Đa dạng đặc sản phục vụ du khách
Nhờ triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2025, các đơn vị và người dân đã nâng tầm, giúp đặc sản Tây Ninh ngày càng trở nên đa dạng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch dịp hè.
Theo Sở NN&PTNT, tính đến nay, toàn tỉnh có 95 sản phẩm OCOP, trong đó có 69 sản phẩm 3 sao, 26 sản phẩm 4 sao. Đặc biệt, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã được tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng 4 sao năm 2020), đang được Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT xem xét, công nhận.
Các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của từng địa phương như bánh tráng, muối ớt, mãng cầu, dưa lưới đang giúp thị trường đặc sản Tây Ninh trở nên đa dạng hơn, trưng bày ngày càng nhiều trên các kệ hàng ở chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại.
Chợ Long Hoa, thuộc phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành là khu chợ truyền thống không thể bỏ qua trong hành trình của du khách khi đến Tây Ninh. Ta có thể dễ dàng tìm thấy hầu hết các loại đặc sản Tây Ninh ở khu chợ này, từ mật ong, mãng cầu, hạt điều, bánh tráng, rượu sâm đến bánh tráng, muối ớt, muối tiêu, dưa lưới, rau rừng, chao môn…
Sản xuất chao môn tại huyện Gò Dầu.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đang từng ngày đầu tư cơ sở vật chất, quy trình sản xuất để nâng tầm, tạo nên những sản phẩm mang bản sắc riêng. Một số đặc sản OCOP 4 sao như quả mãng cầu ta của HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung, chao Phúc Bình Dương, sầu riêng của HTX cây ăn trái Bàu Đồn, hạt điều rang muối của Công ty TNHH MTV Như Anh, dưa lưới của Công ty TNHH MTV nông sản Hoàng Xuân, nhang Vạn Linh Hương quế thượng hạng…
Công ty TNHH Tân Nhiên có nhiều sản phẩm đặc sắc tạo nên thương hiệu bánh tráng cho Tây Ninh như sản phẩm bánh tráng siêu mỏng; bánh tráng ớt bay muối nhuyễn siêu cay, bánh tráng phomai, bánh tráng sa tế tỏi, bánh tráng sa tế hành…
Về định hướng cho sản phẩm OCOP, theo ông Châu Văn Văn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương. Đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có 100-120 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu 2-3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Tây Ninh đang chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nông thôn bằng cách xây dựng các khu, điểm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế để kết nối hệ thống du lịch chung của tỉnh, tạo ra sự phong phú về sản phẩm du lịch. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Như vậy có thể thấy, việc tạo nên những sản phẩm đặc trưng, chất lượng đang góp phần tạo ra thị trường đặc sản có sức hấp dẫn đối với du khách, qua đó, tăng tính cạnh tranh không chỉ về số lượng sản phẩm mà cả về chất lượng, mở ra cơ hội lớn để đặc sản địa phương đi xa hơn, thậm chí là hướng đến thị trường nước ngoài.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/da-dang-dac-san-phuc-vu-du-khach-a176898.html