Cựu chiến binh tiêu biểu làm kinh tế giỏi
Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những anh 'Bộ đội Cụ Hồ' luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, quê hương. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, khi trở về với cuộc sống đời thường, họ lại không ngừng học và làm theo gương Bác, tiếp tục phát huy phẩm chất, truyền thống 'Bộ đội Cụ Hồ'; gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực công tác, lao động sản xuất, trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Nhân dịp đầu Xuân mới Ất Tỵ, chúng tôi đã có dịp đến thăm và trò chuyện với một số những tấm gương cựu chiến binh (CCB) tiêu biểu như thế!
Người cựu chiến binh làm giàu từ nghề mộc
Năm 1984, anh Nguyễn Duy Hải, sinh năm 1961, ở thôn 2 Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) nhập ngũ và được biên chế vào Binh đoàn 11, đóng quân ở Nội Bài, làm nhiệm vụ xây dựng nhà ga, kho bãi, sân đỗ. Sau chuyển lên Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) tiếp tục phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Đến năm 1987, sau 3 năm nhập ngũ, anh Hải hoàn thành nghĩa vụ, trở về quê tham gia công tác xã hội và phát triển kinh tế gia đình.
CCB Nguyễn Duy Hải cho biết: Ngay sau khi ra quân, năm 1988, vốn đã biết nghề mộc, tôi tận dụng đất của gia đình mở xưởng sản xuất đồ gỗ dân dụng. Năm 2006, từ chủ trương chuyển đổi ruộng đất cấy lúa kém hiệu quả, tôi đã mạnh dạn đấu thầu 1.700m2 đất ruộng chuyển đổi của địa phương để xây dựng xưởng, mở rộng sản xuất đồ gỗ dân dụng cao cấp. Cũng kể từ đó, nhờ đầu tư máy móc, mở rộng quy mô nhà xưởng và nhận được nhiều đơn hàng của khách hàng nhiều nơi trên cả nước, như: Hà Nội, Lào Cai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Định, Bình Dương... đã giúp công việc sản xuất, kinh doanh của tôi ngày càng hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với mức lương bình quân 8-10 triệu đồng/người/tháng. Từ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ cao cấp, mỗi năm, tổng doanh thu của cơ sở đạt khoảng 3 tỷ đồng trở lên, sau khi trừ chi phí, cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
Không chỉ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, CCB Nguyễn Duy Hải còn tích cực tham gia công tác và có nhiều đóng góp cho hội. Trong các năm từ 2015 đến 2022, anh đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân CCB huyện Kim Bảng và đang tham gia trong Ban Chấp hành Hội Doanh nhân CCB tỉnh Hà Nam... Với nhiều thành tích trong hoạt động công tác hội và sản xuất, kinh doanh, CCB Nguyễn Duy Hải đã ba lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; được các cấp, ngành tặng nhiều phần thưởng.
Nỗ lực vươn lên từ mô hình lúa – cá
CCB Vũ Văn Và, thôn Thận Y, xã Yên Nam (thị xã Duy Tiên) nhập ngũ năm 1978, thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 1982 ông trở về quê sinh sống, tham gia công tác xã hội, làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp.
Ông cho biết, trước đây, do cánh đồng hàng trăm mẫu của hợp tác xã ruộng trũng, cấy lúa không hiệu quả, người dân không thiết tha nên để bèo, cỏ lăn lác mọc hoang nhiều diện tích. Năm 2016, thực hiện chủ trương cải tạo vùng ruộng trũng, địa phương quy hoạch và giao cho hợp tác xã tổ chức thực hiện. Khi đó chỉ có gần chục thành viên mạnh dạn nhận, cải tạo cấy lúa được hai năm, nhưng hiệu quả cũng không cao. Năm 2019, thực hiện chủ trương của tỉnh chuyển đổi vùng đất trũng sang mô hình lúa – cá, vốn hiểu rõ đồng đất, CCB Vũ Văn Và cùng một số hộ đã mạnh dạn đấu thầu để đầu tư, thuê máy đắp bờ, cải tạo thành mô hình cấy lúa, thả cá; xây dựng đường điện phục vụ sản xuất... Riêng gia đình ông nhận thầu 10,14 ha, quy hoạch thành các ao riêng biệt rộng từ 1-2 ha, với tổng vốn đầu tư từ khi bắt đầu thực hiện đến nay khoảng 5 tỷ đồng. Mỗi năm, gặp thời tiết thuận lợi cho thu hoạch hàng trăm tấn cá (từ 15-25 tấn cá/ao); sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 5-6 trăm triệu đồng/năm và bảo đảm việc làm thường xuyên cho 7-8 lao động, khi thu hoạch thuê thêm hàng chục lao động thời vụ.
