Cựu viên chức WHO: Hàng tỷ người hút thuốc lá muốn được lắng nghe

Để bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của hàng tỷ người hút thuốc lá và cộng đồng, hai cựu viên chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng chính sách của tổ chức này và Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) hiện chưa thật sự nâng cao vai trò của chiến lược thứ ba, đó là giảm tác hại.

Nghĩa là, những người đang hút thuốc cũng cần được thông tin một cách chính thống và có nhu cầu được cung cấp hợp pháp những sản phẩm thay thế thuốc lá điếu đã được khoa học kiểm nghiệm, như thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Giới chuyên gia ủng hộ: Chưa thể cai thuốc lá điếu, hãy chuyển đổi

Nhiều thập kỷ qua, nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, các sản phẩm cung cấp nicotin đã ra đời nhằm thay thế thuốc lá điếu, giúp giảm gánh nặng do thuốc lá điếu gây ra cho người sử dụng. Đó là những sản phẩm không khói, bao gồm túi ngậm nicotin, miếng dán nicotin, xịt nicotin, kẹo ngậm nicotin...

Thế nhưng, điều đáng nói là các sản phẩm thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN), một trong những nhóm sản phẩm được phân loại là các sản phẩm giảm tác hại thay thế thuốc lá điếu, lại vẫn bị đối xử phân biệt.

Bà Maria Chaplia, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu tại Trung tâm Lựa chọn của Người dùng, phát biểu trong phỏng vấn đăng trên India Times, nhận định: nếu đã công nhận nicotin trong các liệu pháp thay thế nicotin (NRT), việc nicotin được giải phóng từ các sản phẩm thuốc lá làm nóng thuốc lá điện tử, hoặc thuốc lá ngậm snus cũng cần được nhìn nhận như là giải pháp giảm tác hại thay thế cho thuốc lá điếu.

Tháng trước, hai cựu viên chức của WHO là GS. Robert Beaglehole và GS. Ruth Bonita đã chỉ ra lỗ hổng chiến lược trong các chính sách của Công ước FCTC: Mục tiêu giảm số người hút thuốc thiếu cách tiếp cận giảm tác hại. Cụ thể là giảm tác hại của khói thuốc lá bằng những sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Theo các chuyên gia, việc phản đối các sản phẩm này là hoàn toàn không có cơ sở và bị thiên kiến bởi những người chỉ ủng hộ hướng tiếp cận “cai hoàn toàn nicotin”. Chính vì vậy, việc phản đối này chỉ tạo thêm cơ hội độc quyền cho thuốc lá điếu đốt cháy, vốn là sản phẩm độc hại nhất trong các sản phẩm thuốc lá.

Giáo sư Robert Beaglehole

Giáo sư Robert Beaglehole

Giáo sư Ruth Bonita

Giáo sư Ruth Bonita

Có thể thấy, các nghiên cứu chỉ ra số lượng người sử dụng thuốc lá hầu như không thay đổi kể từ khi Công ước FCTC ra đời cách đây 17 năm và hiện chỉ có 1/3 quốc gia dự kiến có thể đạt 30% tỷ lệ cai thuốc đến năm 2030. Những số liệu trên một lần nữa chứng minh giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là cho những người đang hút thuốc lá lựa chọn cách bổ sung phù hợp.

Năm ngoái, Việt Nam cùng 193 nước thành viên FCTC tham gia đàm luận để giải quyết vấn đề hút thuốc dưới sự chủ trì của WHO. Được biết, đến năm 2025, thế giới sẽ còn hơn 1 tỷ người vẫn tiếp tục hút thuốc. Việc kêu gọi nam giới bỏ hẳn thuốc lá là gần như không thể và khói thuốc mới là tác nhân chính gây nên các bệnh lý liên quan đến hút thuốc.

Trong năm 2021, trên toàn cầu đã có 100 chuyên gia về giảm thiểu tác hại cùng ký tên dưới Thư ngỏ gửi tới các bên tham gia Công ước FCTC. Thư ngỏ kêu gọi và nhấn mạnh các quốc gia nên có lập trường cởi mở hơn và dựa trên bằng chứng về giảm thiểu tác hại thuốc lá.

Cần lắng nghe nhu cầu giảm tác hại của hàng triệu người đang hút thuốc

Theo thống kê, Việt Nam hiện có ít nhất 17 triệu người đang hút thuốc lá. Trong nhiều năm qua, mặc dù đã nỗ lực thực thi nhiều chính sách nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá điếu, nhưng các số liệu cho thấy con số này không thay đổi theo hàng năm. Ngoài ra, Việt Nam còn đối diện với tình tình trạng buôn lậu ngày càng tăng.

Do vậy, bên cạnh hướng tiếp cận giảm cung và giảm cầu, giảm thiểu tác hại thuốc lá bằng những sản phẩm thay thế tốt hơn so với thuốc lá điếu là một chiến lược y tế công cộng, nhằm mục đích giảm nguy cơ sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá.

Thực tế hiện nay, số lượng thành viên của các cộng đồng TLĐT đã lên tới con số hàng trăm ngàn người và ngày một gia tăng. Tuy nhiên, họ lại phải sử dụng những sản phẩm nhập lậu không kiểm chứng, gây nên hàng loạt các vụ ngộ độc thuốc lá gần đây. Những người đang hút thuốc cũng cần được thông tin một cách chính thống và có quyền được cung cấp hợp pháp những sản phẩm thay thế thuốc lá điếu đã được khoa học kiểm nghiệm, như TLĐT và TLLN.

Hiện, WHO cũng đã đưa ra hướng dẫn quản lý các sản phẩm TLTHM, bao gồm TLĐT, TLLN. Cũng trong báo cáo 2021 của WHO, trên tổng số 193 quốc gia thành viên của tổ chức này, đã có 184 nước tham gia quản lý TLLN và 79 nước kiểm soát chặt chẽ TLĐT (theo nguồn tin từ ông Lê Thành Hưng, Trưởng Phòng Tiêu chuẩn Chất lượng Nông nghiệp - Thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - VSQI).

Phải thừa nhận rằng, việc xóa bỏ thuốc lá điếu vĩnh viễn là điều không thể. Vì vậy, nhằm cải thiện gánh nặng do hút thuốc lá điếu gây ra cho hàng triệu người Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng mới cần sớm được xem xét và đưa vào quản lý. Đồng thời, các nhà quản lý cũng cần cung cấp thông tin khoa học đầy đủ về những sản phẩm này để giúp người tiêu dùng thực sự hiểu đúng về tác hại của từng sản phẩm thuốc lá, từ đó chủ động đưa ra lựa chọn phù hợp dựa trên mong muốn của chính họ.

HIẾU MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuu-vien-chuc-who-hang-ty-nguoi-hut-thuoc-la-muon-duoc-lang-nghe-post685052.html