Cuộc gặp của hai thiên tài

Cả hai cách biệt nhau về giai cấp, tuổi tác, văn hóa, ngôn ngữ và địa lý, nhưng họ có chung một mối quan tâm khác thường: mạng neuron.

Ý tưởng mạng neuron đã có từ thập niên 1950, nhưng những người tiên phong chưa bao giờ vận hành được nó tốt đẹp như họ hằng kỳ vọng. Đến thiên niên kỷ mới, hầu hết các nhà nghiên cứu đã mất niềm tin vào ý tưởng này. Họ tin nó là một “ngõ cụt công nghệ” và hoang mang trước niềm tin cao ngạo đã kéo dài suốt 50 năm, cho rằng các hệ thống toán học này bằng cách nào đó đã phỏng nhại được não người.

Khi công bố các bài báo nghiên cứu trên những tạp chí hàn lâm, những người vẫn còn nghiên cứu tiếp công nghệ này thường xuyên phải ngụy trang nó như một thứ gì đó khác, và thay vì dùng thuật ngữ “mạng neuron”, họ sử dụng một ngôn ngữ ít làm phật lòng các đồng nghiệp hơn.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images.

Hinton thuộc về số ít những người vẫn còn tin rằng mạng neuron một ngày nào đó sẽ hoàn thành lời hứa của nó, sẽ cho ra đời những cỗ máy không chỉ nhận dạng được đồ vật mà còn nhận biết được lời nói, hiểu được ngôn ngữ tự nhiên, thực hiện được những cuộc đàm thoại, thậm chí giải quyết được những vấn đề mà bản thân con người không thể tự mình xử trí, từ đó mở ra những phương thức mới mẻ và sắc bén hơn để khám phá những bí ẩn của sinh học, y học, địa chất học và các môn khoa học khác.

Đó là một cách nhìn được cho là “lập dị” ngay trong chính trường đại học của Hinton, nơi đã liên tục bác bỏ yêu cầu của ông trong suốt nhiều năm về việc tuyển mộ thêm các giáo sư có thể hợp tác cùng ông trong cuộc đấu tranh lâu dài và cam go nhằm xây lên những cỗ máy tự học tân tiến. “Một gã điên trong lĩnh vực này đã là quá đủ rồi”, Hinton nói.

Nhưng, vào mùa xuân và mùa hè 2012, ông và hai học trò đã có bước đột phá: Họ chứng minh được rằng mạng neuron có thể nhận dạng những đồ vật thông thường với độ chuẩn xác vượt lên trên mọi công nghệ khác. Với bài báo chín trang giấy tung ra vào mùa thu năm đó, họ công bố với thế giới rằng ý tưởng này có sức mạnh như Hinton đã tuyên bố từ lâu.

Nhiều ngày sau, Hinton nhận được email từ một nhà nghiên cứu AI có tên là Kai Yu, một người làm việc cho Baidu, công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc. Bề ngoài, Hinton và Kai Yu có rất ít điểm chung với nhau. Sinh ra ở nước Anh thời hậu chiến trong một gia đình có nhiều khoa học gia vĩ đại nổi tiếng không chỉ về thành tựu mà còn bởi tính lập dị của họ, Hinton học ở Cambridge, lấy bằng tiến sĩ ngành trí tuệ nhân tạo tại Đại học Edinburgh, rồi trải qua 30 năm kế tiếp trên cương vị giáo sư môn khoa học máy tính.

Ra đời sau Hinton 30 năm, Kai Yu lớn lên tại Trung Quốc, là con của một kỹ sư ôtô, theo học tại Nam Kinh rồi sau đó là Munich trước khi chuyển đến Thung lũng Silicon để làm việc tại một phòng thí nghiệm hợp tác nghiên cứu.

Cả hai cách biệt nhau về giai cấp, tuổi tác, văn hóa, ngôn ngữ và địa lý, nhưng họ có chung một mối quan tâm khác thường: mạng neuron. Họ gặp nhau lần đầu ở Canada tại một hội thảo hàn lâm, một phần trong những nỗ lực cơ bản nhằm vực dậy một lĩnh vực nghiên cứu hầu như đã bị cộng đồng khoa học quên lãng, đồng thời đổi lại tên ý tưởng thành “học sâu”.

Kai Yu nằm trong số những người ủng hộ việc truyền bá niềm tin mới. Khi trở về Trung Quốc, ông đã đưa ý tưởng này đến Baidu, nơi nghiên cứu của ông đã lọt vào mắt xanh của vị giám đốc điều hành công ty này. Khi bài báo chín trang xuất hiện tại Đại học Toronto, Kai Yu khuyên bộ phận săn người của Baidu nên gấp rút tuyển mộ Hinton. Qua email của mình, Kai Yu đã giới thiệu Hinton đến vị phó chủ tịch của Baidu, và ông này đã chào giá 12 triệu dollar cho vỏn vẹn vài năm làm việc của ông.

Cade Metz/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-gap-cua-hai-thien-tai-post1503071.html