CCB Vũ Văn Và trầm ngâm: Từ một cánh đồng trũng cấy lúa không hiệu quả, bỏ hoang, sau khi được quy hoạch, đầu tư tiền của, công sức, gian truân lăn lộn bốn mùa, mô hình lúa - cá đã mạng lại hiệu quả kinh tế cao; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, băn khoăn của các hộ sản xuất là toàn bộ diện tích đất nơi đây thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Đồng Văn V, Đồng Văn VI, Nhà nước chuẩn bị thu hồi. Đây là chủ trương đúng đắn, song các hộ dân mong muốn Nhà nước có chính sách bồi thường thỏa đáng, tương xứng nguồn lực đầu tư để người dân đỡ thiệt thòi, yên tâm xây dựng cuộc sống.
Với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác cũng như phát triển kinh tế, CCB Vũ Văn Và đã 5 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác./.
Làm chủ kỹ thuật trong chăn nuôi gà đẻ
Năm 1989, chàng thanh niên Đỗ Xuân Luật, thôn Tế Xuyên Bến, xã Đức Lý (Lý Nhân) vừa tròn hai mươi tuổi xung phong lên đường nhập ngũ, đóng quân ở tỉnh Quảng Ninh, thuộc Quân khu 3. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 1991 anh trở về quê tham gia công tác xã hội và tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Vốn sinh ra và lớn lên nơi đồng chiêm trũng nhiều khó khăn, thiếu thốn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, CCB Đỗ Xuân Luật đã chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trở thành một chủ trang trại chăn nuôi gà đẻ, có thu nhập cao, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động.
CCB Đỗ Xuân Luật tâm sự: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, tôi trở về quê. Khi đó, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Sau rất nhiều trăn trở suy nghĩ, tôi đã quyết tâm học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và nuôi thử nghiệm 100 gà đẻ ngay tại vườn nhà. Dần dần có kinh nghiệm, tích lũy thêm được vốn, tôi đã xin chuyển đổi một mẫu ruộng của gia đình để mở rộng chăn nuôi, nâng số lượng gà đẻ lên hàng nghìn con. Đặc biệt, năm 2011 tôi đã mạnh dạn mua thêm 5 mẫu ruộng của người dân cấy lúa kém hiệu quả mở rộng trang trại, cải tạo, xây dựng thành 8 dãy chuồng. Trong đó, 6 dãy chuồng nuôi gà đẻ, 2 dãy dự phòng nuôi úm gà kế cận. Từ năm 2020, tôi thường xuyên duy trì 3 vạn gà đẻ, giống gà Mỹ.
Khi mở rộng chăn nuôi gà đẻ, CCB Đỗ Xuân Luật đã thuê chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh cho gà. Sau một năm học hỏi, ông đã làm chủ được kỹ thuật, từ úm gà giống cho đến tiêm phòng, phát hiện, trị bệnh cho gà, mở rộng thị trường tiêu thụ trứng... Đặc biệt, ông đã định hướng cho hai con học Đại học Nông nghiệp, Khoa Thú y. Đến nay, gia đình ông đã hoàn toàn làm chủ được mọi khâu trong quá trình nuôi gà.
CCB Đỗ Xuân Luật cho biết: Cùng với tiêm phòng đúng kỳ, thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi, trong trường hợp phát hiện gà bị bệnh, tôi đều chủ động chữa trị kịp thời, không để dịch bệnh lây lan rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tỷ lệ gà đẻ luôn đạt trên 90%. Thị trường tiêu thụ trứng gà của gia đình ngày càng rộng mở, từ Hà Nam, Hà Nội… và hoàn toàn giao dịch trên sàn thương mại điện tử, rất thuận tiện, giảm chi phí, hiệu quả cao. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng một tỷ đồng, bảo đảm việc làm thường xuyên cho 5 lao động trung tuổi, lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ tích cực chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động, CCB Đỗ Xuân Luật còn hăng hái tham gia hoạt động xã hội, đoàn thể, từ thiện. Hiện ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Lý Nhân; Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Hà Nam, có nhiều đóng góp cho phong trào, hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hội viên nông dân vươn lên sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Với nhiều thành tích xuất sắc, CCB Đỗ Xuân Luật đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; hai lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, cùng nhiều phần thưởng, giấy khen của UBND huyện và các cấp hội nông dân…