Cuộc đua vào lớp 10 trung học phổ thông công lập tại Hà Nội: sẽ áp lực hơn?

Thống kê của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội (GD&ĐT), năm học 2024-2025 dự kiến gần 135.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học 2023-2024. Trong đó khoảng 81.000 em đỗ vào lớp 10 các trường công lập, còn lại 54.000 em không đỗ, phải theo học trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2023. Ảnh: Duy Linh

Số học sinh tăng, nhưng số trường tăng rất ít và số lượng tuyển sinh tăng không đáng kể nên cuộc đua vào lớp 10 THPT công lập năm học này sẽ cam go, khốc liệt hơn năm ngoái. Theo lịch triển khai công tác thi và tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hà Nội, từ tháng 4 đến tháng 5, tiếp nhận đăng ký dự thi vào lớp 10 năm học 2024-2025. Dự kiến đầu tháng 6/2024, tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025. Tháng 7/2024, triển khai duyệt điểm chuẩn vào lớp 10.

Được biết Sở đang tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm thu hút để tuyển chọn được những học sinh học giỏi, đảm bảo kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, nâng cao chất lượng tuyển sinh vào các trường THPT. Năm 2024-2025, Hà Nội dự kiến có khoảng 121 trường THPT, tăng hai trường so với năm học 2023-2024. Đến năm học 2025- 2026, TP có khoảng 123 trường, tăng 4 trường so với năm học 2023-2024. Đến năm học 2026-2027, khoảng 125 trường, tăng 6 trường so với năm học 2023-2024.

Vài năm trở lại đây, số lượng học sinh tăng hàng nghìn từng năm, nhưng số trường tăng quá ít nên mùa tuyển sinh vào 10 nào tại Hà Nội cũng vô cùng nóng. Đơn cử mùa tuyển sinh năm 2023, hàng trăm phụ huynh xếp gạch, xếp hàng xuyên đêm giành suất học lớp 10 cho con ở một số trường dân lập “hot” như: THPT Phan Huy Chú, Tạ Quang Bửu, Hoàng Cầu… Tuy nhiên, điều khiến cha mẹ học sinh bức xúc là rất nhiều phụ huynh đến trường nộp hồ sơ cho con sớm hơn giờ công bố của nhà trường nhưng đã không còn cơ hội vì cả trăm người khác đã nhanh chân thức xuyên đêm giữ chỗ.

Trên thực tế nhiều trường tiểu học, THCS và đặc biệt là các THPT ngoài công lập đã tổ chức tuyển sinh theo hình thức xét học bạ hoặc thi khảo sát, đánh giá năng lực. Thí sinh sau khi có kết quả trúng tuyển thường được yêu cầu đóng khoản tiền cọc thường được gọi là phí giữ chỗ, phí nhập học hoặc phí ghi danh. Khoản tiền này được khấu trừ vào tiền học phí nếu thí sinh nhập học và không được hoàn lại, hoặc chỉ hoàn lại một phần nếu thí sinh không nhập học. Tại một số trường, phí giữ chỗ cho thí sinh dự tuyển vào lớp 10 ở mức cao, 10-23 triệu đồng. Mức thấp nhất vào khoảng 3-5 triệu đồng.

Một lãnh đạo trường THPT tư thục cho rằng, khoản phí giữ chỗ đảm bảo quyền lợi của nhà trường nhằm tránh tình trạng hồ sơ ảo, ổn định việc tuyển sinh. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở quyết tâm từ mùa tuyển sinh 2024, thực hiện tất cả các trường ở Hà Nội không thu hồ sơ trực tiếp.

Đồng thời, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu các trường THPT tuân thủ nghiêm túc các văn bản hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp của các cơ quan quản lý, sao cho đảm bảo công bằng, khách quan, tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Trước thông tin phản ánh về việc một số trường tổ chức công tác tuyển sinh năm học 2024-2025 khi chưa có văn bản hướng dẫn tuyển sinh, trong đó có việc yêu cầu nộp tiền “giữ chỗ” hoặc thu (giữ) hồ sơ của học sinh. Sở đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc các nội dung theo chỉ đạo để việc triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp đảm bảo nghiêm túc, chính xác, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch và đúng quy chế.

Các cơ sở giáo dục không thực hiện thu (giữ) hồ sơ của học sinh nếu học sinh không có nguyện vọng theo học tại trường; không được yêu cầu học sinh hoặc cha mẹ học sinh nộp tiền “giữ chỗ” hay bất cứ khoản thu nào khác không đúng quy định. Một vài năm trở lại đây, năm nào vào mùa tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội đều yêu cầu các trường tư không thu phí ghi danh, giữ chỗ, nhưng việc này vẫn tiếp diễn.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, về phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, năm học 2024-2025, Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển, bao gồm ba môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Môn thi thứ tư nếu có, sẽ được công bố trong tháng 3/2024. Môn thi thứ tư được lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học trong chương trình giáo dục THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Thời điểm này, Hà Nội chưa chốt số lượng môn thi của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. Thời gian tổ chức kỳ thi cũng đang được nghiên cứu để sớm công bố cho học sinh được biết.

Sở GD&ĐT từng dự báo số lượng học sinh lớp 9 trên địa bàn tốt nghiệp THPT trong các năm tới tăng tăng khoảng 29.000 em, tương đương khoảng 722 lớp. Theo đó: năm 2024 - 2025 dự kiến gần 135.000 học sinh tốt nghiệp, tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học 2023 – 2024; Năm học 2025 - 2026 dự kiến hơn gần 130.000 học sinh, tăng khoảng 680 em so với năm 2023 - 2024; Số lượng “khủng” là năm 2026 - 2027 dự kiến có hơn 151.000 học sinh, tăng khoảng hơn 22.000 học sinh so với năm học 2023 - 2024.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//cuoc-dua-vao-lop-10-trung-hoc-pho-thong-cong-lap-tai-ha-noi-se-ap-luc-hon-374668.html