Cứu sống bệnh nhân thủng trực tràng cận kề 'thần chết'
Nữ bệnh nhân lớn tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong đến 90%, chẩn đoán bị sốc nhiễm trùng nhiễm độc, viêm phúc mạc do phân.
Ngày 5/9, Bệnh viện Quốc tế City cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật kịp thời, cứu sống một ca bệnh trong trường hợp “thập tử nhất sinh”.
Đó là trường hợp bệnh nhân Vũ Thị Ph (63 tuổi, ở Đồng Nai) rối loạn vận động, nằm tại giường đã 5 năm nay, thường xuyên có táo bón.
Đêm trước ở nhà, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mệt, buồn nôn, nôn ra thức ăn cũ, đau bụng, nhập viện trong tình trạng đau bụng, lơ mơ, khó thở, vô niệu, huyết áp còn 70/50 mmHg.
Qua thăm khám, ekip bác sĩ cấp cứu nhanh chóng xác định tình trạng bệnh choáng nhiễm trùng nặng từ đường tiêu hóa, cho chỉ định chụp CT SCAN bụng, phát hiện có chỗ vỡ trực tràng, khí và hơi tự do ổ bụng.
Ngay sau khi phẫu thuật thành công, bệnh nhân được tiến hành hồi sức tích cực, lọc máu liên tục (CRRT), thở máy, kháng sinh phổ rộng, dinh dưỡng tĩnh mạch,…
Sau 3 ngày hồi sức tích cực, tình trạng toan chuyển hóa nặng, trụy tim mạch bắt đầu có dấu hiệu cải thiện dần, giảm liều vận mạch, bắt đầu có nước tiểu, dấu hiệu cho thấy thận bắt đầu hồi phục dần.
Sau 1 tuần, kể từ ngày nhập viện, bệnh nhân tiếp tục hồi phục, tập cai máy thở. Hiện, bệnh nhân đã được rút nội khí quản, sau đó bệnh nhân được cho ra khỏi khoa hồi sức, chuyển lên khoa Ngoại tiếp tục điều trị, sức khỏe dần hồi phục, bệnh nhân có thể uống sữa, tỉnh táo, tập ăn cháo, tập vật lý trị liệu…
Theo các bác sĩ, đây là một trường hợp bệnh rất nặng. Đặc biệt, bệnh nhân lại thủng trực tràng, phân đầy phúc mạc, đến bệnh viện trễ sau 24h, nguy cơ tử vong có thể lên đến 80-90%.
BS Nguyễn Văn Khoa - Khoa ngoại tổng quát Bệnh viện Quốc tế City, phẫu thuật viên chính cho biết, tình huống này nếu không mổ chắc chắn tử vong, Nếu gia đình đồng ý phẩu thuật, thì khả năng tử vong trên bàn mổ cũng rất cao. Lúc giải thích cho gia đình, bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Khi những người con còn đang phân vân, tôi có nói rằng nếu đây là người nhà tôi thì tôi sẽ đồng ý mổ. Các con của bà đều bật khóc. Những điều đó khiến cho chúng tôi quyết tâm phải phẫu thuật.
BS Nguyễn Văn Nhôm - trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Quốc tế City chia sẻ: “Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng, chính xác giữa ê kíp bác sĩ cấp cứu, Ngoại khoa và Hồi sức tích cực, những vấn đề nghiêm trọng được giải quyết nhanh chóng. Từ lúc bệnh nhân nhập viện đến lúc đưa bệnh nhân lên bàn mổ tích tắc trong vòng nửa tiếng, chúng tôi chạy đua với thời gian, vừa hồi sức, vừa phẫu thuật để giữ lấy sinh mạng cho người bệnh chỉ diễn ra trong vài giờ. Đó là một trong những điểm cực kỳ quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công trong cấp cứu và hồi sức bệnh nhân.
“Đối với người bệnh nằm tại giường, ít vận động, hệ tiêu hóa dần kém đi, tình trạng táo bón thường xuyên xuất hiện, các triệu chứng thường mơ hồ, gia đình cần quan tâm kịp thời, để hạn chế biến chứng nặng nguy kịch cho người bệnh” – BS Khoa khuyến cáo.