Cuốn sách tôi chọn: 'Sống với đam mê' - cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển năm nay đã 82 tuổi đời với hơn 60 năm tuổi nghề. Ông là một trường hợp đặc biệt được 'đặc cách' cấp thẻ nhà báo cả khi đã nghỉ hưu. Với ông, đi và viết giống như hít thở để sống. Có lẽ vì thế mà ở tuổi 82, ông vẫn ra mắt sách. 'Sống với đam mê' do NXB Hội Nhà văn ấn hành là cuốn sách mới nhất của ông.

Cuốn sách viết về đề tài mà suốt cuộc đời nhà báo Nguyễn Uyển luôn trăn trở và say mê đó là học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau đây, xin mời quí vị và các bạn cùng đến với cuốn sách qua sự chia sẻ của nhà báo Nguyễn Uyển.

Nhà báo Nguyễn Uyển: "Sống với đam mê" viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc và thứ hai là Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào.

Đúng 9h ngày 9.9.1969, khi đất nước chúng ta làm tang lễ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cũng ngày ấy, Ban Biên tập báo Vĩnh Phúc phân công tôi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Lạc Trung.

Tôi chứng kiến tất cả không khí, mọi người đều khóc...... Tôi đi theo sự chỉ dẫn của các đồng chí lãnh đạo, đi theo lối Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi.... Người không đi theo lối được chỉ mà xã chuẩn bị sẵn... Bác đi vào nhà ông Phan, Bác thấy ông Phan đương đào giếng, Bác bảo ông Phan thế này: Chú nên xây cao lên một tí và phải có lán che để tránh nguy hiểm cho trẻ con.

Sau đó, các đồng chí dẫn Bác đi theo con đường kênh theo lối bờ xoan. Xoan ở đây trồng dày đặc. Đi cùng là có đồng chí tổ trưởng trồng cây, có ông Bí thư Kim Ngọc. Đến nơi, Bác nhìn cây dày đặc quá, Bác gọi mấy ông lãnh đạo, đồng chí tổ trưởng tổ trồng cây lại và Bác kéo tất cả vào lòng mình, Bác bảo: Các chú có thấy khó chịu không? Có ạ! Bác siết chặt nữa và hỏi: Các chú thấy đau không? Bảo: Đau lắm ạ! Bác nói tiếp: Nới ra thấy dễ chịu hơn không? Mọi người trả lời: Dễ chịu ạ! Thế là Bác bảo: Trồng cây cũng thế! Cây xoan mà các cháu trồng chặt như thế kia thì làm sao phát triển được.

Có một chi tiết xúc động mà tôi thấy sẽ có lúc tôi trở lại để tôi viết. ... Ông Bí thư xã đưa Bác đến nhà anh Thêm, Bác hỏi anh Thêm thế này: Nhà cháu gói nhiều bánh chưng không? Anh rất thật bảo: Nhà cháu nghèo lắm! Cháu sống độc thân không thể gói được bánh chưng. Bác bảo: Sao có bánh chưng? Anh Thêm trả lời: Đây là bánh chưng các ông xã mang đến cho đẹp để đón Bác. Ông Bí thư nói, đấy là một lần ông nói dối Bác nhưng ngay lúc ấy ông nhìn thấy nét mặt Bác khác. Bác trầm buồn và sau đó đi xuống với dân, Bác nói làm sao để cho nhân dân chúng ta ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc và ngày Tết đến thì nhà nào cũng có bánh chưng.

Phải học Bác là thế này, đã đi theo nghề thì phải đam mê. Các anh chị em hoạt động bây giờ theo một môi trường mới nhưng không có lòng đam mê chắc chắn không thành công. Tôi nghĩ, nhà báo phải học Chủ tịch Hồ Chí Minh về cái đam mê, đam mê của Bác là làm sao để ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành. Đấy là tư tưởng, cũng là đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hết thảy mọi công việc, và tôi muốn nói để truyền lại cho các nhà báo chúng ta, phải học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Thực hiện : Hạnh Thủy Trương Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-song-voi-dam-me-cuon-sach-viet-ve-chu-tich-ho-chi-minh-voi-dang-bo-va-nhan-dan-vinh-phuc