mục tiêu từ chủ yếu truyền tải kiến thức sang mục tiêu hình thành năng lực thì việc thay đổi phương pháp dạy học, đánh giá cần được thay đổi cùng. Không thể có chương trình một đằng đánh giá một nẻo.
Cụ thể, các chương trình đổi mới hiện nay theo hướng tích hợp một vài môn học ghép nhóm lại thành môn tích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực gắn với thực tiễn sau này mà không phải mang tính "thường thức" như lãnh đạo một sở giáo dục và đào tạo vừa cho biết tại cuộc họp với Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội. Với chương trình như vậy thì việc thi cử đánh giá cũng cần tiếp cận đánh giá theo hướng tích hợp, không thể có chuyện xây dựng ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT tách biệt cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực vào năm 2025 (theo Báo Người Lao Động ngày 22-3 đã đăng).
Nếu điều này được thực thi, chắc chắn sẽ tác động ngược đến việc thực hiện mục tiêu của đổi mới chương trình cả về nội dung và phương pháp dạy học. "Vô hình trung, chính sách nói một đằng thực hiện theo một nẻo" hay "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" trong tiến trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Đã có lần chủ biên việc đổi mới chương trình sách giáo khoa cho biết việc thiết kế theo nguyên tắc ngược có nghĩa là phải xây dựng mục tiêu chương trình, ngay sau đó thiết kế đo lường đánh giá xem có thể đo lường được mục tiêu học tập của chương trình hay không để bảo đảm tính khả thi, đo lường được mục tiêu, sau đó mới thiết kế nội dung chương trình và sách giáo khoa. Mục tiêu đôi khi tưởng tượng ra nhưng không có công cụ đo được và không khả thi.
Trở lại vấn đề thi tốt nghiệp THPT, chúng ta vẫn đang luẩn quẩn với sắp xếp môn thi, định số lượng, qua đây cho thấy nhiều năm nay việc học và dạy nặng về ứng thí - tức dạy và học chỉ để thi đã dẫn đến sự phát triển thiếu toàn diện của người lao động do học lệch các môn học để phục vụ cho tuyển sinh đại học. Trong khi đó, ở thời đại mới rất nhiều kiến thức, kỹ năng tích hợp với nhau được hình thành qua các môn học ở trường THPT. Một kỹ sư rành về kỹ thuật không có nghĩa là những vấn đề về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, nhân văn... coi nhẹ trong quá trình thiết kế sản phẩm cho xã hội. Nếu mãi vẫn giữ thi tốt nghiệp theo các môn học kiểu như những năm qua thì sẽ còn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực sau này.
Tại cuộc đối thoại với thanh niên sáng 22-3 về chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nói: "... đặc biệt là ngoài các kỹ năng nền còn yêu cầu trang bị các kỹ năng mềm, năng lực về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và rất nhiều năng lực để kết nối làm việc nhóm cùng nhiều các kỹ năng khác"; nhấn mạnh nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng giải quyết vấn đề, hợp tác làm việc nhóm, phản biện, đổi mới sáng tạo. Điều này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tư duy vượt ra ngoài cái "hộp tư duy" truyền thống, tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi trước về việc tổ chức đánh giá tốt nghiệp THPT để có những giải pháp đổi mới đồng bộ chương trình, sách giáo khoa và độ lường đánh giá.
Hoàng Ngọc Vinh
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/da-doi-moi-la-phai-dong-bo-20230323220141626.htm