Đa dạng các mô hình nông nghiệp hiệu quả tại xã Quảng Ninh

Những năm qua, xã Quảng Ninh (Quảng Xương) đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định. Từ đó, thúc đẩy nhanh quá trình XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, hướng đến nền nông nghiệp 'an toàn và bền vững'.

Mô hình trồng phật thủ của gia đình ông Đỗ Sỹ Nhâm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại thôn Thọ Thái, mô hình nuôi giống gà Ai Cập của ông Lê Chí Lợi đang là một trong những mô hình sản xuất được ghi nhận có hiệu quả và đem lại thu nhập cao. Khởi nghiệp từ năm 2019, đến nay ông Lợi đã mở rộng quy mô thành trang trại tổng hợp để nuôi gà đẻ trứng, đào ao thả cá và trồng các loại cây ăn quả. Trong đó, có hơn 4.000m2 dành riêng để xây dựng 4 chuồng trại gà với số lượng 26.000 con theo quy mô khép kín, tất cả đều là giống gà Ai Cập siêu trứng. Theo dõi thị trường, nhận thấy giống gà này có năng suất trứng đạt mức tăng trưởng lớn, mang lại dinh dưỡng cao, thịt dai, tỷ lệ lòng đỏ nhiều lại chịu bệnh tốt nên ông Lợi đã tìm tòi, học hỏi tại các tỉnh bạn quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để cung cấp ra thị trường nguồn trứng chất lượng nhất.

Theo ông Lợi: “Trước tiên, để đảm bảo khu vực chăn nuôi được sạch sẽ thì người chăn nuôi phải xây chuồng trại ở nơi cao ráo, giữ được ấm khi đông tới, thoáng mát khi hè về và cách xa khu dân cư sinh sống. Đặc biệt chuồng phải được độn bằng trấu, được rắc vôi và phun khử trùng, tiêu độc. Bên cạnh đó, thức ăn cho gà cần bổ sung bột đá, vỏ sò gấp 2 - 3 lần để gà tạo vỏ trứng, đồng thời sử dụng thêm 8 - 10% thóc mầm trong thức ăn để tăng khả năng sinh sản. Ngoài ra, ở giai đoạn gà hậu bị, người chăn nuôi cần đặc biệt chú ý đến việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn gà, điều này quyết định đến khả năng sinh sản sau này”.

Nhờ đó, đàn gà của gia đình ông Lợi phát triển khỏe mạnh, cho năng suất và không bị dịch bệnh. Với số lượng gà hiện tại, mỗi ngày đẻ được 12.000 quả trứng, xuất bán ra thị trường với giá 28.000 đồng/chục quả. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Lợi thu lãi gần 2 tỷ đồng.

Là người luôn có ý chí cầu tiến và sáng tạo, ông Đỗ Sỹ Nhâm đã mạnh dạn đưa giống cây phật thủ về trồng trên mảnh đất quê hương xã Quảng Ninh, đây được xem là một trong những mô hình sản xuất mới nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ. Với hơn 1ha đất, ông Nhâm đã chuyển đổi sang trồng 500 gốc phật thủ. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng khá “khó tính”, nhạy cảm với thời tiết, để có quả đẹp đòi hỏi quá trình chăm sóc rất tỉ mỉ. Theo ông Nhâm, bên cạnh việc chăm bón, phun thuốc diệt nấm, sâu bệnh hại... thì người trồng cần cắt bỏ những cành sâu, nhỏ giúp cây thông thoáng, tăng khả năng quang hợp và phát triển cân đối. Khi cây to, cần làm giàn, buộc cố định từng quả tránh va chạm, làm ảnh hưởng đến ngoại hình, mất giá trị quả. Ngoài ra, trên thân cây không nên để quá nhiều quả làm trĩu cành, cây nhanh thoái hóa, gây suy giảm chất lượng quả. Thời điểm được mùa nhất của cây phật thủ là vào dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng, bởi khi đó nhu cầu trưng bày mâm ngũ quả trong những ngày tết của người dân tăng cao. Với giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/quả, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Nhâm thu lãi khoảng 350 triệu đồng. Điều đáng quý là ông Nhâm không giấu “bí quyết”, sẵn sàng chia sẻ toàn bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc phật thủ cho bà con nào có nhu cầu.

Ngoài các mô hình trên, trên địa bàn xã Quảng Ninh còn có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả khác cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Với hướng đi đúng, hiệu quả, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hàng hóa, hình thành các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại xã Quảng Ninh đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giúp làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 65 triệu đồng/năm. Thời gian tới, xã Quảng Ninh tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những giống cây, con có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình trồng trọt theo hướng VietGAP, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, từ đó, hướng tới nền nông nghiệp an toàn và bền vững.

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/da-dang-cac-mo-hinh-nong-nghiep-hieu-qua-tai-xa-quang-ninh-214299.htm